Ngày đền tội của nữ quái Tây Nguyên

(PLO) - Bằng nhiều thủ đoạn, nữ quái Trần Hà Lan Anh (SN 1978, ngụ phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã lừa đảo, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của người dân. Tuy nhiên, hành vi phạm pháp của “nữ quái” dù có tinh vi đến cỡ nào cũng không thể thoát khỏi lưới trời lồng lộng, kết cục, ả đã phải nhận bản án nghiêm khắc của luật pháp.
Bị cáo Trần Hà Lan Anh.
Bị cáo Trần Hà Lan Anh.
Những thủ đoạn gian dối
Theo cáo trạng, Trần Hà Lan Anh còn có tên gọi khác là Trần Thị Lài, có hộ khẩu thường trú tại phường Tân Thành, TP.Buôn Ma Thuột nhưng không có nơi ở cố định.
Sự việc được bắt đầu từ năm 2007, Lan Anh vay tiền của nhiều hộ dân thân quen sau đó cho người khác vay lại để hưởng lãi xuất chênh lệch.
Đến năm 2008, Lan Anh chuyển sang làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng. Trong quá trình làm ăn, do có một số người vay tiền của Lan Anh nhưng sau đó trốn khỏi nơi cư trú mà không trả tiền nên Lan Anh phải bù lỗ và vay mượn tiền của nhiều người. 
Sang đến đầu năm 2009, số tiền lãi ngày một lớn khiến Lan Anh mất khả năng chi trả. Để có tiền trả nợ cũ, trả lãi và tiêu xài cá nhân, Lan Anh đã dùng nhiều thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của nhiều người. 
Trong khoảng thời gian từ đầu năm 2009 đến cuối tháng 5/2011, Trần Hà Lan Anh đã nói dối với một số hộ dân ở địa bàn TP.Buôn Ma Thuột và thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk) rằng mình làm nghề đáo hạn ngân hàng, có chồng đang làm cán bộ ngân hàng nên làm hồ sơ đáo hạn rất nhanh và uy tín. 
Những lời lẽ đường mật khiến mọi người tin tưởng, từ đây Lan Anh đã vay mượn và chiếm đoạt tiền của 5 người với tổng số tiền là hơn 6,7 tỷ đồng.
Trong đó, bị cáo Lan Anh đã chiếm đoạt của chị Đoàn Thị Kim L hơn 2 tỷ đồng, chị Phạm Thị Mỹ H hơn 1,9 tỷ đồng, chị Nguyễn Thị H 850 triệu đồng, chị Bùi Diễm T (đều ngụ TP. Buôn Ma Thuột) hơn 600 triệu đồng, chị Nguyễn Thị Kim C (ngụ thị xã Buôn Hồ) hơn 1,2 tỷ đồng; 
Không những thế, bằng thủ đoạn gian dối, mua đắt bán rẻ, Lan Anh còn lừa đảo nhiều người trong lĩnh vực mua sim card điện thoại. Cụ thể, vào đầu tháng 10/2010, Lan Anh bắt đầu ký kết hợp đồng mua bán sim card điện thoại với Công ty Cổ phần giấy M.T (trụ sở tại Phường 6, Quận 11, TP.Hồ Chí Minh) với mức hưởng chiết khấu hoa hồng 6,8-9,2% và một hãng viễn thông lớn với mức 6,5% trên tổng doanh số mua vào và bán lại.
Do trong quá trình làm ăn, Lan Anh nợ tiền khá nhiều người nên đã tìm cách lừa đảo. Để thực hiện ý đồ của mình, Lan Anh đã nói dối với mọi người sở dĩ mình được hưởng chiết khấu hoa hồng cao là do đã nộp tiền ký quỹ vào Công ty M.T và hãng viên thông số tiền 5 tỷ đồng. Nếu ai muốn được hưởng tiền chiết khấu hoa hồng cao thì chỉ cần đưa tiền trước cho Lan Anh.
