Ký ức nhiều người mơ của phạm nhân mang tội danh lừa đảo

(PLO) -Từng là trưởng phòng kinh doanh của một Công ty Nhà nước, có một gia đình mà nhiều người mơ ước, thế nhưng Phạm Xuân Luận (SN 1958, ngụ tại đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh) không biết giữ niềm hạnh phúc ấy mà sa vào con đường tội lỗi để rồi phải chịu bản án 25 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Phạm Xuân Luận đang thụ án trong trại giam
Phạm Xuân Luận đang thụ án trong trại giam

Trả giá đắt từ một phút nông nổi

Phạm nhân Phạm Xuân Luận vốn là Trưởng phòng kinh doanh của Công ty thông tin dịch vụ thương mại và quảng cáo (thuộc Tổng công ty Thủy sản Việt Nam). Công tác trong ngành đã nhiều năm, Luận không nghĩ rằng mình sẽ kết thúc sự nghiệp một cách đầy nuối tiếc như vậy.

Phạm nhân Luận nhớ lại, trước đây anh từng là người lính sau đó chuyển ngành đi học 5 năm tại Trường Đại học Thủy sản. Sau đó, anh về công tác tại Công ty thông tin dịch vụ thương mại và quảng cáo. Thời gian công tác tại đây, Luận luôn phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ và được đảm nhận chức vụ Trưởng phòng kinh doanh.

Khoảng tháng 6/2002, Trung tâm xuất khẩu trực thuộc Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam lúc đó đang cần một mặt hàng xuất khẩu với doanh số lớn để hoàn thành kế hoạch năm 2002. Do có mối quan hệ, Luận giới thiệu cho Tổng giám đốc Trung tâm xuất khẩu “hợp tác” với một người bạn của Luận chuyên về hàng may mặc. Thời điểm đó, do đang cần hàng may mặc xuất khẩu đi các nước Đông Âu nên lãnh đạo trung tâm liền gặp gỡ và sau đó “hợp tác” với đơn vị mà Luận giới thiệu.

Sau khi phía Trung tâm ký kết xuất hàng đi các nước Đông Âu thì phải làm thủ tục báo cáo thuế. Thời điểm đó, Nhà nước khuyến khích xuất khẩu hàng may mặc nên được hoàn trả 10% thuế đầu vào, tuy nhiên do đơn vị “hợp tác” với trung tâm vốn là một tổ hợp sản xuất nên không có hóa đơn VAT. Bởi vậy Luận đã tìm giúp những công ty TNHH khác cũng kinh doanh hàng may mặc rồi mua hóa đơn để lấp vào chỗ trống, số tiền thuế 10% được hoàn trả Luận cũng đưa hết cho người bán hóa đơn đó.

Thế nhưng, đến khi sự việc bị vỡ lở, Luận và những người liên quan đều bị cơ quan điều tra mời lên làm việc. Luận bị khởi tố vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Số tiền thuế bị thất thu lên đến 3 tỷ 680 triệu ở cả 2 đơn vị, trong đó Trung tâm xuất khẩu thất thoát 3 tỷ 80 triệu đồng còn công ty nơi Luận đang làm là 600 triệu tiền thuế.

Vụ việc đó ngoài Luận thì một phó tổng giám đốc, kế toán trưởng kiêm trưởng ban tài chính, cán bộ trung tâm xuất khẩu, thủ quỹ và gần chục người bán hóa đơn cũng vướng vòng lao lý. Luận chịu án phạt nặng nhất với vai trò là đầu vụ.

Lý giải về hành động sai trái của mình, phạm nhân Luận chia sẻ rằng ngày đó vì muốn lấy lòng lãnh đạo để xin chuyển sang bên trung tâm làm nên anh mới giúp đỡ nhiệt tình như vậy. Thế nhưng, khi công việc mới còn chưa được làm thì anh đã rơi vào vòng lao lý.

“Ngày ấy những mặt hàng xuất khẩu đều là hàng thật, giá thật, số tiền hoàn thuế tôi đều trả hết cho những công ty bán hóa đơn. Thế nhưng, việc làm đó là vi phạm pháp luật. Mục đích cuối cùng chỉ muốn trung tâm xuất khẩu có đủ doanh số, tôi đâu có nghĩ là sẽ lợi dụng việc này để kiếm tiền bất chính”, phạm nhân Luận hồi tưởng.

Khi tòa tuyên án, Luận cảm thấy hoang mang lắm, lúc đó bản thân đã 50 tuổi rồi không biết bao giờ mới được trở về với gia đình. “Lúc mới vào trại, tâm trạng tôi tuyệt vọng vì nghĩ đến cảm giác bí bách, tù tội. Thế nhưng, được một thời gian tôi thấy không phải như mình nghĩ. Các cán bộ quản giáo thường xuyên động viên, hỏi han tôi rất cởi mở”, phạm nhân chia sẻ.

Luận cũng cho biết, tại trại giam An Phước (Thuộc Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an - đóng tại huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương), chế độ sống được đảm bảo. Ngoài chế độ của nhà nước, phạm nhân còn được bổ sung thêm trứng, gạo. Vào các ngày nghỉ lễ, tết, phạm nhân có thời gian để tham gia các phong trào thể dục thể thao, báo tường,... Chính vì thế đời sống tinh thần của phạm nhân được nâng lên rõ rệt. Điều này tác động tốt đến tư tưởng chấp hành của phạm nhân, những con người lầm đường, lạc lối có thêm động lực để phấn đấu cải tạo tốt.

