Lớp học du mục của thầy giáo mù

 Nhiều phụ huynh hỏi sao thầy không lập gia đình để sớm tối có người săn sóc, vui vầy, người đàn ông 37 tuổi ấy chỉ cười: “Mình thế này sợ làm khổ người ta. Với lại, có vợ, có con rồi, vợ không cho đi làm từ thiện nữa thì làm thế nào!”...

Nhiều phụ huynh hỏi sao thầy không lập gia đình để sớm tối có người săn sóc, vui vầy, người đàn ông 37 tuổi ấy chỉ cười: “Mình thế này sợ làm khổ người ta. Với lại, có vợ, có con rồi, vợ không cho đi làm từ thiện nữa thì làm thế nào!”...

Lớp học dưới đồi cát

Gần 3 năm nay, vào hai ngày cuối tuần, người dân và khách du lịch ở khu đồi cát Mũi Né đã quá quen thuộc với hình ảnh một người thầy giáo mù dạy học cho những em nhỏ lang thang nơi đây.

Lớp học thật đặc biệt: Thầy trò dạy và học dưới một gốc cây của một ngọn đồi, không có trường lớp, không có bàn ghế, bảng đen phấn trắng... Đêm đến, thầy trò cùng ngồi bệt ngay trên sân nhà của một công nhân vệ sinh gần đó...

Thầy giáo Nguyễn Phước Thiện
Thầy giáo Nguyễn Phước Thiện

Thầy giáo mù. Còn học trò là những đứa trẻ lang thang kiếm sống bằng đủ thứ nghề bên bãi biển. Mưa gió, nắng nôi, thiếu thốn..., lớp học du mục này hứng chịu cả. Nhưng chưa tuần nào, dưới đồi cát biển Mũi Né không vang lên tiếng học bài của các em. Những bài học tiếng Anh về cách chào mời khách nước ngoài, những câu hát, bài thơ mộc mạc... đã đến với những em nhỏ bất hạnh nơi đây như thế.

Thầy giáo ấy là Nguyễn Phước Thiện (37 tuổi, ở quận 3, TP.Hồ Chí Minh). Hơn nửa năm trước, khi cùng học trò ở TP ra Mũi Né đi thực tế, hình ảnh những đứa trẻ người đẫm mồ hôi chào khách dưới cái nắng chói chang; những em chưa từng được đến lớp; những em bán hàng kiêm... móc túi du khách... đã khiến thầy Thiện xao lòng.

Kinh nghiệm của một thầy giáo đã cho thầy nhận định: Thực ra, các em đều là trẻ ngoan nhưng vì thiếu sự giáo dục sát sao của gia đình và nhà trường nên dần dà mới sinh tật xấu. “Giá như có một lớp học...” - một ý tưởng đã lóe lên trong suy nghĩ của thầy ngay sau chuyến đi đó!

Thầy Thiện đã tâm sự dự định ấy cho hai học trò thân thiết là Lê Thị Bích Thủy - lúc đó là sinh viên ĐH Tôn Đức Thắng và Lâm Kim Hồng - nhân viên siêu thị Co.opmart. Hai cô gái trẻ đã tình nguyện thay nhau giúp thầy đi lại. Một người bạn của thầy đang sống tại Mũi Né nhận “tài trợ” ăn ở những ngày thầy Thiện về đây dạy... 1 tháng sau, lớp học tiếng Anh miễn phí dành cho trẻ nghèo đã ra đời trong sự háo hức, hân hoan của cả thầy và trò.

Từ đó, tuần nào cũng vậy, cứ khuya thứ bảy, một thầy - một trò đón xe ra ga TP.Hồ Chí Minh. Chiều thứ bảy bắt đầu buổi học cho đến 11h đêm chủ nhật, thầy lại ra ga Phan Thiết trở về TP.

Đam mê việc thiện

... Ngày ấy, khi mới 9 tuổi, sau một lần tai nạn bị té xuống hồ nước, cậu bé Nguyễn Phước Thiện đã bị mù. Không quỵ ngã trước bất hạnh, Thiện học bằng chữ nổi (braille) và luôn là học sinh khá, giỏi trong những năm học phổ thông. Tốt nghiệp THPT, Phước Thiện trở thành sinh viên khiếm thị đầu tiên khoa Anh văn - ĐH Sư phạm TP.Hồ Chí Minh.

Ra trường, thầy không đi xin việc mà tự mở lớp dạy học ở nhà tại căn hộ nhỏ của chung cư Nguyễn Thiện Thuật (quận 3, TP.Hồ Chí Mỉnh). Hiện, thầy Thiện đang dạy 10 lớp, mỗi lớp có 5-8 em. Ngoài ra còn có tám em học qua mạng, đó là những bạn sinh viên ở Huế, Đà Nẵng, Nha Trang... học qua “chat voice” (hình thức nghe nói trực tiếp qua máy tính nối mạng). Những em có hoàn cảnh khó khăn, những bạn là đoàn viên thì thầy giảm 50% học phí, còn những nhà tu thì miễn phí hoàn toàn. Những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn còn được thầy chu cấp sách vở...

Ngày làm việc của thầy bắt đầu từ lúc 5h sáng bằng việc nghe đài để cập nhật thông tin, sau đó bắt đầu dạy học tới chiều tối. Không cà phê, thuốc lá, rượu bia, cũng không có nhiều nhu cầu mua sắm, thu nhập mỗi tháng được thầy chia ra làm đôi: Một nửa đưa cho mẹ trang trải chi phí sinh hoạt, một nửa dùng để làm từ thiện và tham gia công tác xã hội.

Nhiều phụ huynh hỏi sao thầy không lập gia đình để sớm tối có người săn sóc, vui vầy, người đàn ông 37 tuổi ấy chỉ cười: “Mình thế này sợ làm khổ người ta. Với lại, có vợ, có con rồi, vợ không cho đi làm từ thiện nữa thì làm thế nào!”...

Với những thành tích nổi bật trong công tác giáo dục và xã hội, tại Lễ tuyên dương “Người con hiếu thảo 2010” , thầy giáo Nguyễn Phước Thiện được vinh danh là một trong 50 gương điển hình của TP.Hồ Chí Minh.

Thủy Thanh

Đọc thêm