Ngày mai (13/10), xử nguyên GĐ Sở Y tế Long An: Vì sao tòa không triệu tập giám định viên?

(PLVN) - Ngày mai (13/10), TAND tỉnh Long An dự kiến đưa ra xét xử vụ án ông Lê Thanh Liêm (nguyên GĐ Sở Y tế) bị truy tố vì “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 165 BLHS năm 1999. 

Trước đó, LS Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP Hà Nội, người bào chữa cho ông Liêm) đã có ý kiến chỉ ra một số bất thường trong vụ án này.

LS Nguyễn Văn Quynh
 LS Nguyễn Văn Quynh

Theo LS Quynh, xét về mặt thời gian, việc CQĐT, VKSND, TAND tỉnh Long An liên tiếp ra Kết luận điều tra, cáo trạng và Quyết định đưa vụ án ra xét xử liên tiếp nhau đã vi phạm quyền của bị cáo trong TTHS, ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án.

Ngày 10/09/2020, CQĐT ra quyết định trưng cầu giám định tài chính với gói thầu Cung cấp và lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh. Đến ngày 25/9, Sở Tài chính Long An ban hành Kết luận giám định (KLGĐ) 4213/KL-STC. 

Ba ngày sau (28/9), Công an tỉnh mới ra Thông báo về KLGĐ cho ông Liêm nhưng trong thông báo chỉ ghi nội dung ngắn gọn của KLGĐ mà không đính kèm KLGĐ để ông Liêm được biết toàn bộ nội dung. Một ngày sau (29/9), CQĐT đã ra kết luận điều tra và đề nghị truy tố. Một ngày sau đó (30/9), VKS Long An ra cáo trạng. Hai ngày sau (2/10), toà có quyết định đưa vụ án ra xử sơ thẩm.

“Như vậy, kể từ ngày có KLGĐ, ông Liêm còn chưa kịp thực hiện quyền của mình với KLGĐ thì chỉ trong có 7 ngày (tính cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật) các cơ quan tố tụng Long An đã gấp gáp ra đầy đủ kết luận điều tra, cáo trạng để quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, vi phạm Điều 214 Bộ luật TTHS về quyền của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác với KLGĐ”, LS Quynh nói.

“Ở vụ án này, KLGĐ là một chứng cứ có tính chất then chốt trong việc xác định ông Liêm có phạm tội hay không. Và bởi tính quan trọng của KLGĐ, Bộ luật TTHS quy định quyền có ý kiến, quyền yêu cầu giám định lại, yêu cầu giám định bổ sung của bị can, bị cáo, những người tố tụng khác nhằm mục đích góp phần làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án.

Tuy nhiên, việc liên tiếp ra các quyết định tố tụng sát nhau đã làm cho việc thực hiện quyền của bị cáo với KLGĐ không được đảm bảo. Bản thân tôi là người bào chữa, tham gia tố tụng, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được thông báo về KLGĐ của Công an tỉnh Long An”, vẫn lời LS Quynh.

Một vấn đề bất thường khác LS Quynh chỉ ra, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm số 70/2020/QĐXXST-HS ngày 2/10/2020 của TAND tỉnh Long An, những người tham gia tố tụng chỉ bao gồm bị cáo, người bào chữa, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và người làm chứng.

Trong khi đó, ở vụ án này, KLGĐ đóng vai trò thiết yếu trong việc xác định sự thật của vụ án. Mặt khác, trong hồ sơ vụ án này có đến 5 KLGĐ và kết luận thẩm định giá với những kết quả khác nhau. “Do vậy, để việc giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện, cơ quan tố tụng cần phải triệu tập giám định viên tham gia phiên xử”, LS Quynh giải thích. 

Được biết, ngay sau khi nhận được cáo trạng, ông Liêm đã có đơn khiếu nại khẩn cấp khiếu nại Cáo trạng số 56/CT-VKSLA-P1 ngày 30/09/2020 gửi VKSND tỉnh Long An cho rằng cáo trạng truy tố không đúng sự thật khách quan và vi phạm nghiêm trọng thủ tục TTHS. Cho đến 11/10, ông Liêm vẫn chưa nhận được kết quả giải quyết đơn khiếu nại.

Như PLVN đã phản ánh, năm 2014 Sở Y tế Long An thực hiện gói thầu cung cấp lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh tòa nhà cơ quan, giá trị gói thầu 1,92 tỷ, hình thức hợp đồng trọn gói. 

Tháng 7/2014, nhà thầu nhập thiết bị về thi công thì phát hiện xuất xứ trên một số thiết bị không trùng khớp hợp đồng đã ký. Ông Liêm chỉ đạo cho dừng thi công để kiểm tra lại, cho đến khi tập đoàn Sony có văn bản khẳng định đảm bảo hàng hóa cung cấp đúng theo tiêu chuẩn chất lượng chính hãng Sony và hưởng các chế độ bảo hành toàn cầu. Tháng 9/2014, hai bên nghiệm thu bàn giao khối lượng hoàn thành đưa vào sử dụng.  

Cơ quan tố tụng tỉnh sau đó khởi tố, truy tố ông Liêm dù khẳng định ông Liêm không vụ lợi, hai bên không thông thầu. Ngay từ khi bị khởi tố, ông Liêm đã kêu oan, cho biết theo quy định pháp luật thì số tiền 1,92 tỷ chỉ là tiền tạm ứng với dạng hợp đồng trọn gói. Phải chờ đến năm 2019, khi tỉnh có quyết toán vốn đầu tư dự án, hai bên mới có quyền tính toán chính xác còn thừa thiếu bao nhiêu, trả lại ngân sách. Thực tế sau khi có quyết toán vốn đầu tư dự án, nhà thầu đã tự nguyện trả lại số tiền tạm ứng thừa.

Trong vụ án này, Sở Tài chính Long An 5 lần giám định, cho ra các kết quả khác nhau, nhiều bản KLGĐ vi phạm cả về hình thức lẫn nội dung.

Ông Liêm cho rằng trong dự án này, không hề có hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế”, và cũng không có “hậu quả nghiêm trọng” nào xảy ra, nên ông bị oan và cho rằng nguyên nhân sâu xa đến từ việc khi đương nhiệm ông đã không chấp nhận một số DN “sân sau” lũng đoạn ngành y địa phương, bị trù dập.

Được biết vụ án này từng được Long An báo cáo Ban Chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng nhiều năm trước cùng với một số “nghi án” khác trong ngành y địa phương. Đến nay phần lớn các “nghi án” đó đều đã không còn được địa phương này nhắc tới. Riêng vụ án này đã qua gần 6 năm kể từ khi bị thanh tra, đến nay vẫn chưa thể đưa ra phán quyết.

Trong gói thầu trên, các bên thoả thuận giá bao gồm cả việc mua sắm thiết bị, thi công lắp đặt và bảo hành. Trong khi đó, toàn bộ các KLGĐ chỉ giám định căn cứ vào giá thiết bị thu thập được ở thị trường, không tính đến gói thầu này còn cả yếu tố lắp đặt và bảo hành.

Đọc thêm