Động lực cải tạo

Chia sẻ về gia đình, đôi mắt Luận rưng rưng cho biết, anh có vợ và hai người con đều đã lập gia đình và hiện đang đi làm công nhân. Luận nhớ lại, khi anh bị bắt, người thân trong gia đình và bạn bè, đồng nghiệp ai cũng sốc nhưng mọi người đều động viên, chia sẻ. Những tháng ngày ở trại giam, người thân vẫn thường xuyên lên thăm anh. Sau đó không may một người con của Luận bị tai nạn, vợ con cũng ít có điều kiện nên một năm chỉ lên thăm 2-3 lần. Thế nhưng, anh hiểu rằng vợ con anh không bao giờ oán trách và luôn động viên, chờ đợi ngày anh trở về với gia đình.

“Hôm xét xử, sau khi nghe tòa tuyên án vợ tôi đã ngất xỉu tại chỗ. Những lần lên thăm, cô ấy đều động viên tôi cố gắng cải tạo tốt. Cô ấy còn dặn: “Anh không được nghĩ án là bao nhiêu năm, không được suy nghĩ nhiều để giữ gìn sức khỏe, còn gia đình để em lo”. Đến giờ tôi thụ án được 11 năm, thời gian còn lại vẫn còn dài...”.

Thời gian thụ án tại Trại giam An Phước, phạm nhân Luận luôn ý thức việc phấn đấu cải tạo tốt để được giảm án, mong sớm có ngày trở về với gia đình. Luận cho biết, anh tham gia lao động được hai tháng thì được cán bộ quản giáo giao làm trong ban tự quản phạm nhân. Nhiệm kỳ năm 2011, Luận làm phó ban, đến năm 2013 thì làm trưởng ban tự quản phạm nhân.

Phạm nhân Luận luôn hoàn thành nhiệm vụ trưởng ban tự quản
Phạm nhân Luận luôn hoàn thành nhiệm vụ trưởng ban tự quản

Luận cho biết, Trưởng ban tự quản là cầu nối giữa phạm nhân và cán bộ giám thị, cán bộ quản giáo. Hàng ngày, Luận sống cùng phạm nhân 24/24 nên hiểu được tâm tư, nguyện vọng và hành vi của các phạm nhân khác, từ đó sẽ chuyển tải những phản ánh, nguyện vọng, đề xuất chính đáng của họ đến các cán bộ quản giáo. Còn đối với những trường hợp chống phá thì kịp thời ngăn chặn và có biện pháp giáo dục cải tạo.

“Tôi làm nhiệm vụ này không phải trực tiếp lao động bởi vậy mình phải làm tròn trách nhiệm. Nhiệm vụ của mình là sáng sớm khoảng 6h kém 15 phút là đọc bản tin buổi sáng hay như việc đọc các tài liệu tuyên truyền, nội quy, tiêu chuẩn và thông báo đến giám thị, hội đồng cán bộ”, phạm nhân Luận kể.

Là một phạm nhân lớn tuổi và có sự hiểu biết, vì thế trong đầu Luận luôn suy nghĩ mỗi trường hợp phạm nhân cần tiếp cận phải giáo dục, tâm sự như thế nào và đối với phạm nhân thì không thể áp đặt. Ví như, một lần có trường hợp phạm nhân nam nhỏ tuổi hỏi Luận: “Tại sao chú cứ coi chương trình thời sự mà không coi phim, giải trí”.

Lúc đó Luận trả lời rằng: “Con coi thời sự thì biết được giá xăng tăng, khi đó tiêu dùng tăng lên. Mẹ con bình thường gửi cho con 1 triệu/tháng bây giờ giảm xuống còn 500 nghìn. Thấy thế con giận và nghĩ rằng mẹ con không thương con nữa. Thế nhưng ở ngoài kia mẹ con đi làm lương vẫn vậy, trong khi đó chi phí hàng tháng nhiều hơn”. Nghe Luận phân tích xong, cậu thanh niên đó bảo anh nói có lý và không còn thắc mắc nữa.

“Mình phải sống chuẩn mực, gương mẫu, những công việc cán bộ giao phải làm chuẩn chứ không được lợi dụng lòng tin mà làm bậy. Mình cố gắng làm tốt công việc được giao, tích cực tiếp cận, nắm bắt những thành phần chống phá để giúp cho cán bộ quản giáo biết và có biện pháp kịp thời”, Luận nói thêm.

Chính sự cố gắng phấn đấu cải tạo của Luận đã giúp anh được giảm án 3 lần. Vì thế cơ hội được trở về đoàn tụ với gia đình của Luận càng sớm trở thành hiện thực. Đó cũng là ước mơ, sự hi vọng luôn cháy bỏng trong lòng người phạm nhân này.

Nhận xét về việc chấp hành cải tạo của phạm nhân Luận, đồng chí Nguyễn Văn Phi (Trưởng phân trại số 2, Trại giam An Phước) cho biết: “Phạm nhân Luận trong trại giam cải tạo tốt, chấp hành tốt nội quy và chúng tôi ghi nhận điều đó khi xét duyệt giảm án cho phạm nhân này. Phạm nhân Luận cũng làm tốt công việc được phân công là Trưởng ban tự quản phạm nhân”./.

Đọc thêm