Lỡ tay giết nhím, 9 tháng ngồi tù

(PLO) - Trong một cơn say, Nguyễn Văn Việt (SN 1982, ấp Hòa Nhơn, xã Long Khánh, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) lỡ tay giết một con nhím, anh trai làng bị kết án 9 tháng tù về tội hủy hoại tài sản trong phiên tòa sơ thẩm gần đây. Bản án này liệu có quá nặng?
Lỡ tay giết nhím, 9 tháng ngồi tù
Hồ sơ vụ án cho thấy, khi đến nhà chú chơi, Việt thấy chuồng nhím liền tò mò bước đến xem. Cao hứng, Việt dùng cây chọc một con nhím cái trọng lượng khoảng 10 kg. Bị chọc tức, con nhím tức mình xù lông, bắn lông nhọn hoắt vào tay kẻ say rượu. Việt vớ luôn một khúc củi gần đó thẳng tay giáng xuống con nhím tội nghiệp. Thấy nhím chết, Việt mò vào chuồng túm lấy mang đi.
Tại phiên xử sơ thẩm, TAND đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Việt 9 tháng tù giam. Dư luận cho rằng bản án trên  là quá nặng cho việc giết một con nhím.
Theo góc nhìn tội phạm học, trước tiên cần xác định con nhím được coi là tài sản không? Điều 163 Bộ luật Dân sự quy định: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. 
Tài sản được phân thành 2 loại: Bất động sản và động sản. “Bất động sản là các tài sản bao gồm: a) Đất đai; b) Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai, kể cả các tài sản gắn liền với nhà, công trình xây dựng đó; c) Các tài sản khác gắn liền với đất đai; d) Các tài sản khác do pháp luật quy định”. “Động sản là những tài sản không phải là bất động sản”. 
Từ đó, có thể xác định con nhím được coi là vật (động sản), là tài sản thuộc sở hữu của bị hại.
Tiếp theo, cần tìm hiểu việc giết một con nhím của người khác khi nào thì cấu thành tội hủy hoại tài sản theo quy định tại Điều 143 Bộ luật Hình sự. 
Một người phạm tội hủy hoại tài sản khi có đủ các dấu hiệu sau: (i) Thực hiện hành vi làm cho tài sản của người khác mất hẳn giá trị sử dụng, không thể khôi phục lại được hoặc khó có thể khôi phục lại được.
Hành vi có thể được thực hiện dưới dạng hành động (đập, phá, đốt…) và không hành động (bắt buộc phải bảo dưỡng máy móc định kỳ, nhưng cố tình không làm, dẫn đến máy móc không còn khả năng sử dụng…) 
Hành vi hủy hoại tài sản có thể được thưc hiện bằng những phương pháp, phương tiện hoặc công cụ khác nhau. (ii) Lỗi của người thực hiện hành vi phạm tội hủy hoại tài sản là lỗi cố ý.
Người phạm tội có nhiều động cơ, mục đích khác nhau như để trả thù do tức giận, đố kỵ…
Tuy nhiên, động cơ, mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. (iii) Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi hủy hoại và hậu quả xảy ra (thiệt hại do chính hành vi gây ra). Hậu quả mà tài sản bị thiệt hại từ hai triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm. 
Từ phân tích dấu hiệu của tội trên, có thể thấy hành vi của Việt đã cấu thành tội phạm. 
Điều duy nhất có thể coi là căn cứ “kêu oan” cho Việt là xác định con nhím trị giá bao nhiêu tiền. Cần phải có kết luận định giá tài sản do Hội đồng định giá đưa ra. Nếu không đồng ý với bản án đã tuyên, bị cáo Việt có quyền kháng cáo. 
Câu hỏi đặt ra: Nếu bị cáo cho rằng giá con nhím chưa đến 2 triệu đồng thì có quyền được yêu cầu định giá lại trong đơn kháng cáo?
Nguyên tắc thì bị cáo có quyền yêu cầu định giá lại, nhưng thẩm quyền xem xét, chấp nhận yêu cầu này thuộc Hội đồng xét xử phúc thẩm. Khoản 1 Điều 21 Nghị định 26/2005/NĐ-CP quy định: “Việc định giá lại một phần hoặc toàn bộ tài sản được tiến hành theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi có nghi ngờ về kết quả định giá hoặc có mâu thuẫn giữa các kết luận định giá về giá của tài sản cần định giá. Việc định giá lại phải do Hội đồng định giá tài sản cấp trên trực tiếp thực hiện”.
Cũng có ý kiến cho rằng, với hành vi nêu trên và hậu quả đã gây ra thì áp dụng án treo sẽ hợp lý, hợp tình hơn. Hợp tình bởi phía bị hại đã có đơn xin bãi nại cho bị cáo. 
Căn cứ Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hương dẫn áp dụng về án treo bị cáo Việt đã có thể xem xét áp dụng 5 tiêu chí a, b, c, đ. Riêng tiêu chí “có từ hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự” cũng có thể được đáp ứng khi bị cáo “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” và “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”.
Với mục đích của Bộ luật Hình sự: “Thông qua hình phạt để răn đe, giáo dục, cảm hoá, cải tạo người phạm tội trở thành người lương thiện; qua đó, bồi dưỡng cho mọi công dân tinh thần, ý thức làm chủ xã hội, ý thức tuân thủ pháp luật, chủ động tham gia phòng ngừa và chống tội phạm”, trong vụ án trên, án treo cũng đã đủ sức răn đe, cải tạo.

Đọc thêm