Lưới trời lồng lộng

(PLO) - Luật pháp và tư pháp ở nước Mỹ thuộc diện đa dạng và nhiều lạ lùng nhất trên thế giới. Cũng vì thế mà ở đây cũng có nhiều kỳ án rất hiếm thấy ở nơi khác. Và thường phải nhiều năm sau thì án oan mới được minh oan và vụ án bế tắc mới được phanh phui sự thật. 
Sheila theo học khoá đào tạo trở thành thám tử tư để tự điều tra vụ án cô bạn bị sát hại
Sheila theo học khoá đào tạo trở thành thám tử tư để tự điều tra vụ án cô bạn bị sát hại

Lưới trời lồng lộng thật đấy nhưng sau thời gian dài đến thế và sau nỗi oan khổ dai dẳng đến như thế thì công lý đến quả là rất muộn mằn, nếu như không muốn nói là quá muộn mằn. Như trong vụ án sau đây.

Sheila Wysocki và Angela Samota quen thân nhau năm 1982 khi cùng học Trường đại học tổng hợp Southern Methodist ở Dallas, bang Texas của nước Mỹ. Hai người ở cùng phòng. Vụ việc xảy ra năm 1984. Tối hôm ấy, Sheila đi dự một cuộc hội họp và Angela ở nhà. Angela bị kẻ lạ đột nhập vào nhà cưỡng hiếp và sát hại một cách rất dã man. 

Cảnh sát tiến hành điều tra nhưng không đạt được kết quả gì, không tìm ra được thủ phạm và năm 1985 tuyên bố kết thúc công chuyện điều tra, coi vụ việc là một trong vô vàn vụ án hình sự không điều tra ra thủ phạm ở nước Mỹ. 

Bị ám ảnh bởi cái chết của cô bạn thân, Sheila ngừng học, chuyển đi ở thành phố khác và lập gia đình. Do không thể quên được người bạn và những gì khủng khiếp đã xảy ra cũng như quyết tâm trả lại công lý cho người bạn gái, Sheila yêu cầu cảnh sát thành phố Dallas mở lại cuộc điều tra về vụ án mạng.

Suốt năm năm liền, Sheila kiên trì đề nghị này bằng thư yêu cầu, bằng điện thoại và bằng đến gặp trực tiếp, nhưng đều không được đáp ứng yêu cầu. 

Sheila ý thức được rằng không thể nhờ cậy vào cảnh sát mà phải tự làm lấy việc này. Sheila theo học khoá đào tạo trở thành thám tử tư và sau khi có được chứng chỉ hành nghề đã tự tiến hành chuyện điều tra lại vụ việc.

Đến thời điểm đó, việc sử dụng xét nghiệm ADN và so sánh mẫu ADN trong chuyện điều tra vụ án hình sự và chống tội phạm đã trở nên phổ biến. Sheila yêu cầu cảnh sát thành phố Dallas vận dụng cách thức mới này. 

Mãi đến năm 2008, yêu cầu này của Sheila mới được chấp thuận và phải sau hai năm mới có kết quả. Thủ phạm là Donald Bess, một kẻ nhiều lần phạm tội hiếp dâm và bị phạt tù từ năm 1995, không thuộc diện những người bị tình nghi khi cảnh sát tiến hành điều tra trong thời gian năm 1984 - 1985.

Nếu không sử dụng biện pháp đối chiếu mẫu ADN thì chắc chắn không thể nào tìm ra được kẻ này. Năm 2010, hắn ta bị lôi ra tòa một lần nữa và lần này bị kết án tử hình.

Lại một câu chuyện về lưới trời lồng lộng. Nhưng ở phía sau ấy, cho dù thời gian đã qua rất nhiều rồi, còn là câu chuyện về khả năng và quyết tâm của cảnh sát ở thành phố Dallas tiến hành điều tra đến cùng để làm sáng tỏ vụ việc.

Nếu không có quyết tâm kiên trì  của Sheila thì chắc chắn vụ việc cứ bị quên lãng mãi. Không phải trách nhiệm của cơ quan công quyền mà là ý chí quyết tâm của một người phụ nữ đã trả lại công lý cho cô gái Angela Samota sau hơn một phần tư thế kỷ. 

Lưới trời lồng lộng thật đấy nhưng trong trường hợp cụ thể này vẫn phải cần đến những con người cụ thể giăng lên cái lưới trời ấy. Nó không giúp cho cô gái sống lại mà chỉ trả lại công lý cho cô gái. Và nó giúp đóng lại một kỳ án ở nước Mỹ.

Đọc thêm