Lúc nhỏ được cứu sống, khi lớn lừa sạch 21 tỷ của ân nhân

(PLO) - Gặp lại cô gái hơn 30 năm trước được chồng cứu sống, nghe cô gái giới thiệu đang làm việc tại ngân hàng, bà Trương Thị Hoan (SN 1962, ngụ phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) hết đỗi vui mừng: “Gia đình tôi xem Tùng như con. Nhưng chà đạp lên tất cả sự tin yêu và tình thân đó, Tùng đã rắp tâm lừa đảo của gia đình tôi hơn 20 tỷ đồng. Số tiền này là của cả gia đình tôi bán sức lao động nơi xứ người mới gom góp được”, Bà Hoan chua chát.
Đối tượng Tùng tại CQĐT
Đối tượng Tùng tại CQĐT

Lừa cả ân nhân

Theo hồ sơ vụ án, ngày 2/7/2014, CA quận Nam Từ Liêm nhận được đơn trình báo của bà Hoan tố cáo Trần Thị Tùng (SN 1980, quê huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, khi ấy đang sống tại Hà Nội, chỗ ở không cố định) có hành vi lừa đảo chiếm đoạt 21 tỷ đồng qua giao dịch mua bán nhà đất.

Qua điều tra, xác định bà Hoan có quan hệ thân thiết với bố mẹ Tùng sinh sống tại TP Thanh Hóa. Bà Hoan trước đây cũng sinh sống ở TP Thanh Hóa, chồng là bác sĩ bệnh viện huyện Hậu Lộc.

Lúc Tùng khoảng 4 tuổi bị ốm nặng, nguy kịch đến tính mạng, may mắn được chồng bà Hoan cấp cứu kịp thời nên thoát nạn. Sau lần đó gia đình Tùng luôn xem vợ chồng bà Hoan là ân nhân.

Từ năm 2007 gia đình bà Hoan chuyển ra Hà Nội sinh sống. Đến năm 2010 Tùng chủ động tìm đến chào hỏi gia đình ân nhân và thường xuyên qua lại chuyện trò. Bà Hoan cho biết rất vui mừng vì cô bé được chồng cứu sống năm nào nay đã trưởng thành.

Lúc gặp lại, Tùng giới thiệu sau khi tốt nghiệp trường ĐH Thương Mại, đã được nhận vào làm việc tại một ngân hàng ở Bắc Ninh, nhờ quan hệ tốt với cấp trên nên được chuyển về Hà Nội. Theo lời khai người tố cáo, những lần tới nhà chơi, Tùng hay mặc đồng phục nhân viên ngân hàng.

Qua những lần tới nhà thăm hỏi, Tùng khoe với bà Hoan quen biết nhiều lãnh đạo ngân hàng, hay đi tháp tùng các “sếp” nên có khả năng mua được nhà với giá ưu đãi. Còn bà Hoan lúc này có nhu cầu mua nhà chuẩn bị cho các con đang sống ở nước ngoài về nước ở sau này nên được Tùng rủ đến thăm một số dự án, biệt thự.

Trước lúc đi, Tùng không quên “rào đón” dặn bà Hoan phải “án binh bất động”, tuyệt đối không được kể ra ngoài bởi “đây là ưu đãi riêng”.

Bà Hoan trình bày tiếp, trong những lần đi thăm dự án, chồng Tùng cũng nói có suất mua nhà đất giá ưu đãi nhưng chưa có tiền. Nếu bà Hoan muốn sẽ mua giúp, xem như trả ơn cứu mạng vợ ngày trước:

“Tùng giải thích ngân hàng cho công ty vay tiền thực hiện dự án, đổi lại ngân hàng được ưu đãi một số suất giá gốc. Nhiều căn nhà khác do nhà đầu tư vay vốn nhưng không trả được nợ nên bị ngân hàng siết nợ”, bà Hoan viết trong đơn tố cáo. Có điều lạ, mỗi lần bà Hoan đưa tiền đều yêu cầu kí nhận nhưng Tùng viện lý do né tránh.

Theo hồ sơ CQĐT, cuối năm 2012, Tùng dẫn bà Hoan đến xem thửa đất rộng 200m2 tại khu vực Bắc An Khánh (huyện Hoài Đức) với giá 35 triệu đồng/m2, cam kết sau ba tháng sẽ làm xong thủ tục với chủ dự án.

Bà Hoan đồng ý mua đất và đưa cho Tùng 2,2 tỷ đồng tại nhà mình nhưng không viết giấy biên nhận. Sau ba tháng không thấy Tùng làm được thủ tục kí hợp đồng giao đất, bà hỏi thì “nữ cán bộ ngân hàng” nói đang gặp vướng mắc về mặt thủ tục. 

Để tránh lộ chân tướng, Tùng vẫn đến nhà ân nhân nhiều lần nhằm giữ lòng tin. Khoảng giữa năm 2011, nữ nhân viên ngân hàng “rởm” nói với bà Hoan ngân hàng nơi mình đang làm việc đang phát mãi nhà đất tại quận Tây Hồ và Tùng có khả năng giúp bà mua được nhà.

