Nghẹn ngào chuyện"mẹ gà" "con ngan"

Đừng nghĩ Tòa án chỉ là nơi diễn ra những cảnh chia ly, tan vỡ. Mà đôi khi cũng chính nơi đây, tính nhân văn của pháp luật, tấm lòng của những người làm công tác xét xử khi kiên trì hòa giải đã giúp cho các đương sự hàn gắn mâu thuẫn, tìm lại được tình yêu và niềm tin ở cuộc đời.

Cả cuộc đời nếm trải đủ vất vả, đắng cay nhưng có lẽ chưa khi nào bà thấy buồn thảm, cô đơn như lúc này. Bà Chanh cứ ngồi lặng như hóa đá, cho đến khi những người con rụt rè ôm lấy vai bà, ngượng nghịu nói lời xin lỗi, mong mẹ tha thứ cho sự cạn nghĩ, nông nổi của mình và xin đón mẹ kế trở về nhà.

Nghẹn ngào chuyện “mẹ gà, con ngan”

Bị đơn trong vụ án “Tranh chấp tài sản” - bà mẹ kế Vũ Thị Chanh (68 tuổi, quê Ứng Hòa - Hà Nội) với gương mặt hiền lành, trang phục áo bà ba, quần lụa, dáng vẻ rất tảo tần lam lũ. Thế mà, bà bị các con chồng kiện ra Tòa, “tố” bà có ý đồ cướp đất, tẩu tán tài sản nhà chồng.

1
Tranh minh họa

Những lời trình bày của bà Chanh luôn bị ngắt quãng vì nghẹn ngào nước mắt. Nhà quá nghèo nên vào tuổi quá lứa bà mới được được một người đàn ông góa bụa hỏi làm vợ kế. Bước chân về nhà chồng, bà phải đối mặt với gánh nặng phụng dưỡng bố mẹ chồng, nuôi năm đứa con riêng của chồng khi đó đứa lớn nhất mới lên 9, nhỏ nhất chưa đầy một tuổi.

Cuộc sống vất vả, nghèo đói khiến bà không dám sinh con, một lòng một dạ thu vén cho gia đình chồng, chăm nuôi con chồng như con đẻ. Yêu thương và tin tưởng bà, nên người chồng để bà đứng tên toàn bộ nhà đất. Và đó cũng là nguyên nhân dẫn đến vụ kiện buồn lòng.

Trái ngược với bà mẹ kế nông dân quê mùa, năm người con chồng đứng nguyên đơn đều là những người hiểu biết và thành đạt, trong đó một người là cô giáo mầm non và cậu út đang học Đại học. Họ xác nhận những lời khai của mẹ kế về việc bà có công nuôi năm anh em họ còn là đám trẻ lít nhít mồ côi mẹ đến trưởng thành, có nghề nghiệp là đúng sự thật. Chính vì công lao và tấm lòng của mẹ kế với anh em họ nên họ đã tự nguyện gọi bà bằng tiếng “Mẹ” thiêng liêng.

Có điều, cha họ trước khi qua đời không để lại di chúc, mà toàn bộ nhà đất lại do bà Chanh đứng tên. Sợ mẹ kế độc chiếm tài sản nên họ đề nghị bà phải trao sổ đỏ, bán nhà lấy tiền chia đều, trong đó bà Chanh cũng có một phần.

Nhưng bà Chanh không đồng ý, với lý do đợi khi nào cậu út ra trường, mọi người đều có nghề nghiệp, gia đình riêng đã. Mẹ kế - con chồng xảy ra mâu thuẫn, xô xát. Kết cục là bà Chanh bị các con chồng “trục xuất” ra khỏi nhà, khóa trái cửa, phát đơn kiện ra Tòa.

Yêu thương đáp lại yêu thương

Dù HĐXX đã nỗ lực hòa giải nhưng những người con vẫn không đồng ý rút đơn khởi kiện. Bà Chanh sụt sịt: “Tôi chỉ có ý tốt cho các con nên muốn đến khi tất cả trưởng thành, có gia đình riêng mới chia tài sản. Thế mà...”. Giọng bà mỗi lúc một thống thiết, nghẹn ngào: “Tôi sống chẳng được bao lâu nữa, chết cũng có mang được của xuống mồ đâu.

Bị các con kiện, đuổi ra khỏi nhà thế này, tôi xấu hổ và đau lòng lắm...”. Cậu út ngồi bên cạnh níu tay bà: “Thôi mẹ đừng nói nữa...”. Cô chị thứ hai cũng xúc động, sụt sịt khóc theo.

Bà Thẩm phán mời bà Chanh ngồi xuống để Tòa hỏi nguyên đơn có thay đổi yêu cầu khởi kiện không? Cô chị thứ hai đứng lên, dứt khoát: “Tôi xin rút đơn, còn ai kiện thì cứ kiện...”. Cậu út cũng đứng lên trách móc: “Ngay từ đầu em đã không đồng ý với các anh các chị kiện mẹ rồi...”. Bằng kinh nghiệm và sự nhạy cảm của người làm công tác xét xử lâu năm, bà Thẩm phán quyết định tạm dừng phiên tòa để các bên thỏa thuận, bàn bạc lại với nhau.

Năm người con chồng túm tụm lại bên nhau, thì thầm tranh luận, bàn bạc. Còn lại trơ trọi một mình, bà Chanh tủi thân gục mặt xuống đôi bàn tay. Hơn hai chục năm làm vợ, làm mẹ kế, nếm trải đủ vất vả đắng cay, có lẽ chưa khi nào bà thấy buồn thảm, cô đơn như lúc này.

Bà cứ ngồi lặng như thế mãi, cho đến khi những người con rụt rè ôm lấy vai bà, ngượng nghịu nói lời xin lỗi mẹ kế, mong mẹ tha thứ cho sự cạn nghĩ, nông nổi của mình. Họ xin được đón mẹ kế về lại ngôi nhà mà chính bà đã góp mồ hôi công sức tạo lập ra.

Phiên tòa kết thúc, nhìn bà mẹ kế ấm áp trong vòng tay các con chồng trở về nhà, bà Thẩm phán xúc động nói với tôi rằng: “Đừng nghĩ Tòa án chỉ là nơi diễn ra những cảnh chia ly, tan vỡ. Mà đôi khi cũng chính nơi đây, tính nhân văn của pháp luật, tấm lòng của những người làm công tác xét xử khi kiên trì hòa giải đã giúp cho các đương sự hàn gắn mâu thuẫn, tìm lại được tình yêu và niềm tin ở cuộc đời”./.

Thành Nam

Đọc thêm