Để tạo lòng tin với mọi người, Lan Anh đã nhờ Trần Tấn Quang Vinh (là người yêu của Lan Anh, làm tại Ngân hàng Đ.A, chi nhánh Đăk Lăk) mượn số tài khoản, số điện thoại và nhờ Vinh đứng ra ký vào hợp đồng mua bán sim card với một số khách hàng để cho Lan Anh thực hiện giao dịch. Sau đó, để khách hàng thêm tin tưởng, khi giao hàng lần đầu, số lượng tiền còn ít thì Lan Anh giao đầy đủ, cho hưởng chiết khấu hoa hồng trên 9%, thậm chí có khi lên đến 13-14%.
Ngay sau khi giao hàng cho người này xong thì Lan Anh lại nói họ đưa hàng lại cho mình để mang đi bán cho người khác hoặc bán lại để lấy tiền. Do đó, khách hàng chỉ biết nhận tiền lãi sau khi nộp tiền cho Lan Anh để lấy hàng, còn việc nhận và tiêu thụ hàng do Lan Anh tự lo trọn gói. 
Từ đó, khách hàng tin tưởng và nộp tiền ngày càng nhiều cho Lan Anh. Khi khách hàng nộp tiền với số lượng lớn, Lan Anh chỉ lập phiếu uỷ nhiệm chi khống và giao 50% số lượng hàng, số còn lại chiếm đoạt. Với thủ đoạn này, đến khi bị bắt, tổng số tiền mà Lan Anh chiếm đoạt của khách hàng lên đến hơn 13 tỷ đồng.
Cụ thể, 6 hộ dân bị Lan Anh lừa đảo chiếm đoạt tiền là bà Nguyễn Thị Th hơn 7,3 tỉ đồng, bà Đoàn Thị Kim L hơn 3,8 tỉ đồng, ông Võ Thanh T hơn 2 tỉ đồng, bà Lưu Thị Ngọc Nh 280 triệu đồng, ông Phạm Xuân T 200 triệu đồng và ông Phạm Vũ L 160 triệu đồng.
Tổng số tiền mà bị cáo Lan Anh chiếm đoạt của các hộ dân với các thủ thuật khác nhau là hơn 20,6 tỷ đồng. Số tiền này được Lan Anh sử dụng để trả nợ, trả lãi và dùng vào mục đích tiêu xài cá nhân.
Ngày 14/1/2014, VKSND tỉnh Đăk Lăk đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Hà Lan Anh về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điểm a Khoản 4 Điều 139 Bộ luật Hình sự. 
Ngày đền tội của “nữ quái”
Mới đây, ngày 30/5/2014, TAND tỉnh Đắk Lắk đã đưa vụ án này ra xét xử sơ thẩm. Tại phiên tòa, với những chứng cứ không thể chối cãi, Lan Anh đã phải cúi đầu nhận tội trước những hành vi lừa đảo của mình. Nhiều bị hại cho biết, chỉ vì nhẹ dạ tin vào những lời đường mật và mức lãi cao mà đã trót đưa hết tài sản cho Lan Anh khiến gia đình mình rơi vào cảnh khó khăn, cùng cực. 
Một bị hại đại diện bức xúc: “Cũng chỉ vì quá tin vào những lời lẽ của Lan Anh và ham mức hoa hồng chênh lệch nên chúng tôi mới đưa nhiều tiền cho ả. Lúc đầu, cứ nghĩ chỉ mình bị lừa thôi, nhưng sau này tôi mới biết nhiều người khác cũng bị Lan Anh lừa với lí do tương tự. Thật đúng là xúi quẩy, nếu mình tinh ý một chút có lẽ đã không gặp phải cái nạn mất của như thế này rồi!’. 
Sau hai ngày xét xử, HĐXX TAND tỉnh Đắk Lắk đã tuyên phạt bị cáo Trần Hà Lan Anh mức án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngay sau khi nghe tòa tuyên án, khuôn mặt bị cáo bần thần, hai đầu gối run bần bật, đôi tay cố bám vào vành móng ngựa để khỏi ngã khuỵu. 
Bị cáo không ngờ được rằng chỉ vì lòng tham mà mình phải trả một cái giá quá đắt bằng bản án cả đời phải sống trong lao tù như vậy. Nhiều người đồng tình đây là mức án nghiêm khắc dành cho kẻ lợi dụng lòng tin của người dân để dở những chiêu trò tinh vi để trục lợi cá nhân, coi thường luật pháp và đạo đức làm người./.

Đọc thêm