Để nạn nhân tin tưởng, Tùng dẫn bà Hoan đến xem nhà đất tại số 6B xóm Chùa (quận Tây Hồ) hai lần, đứng ở ngoài chụp ảnh. Cô gái nói ngân hàng định giá 14,5 tỷ đồng, sau khi nộp tiền thì ngân hàng sẽ làm thủ tục sang tên. Thấy giá cả hợp lý, bà Hoan chuyển từ mua nhà ở Bắc An Khánh sang nhà ở Tây Hồ.

Từ tháng 3/2012 đến tháng 2/2013, bà đưa cho Tùng tổng cộng 12,8 tỷ đồng nộp mua nhà. Nhưng chờ mãi không thấy ngân hàng làm thủ tục sang tên, bà hỏi thì Tùng lại nói bên ngân hàng làm mất phôi sổ đỏ nên chưa làm thủ tục sang tên được.

Cũng trong thời gian này, Tùng còn hỏi mượn bà Hoan 1 tỷ đồng đầu tư kinh doanh cà phê. Sau đó Tùng tiếp tục mượn tiền của bà Hoan nhiều lần, khi thì nói cho “sếp” ngân hàng vay, khi thì bảo cần tiền mặt chi trả cho ngân hàng rồi sẽ trừ vào tiền mua nhà sau.

Lại nói về căn nhà ở Hồ Tây, sau thời gian chờ đợi quá lâu không thấy tin tức gì, gia đình bà Hoan sốt ruột hỏi thì Tùng lại viện lý do UBND TP Hà Nội bị mất phôi sổ đỏ, chưa làm được và cứ yên tâm chờ.

Lừa từ Bắc vào Nam

Khoảng tháng 7/2012, bà Hoan vào TP HCM công tác, biết thông tin này nên Tùng liền nói ngân hàng tiếp tục phát mại nhà đất rộng 200m2 của Tổng công ty Dệt tại đường Nguyễn Huệ (Quận 1).

Mấy ngày sau “nữ nhân viên ngân hàng” vào tận nơi đưa bà Ngoan đến xem nhà đất và nói đây là suất ưu tiên có giá phát mại 26 tỷ đồng. Bà Hoan trả lời không có tiền nhưng sẽ hỏi bạn của chồng ở nước ngoài có mua không thì Tùng từ chối ngay, nói việc này phải bí mật. 

Biết bà Hoan không mua nhà đất ở phố Nguyễn Huệ, Tùng quay ra nói có người bán nhà trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 10, TP HCM) giá 5 tỷ đồng. Tùng nói đã có “cò” đất bán lại căn nhà 10 tỷ đồng, nếu bà Hoan góp vốn thì chia đôi tiền lãi.

Để tạo lòng tin, Tùng nhắc lại trước đó ân nhân có cho mình vay vốn kinh doanh được phần lãi 1 tỷ nên chỉ cần đưa thêm 1,5 tỷ là đủ góp vốn (mỗi người góp 2,5 tỷ mua nhà). Tin lời, bà Hoan rút tiền tiết kiệm đưa cho Tùng.

Nhưng chờ mãi không thấy ngân hàng làm giấy tờ sang tên sổ đỏ, mỗi lần bà Hoan hỏi thì Tùng viện đủ lý do thoái thác. Đặc biệt từ tháng 3/2013, “nữ nhân viên ngân hàng” đổi số điện thoại và chặn tất cả cuộc gọi của bà Hoan. Nạn nhân chột dạ nghĩ tới chuyện bị Tùng lừa.

Tuy nhiên vẫn còn tình cảm hai gia đình nên tháng 5/2013, trong lần về Thanh Hóa, vợ chồng bà Hoan đến gặp bố mẹ Tùng kể hết sự việc thì được biết Tùng vẫn ở Việt Nam. Lúc này Tùng mới “lộ diện”, chấp nhận viết giấy nợ bà Hoan 21 tỷ 50 triệu.

Công an Hà Nội sau đó ra quyết định khám xét khẩn cấp nơi ở của Trần Thị Tùng tại tòa nhà CT1 Chung Cư Hải Phát, phường La Khê, quận Hà Đông. Công an cũng xác minh tại ngân hàng Tùng giới thiệu là nhân viên không có người nào tên là Tùng.

Điều tra cho thấy đủ căn cứ kết luận bà Hoan đưa cho Tùng 19,5 tỷ đồng. Tổng số tiền Tùng nợ bà Hoan lên tới 21,5 tỷ đồng, trong đó có 2 tỷ đồng tiền lãi.

Về thủ đoạn “đội lốt” nhân viên ngân hàng của Tùng, CQĐT làm rõ: Năm 2006, bằng thủ đoạn xin nhập hộ khẩu vào nhà người quen rồi tách hộ khẩu, Tùng tự điền vào phần nghề nghiệp của mình là cán bộ ngân hàng và dùng hồ sơ này để thực hiện hành vi lừa đảo.

Mới đây, TAND TP Hà Nội đã mở phiên sơ thẩm xét xử Trần Thị Tùng bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tại phiên tòa, Tùng khai toàn bộ tiền chiếm đoạt của ân nhân đã cho người khác vay lại để đáo nợ ngân hàng và nhập hàng hóa. Do làm ăn thua lỗ nên Tùng mất trắng. HĐXX tuyên phạt Tùng mức án chung thân.

(Tên bị hại trong vụ án đã được thay đổi)

Đọc thêm