Mở trang web truy nã nghi phạm khủng bố

(PLO) - Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) vừa mở một trang web về 45 nghi phạm khét tiếng bị truy nã gắt gao nhất.
Salah Abdeslam, kẻ tình nghi chính trong vụ tấn công khủng bố tại Paris. (Nguồn: deredactie.be)
Salah Abdeslam, kẻ tình nghi chính trong vụ tấn công khủng bố tại Paris. (Nguồn: deredactie.be)

Theo thông báo từ Europol, trang web www.eumostwanted.com được thể hiện bằng 17 ngôn ngữ, sẽ chia sẻ thông tin về những tội phạm quốc tế khét tiếng bị truy nã, phạm tội hoặc bị tình nghi phạm các tội ác nghiêm trọng hoặc khủng bố tại châu Âu. 

Thông tin về mỗi đối tượng trong danh sách này sẽ bao gồm tên, ảnh, tội trạng và số điện thoại của cảnh sát. Nhà chức trách khuyến khích mọi người cung cấp thông tin về những kẻ tội phạm.

Phối hợp toàn châu Âu

Europol nêu rõ đây là sáng kiến đầu tiên ở cấp độ toàn châu Âu phối hợp đưa ra một danh sách chung về những đối tượng bị truy nã gắt gao nhất. Sáng kiến này nhằm "tăng cường an ninh" trên toàn Liên minh châu Âu (EU) nhờ sự hỗ trợ của người dân để truy tìm dấu vết tội phạm. 

Mỗi nước thành viên sẽ chọn ra những tội phạm truy nã để đưa vào danh sách, và thông tin về tội phạm này sẽ được cập nhật thường xuyên.

Salah Abdeslam, kẻ tình nghi chính trong vụ tấn công khủng bố tại Paris (Pháp) hồi tháng 11/2015 làm 130 người thiệt mạng - là một trong những đối tượng có tên trên trang web.

Ngoài Salah Abdeslam, trong danh sách trên còn có những cái tên "khét tiếng" trong giới tội phạm như Maria Cecilia Kettunen, 29 tuổi, phạm tội lừa đảo tiền số lượng cực lớn; Ernesto Fazzalari, 45 tuổi, "sát thủ máu lạnh" trong gia tộc mafia Italy Avignone-Zagari-Viola; Gregorian Bivolaru, 63 tuổi, bị truy nã vì lạm dụng tình dục trẻ em và khiêu dâm trẻ em.
Europol lập trang web trên sau khi dư luận chỉ trích sự thiếu phối hợp giữa giới chức châu Âu, đặc biệt sau loạt vụ tấn công khủng bố tại Paris. Khi đó, Abdeslam đã tẩu thoát trót lọt sang Bỉ chỉ vài giờ sau khi thực hiện vụ khủng bố.
Truy tìm và bắt giữ

Trong khi đó, giới chức Pháp đã quyết định thắt chặt an ninh tại sân vận động Stade de France để chuẩn bị cho trận đấu bóng đá giữa Pháp và Italy ngày 6/2 tới. Sân vận động này là nơi đã xảy ra vụ nổ bom đầu tiên trong loạt vụ tấn công ngày 13/11/2016 tại Paris. 

Xung quanh sân vận động sẽ lập thêm nhiều trạm kiểm soát hỗ trợ công tác an ninh tại cửa ra vào sân vận động. Liên đoàn bóng đá Pháp (FFR) khuyến cáo khán giả không mang theo nhiều vật dụng, kể cả ba lô, túi thể thao, mũ bảo hiểm xe máy vì những đồ vật này sẽ được yêu cầu để lại bên ngoài sân. 

Trước đó, cảnh sát Pháp ngày 28/1 đã bắt giữ một người đàn ông vào khách sạn tại khu Disneyland, do hệ thống dò tìm thiết bị khả nghi đặt tại cổng khách sạn phát tín hiệu cho thấy người này mang trong túi xách 2 khẩu súng, bảo vệ tại đây còn tìm thấy đạn dược cùng một cuốn kinh Koran. Ngoài ra, nhà chức trách Pháp cũng đã bắt giữ một phụ nữ được cho là bạn gái của đối tượng.

Bất chấp những chỉ trích mạnh mẽ từ Liên đoàn Nhân quyền Pháp (LDH) liên quan tới việc chính phủ trao các quyền hạn đặc biệt cho khối cơ quan an ninh, ngày 27/1, Tòa án Hành chính tối cao Pháp đã từ chối dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp được áp đặt tại nước này sau loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng khiến 130 người thiệt mạng tại thủ đô Paris hồi tháng 11 năm ngoái. 

Thẩm phán Tòa này ra phán quyết rằng trước các mối đe dọa tiềm tàng và nguy cơ cao xảy ra các vụ tấn công khủng bố trong nước, việc duy trì tình trạng khẩn cấp là cần thiết. 

Quan ngại gia tăng trong những tuần gần đây tại Pháp liên quan tới tình trạng khẩn cấp được áp đặt kể từ khi xảy ra loạt vụ tấn công khủng bố tại Paris. Chế độ an ninh đặc biệt này đã tăng quyền hạn cho cảnh sát, cho phép tiến hành các vụ lục soát và bắt giữ tại nhà, đột kích cả ngày lẫn đêm, cấm tụ tập nơi công cộng mà không cần lệnh từ tòa án. 

Theo LDH, hoạt động bắt bớ kiểu này không có hiệu quả trong việc chống khủng bố, ngược lại có thể vi phạm các quyền tự do cá nhân của nhiều người. Trong khi đó, các chuyên gia nhân quyền Liên hợp quốc cũng cho rằng các biện pháp an ninh trên là "hơi quá và không phù hợp".

Theo thống kê của Bộ Nội vụ Pháp, kể từ sau các vụ tấn công khủng bố ở Paris, cảnh sát nước này đã tiến hành khoảng 3.000 vụ khám xét, triệu tập gần 350 người, tạm giữ gần 300 người và tống giam khoảng 50 người./.

Đọc thêm