“Lỗ hổng” quản lý nhìn từ vụ nữ tử tù mang thai

(PLO) - Nhìn từ vụ của tử tù Nguyễn Thị Huệ, nhiều ý kiến cho rằng dù quy định này bị lợi dụng để thoát án tử thì cũng không nên đặt ra vấn đề xem xét sửa luật bởi đó là chủ trương nhân đạo.
 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Tháng 6/2014, Nguyễn Thị Huệ (SN 1974, quê thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) bị tuyên án tử hình về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Quá trình bị giam giữ, Huệ làm quen và nhờ phạm nhân Nguyễn Tuấn Hưng (SN 1989, đang chấp hành án phạt 30 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”) giúp Huệ mang thai với giá 50 triệu đồng.
Tháng 8/2015, Hưng 2 lần lấy tinh trùng của mình cho vào túi nilon rồi tìm cách đưa vào hành lang nhà giam nơi Huệ bị giam giữ. Lợi dụng lúc được tháo cùm ra ngoài vệ sinh, nữ tử tù đã lấy tinh trùng bơm vào tử cung. 
Ngày 6/1/2016, qua công tác quản lý giam giữ, Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện tử tù có biểu hiện khác thường. Qua kiểm tra y tế xác định, Nguyễn Thị Huệ có thai khoảng 4 đến 5 tháng tuổi. Dự khám Huệ sẽ sinh con vào tháng 4/2016
Theo quy định tại Điều 35 Bộ luật Hình sự 1999 thì khi xét xử không áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng; không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
Trong trường hợp này, hình phạt tử hình chuyển thành tù chung thân. Với quy định trên của pháp luật thì bị cáo Huệ đương nhiên thoát án tử hình.
Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, sau khi phát hiện vụ việc trên, Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tiến hành tổ chức xác minh, điều tra làm rõ theo quy định của pháp luật.
Kết quả điều tra ban đầu xác định: Đối tượng Nguyễn Thị Huệ biết mình mang án tử hình, lợi dụng tính nhân đạo của pháp luật không áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ có thai và những bất cập trong công tác giam giữ nên Huệ đã nảy sinh ý định tìm cách có thai để tránh án tử hình.
Để thực hiện ý định đó, Huệ đã tìm cách làm quen và nhờ phạm nhân nam giúp đưa tinh trùng và bơm tiêm vào cho Huệ để Huệ tự bơm tinh trùng vào cơ thể. 
Trả lời báo chí, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn cho biết, Chánh án TANDTC sẽ quyết định việc giảm án xuống chung thân đối với tử tù Nguyễn Thị Huệ. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Sơn, việc lập hồ sơ xem xét giảm án cho nữ tử tù Nguyễn Thị Huệ chỉ được thực hiện sau khi hoàn tất quá trình sinh đẻ.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 367 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015: “Khi có căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự (không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi) thì Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm không ra quyết định thi hành án tử hình và báo cáo Chánh án TANDTC để xem xét chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân cho người bị kết án”.
“Luật đã quy định rất rõ như vậy nên cơ quan thi hành án sẽ lập hồ sơ kèm theo tài liệu liên quan báo cáo với tòa án tỉnh Quảng Ninh xem xét trước khi trình lên Chánh án TANDTC. Khi thấy có đầy đủ cơ sở theo quy định của luật, Chánh án TANDTC sẽ ra quyết định giảm án từ tử hình xuống chung thân”- ông Sơn nói.
Nhìn lại lịch sử pháp luật hình sự Việt Nam cho thấy, Bộ luật Hình sự đầu tiên năm 1985 chưa có quy định chuyển án tù chung thân cho tử tù mang thai. Cho đến Bộ luật Hình sự năm 1999, Điều 35 đã quy định rõ: “Không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi”.
Đây là quy định được giữ cho đến Bộ luật hiện hành vì thể hiện tính nhân đạo của chính sách hình sự nói riêng, pháp luật nói chung.
Nhiều chuyên gia cho rằng từ vụ của tử tù Nguyễn Thị Huệ, dù quy định này bị lợi dụng để thoát án tử thì cũng không nên đặt ra vấn đề xem xét sửa luật bởi đó là chủ trương nhân đạo.
Vấn đề cần làm là khẩn trương xác minh làm rõ và xử lý trách nhiệm của những người có liên quan, trong đó đặc biệt là các cán bộ quản giáo. Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định về việc quản lý, giam giữ người bị kết án tử hình, tránh trường hợp tù nhân lợi dụng sơ hở để trục lợi./.

Đọc thêm