Nghị án xét xử phúc thẩm vụ Vifon: Nhà nước có thiệt hại tài sản?

(PLO) - Qua bốn ngày xét hỏi và tranh tụng, HĐXX phúc thẩm vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon) đã chuyển sang phần nghị án. Từ diễn biến tại tòa, điều dư luận đặc biệt quan tâm là Nhà nước có thất thoát tài sản trong vụ án này không dường như đã được làm rõ…
Nghị án xét xử phúc thẩm vụ Vifon: Nhà nước có thiệt hại tài sản?
Chỉ có Vifon là nguyên đơn dân sự
Tại phiên toà phúc thẩm, Bộ Công Thương có công văn xin vắng mặt và khẳng định họ không phải là nguyên đơn dân sự. Bộ này qua đó khẳng định Nhà nước không thất thoát tiền bạc do hành vi của các bị cáo gây ra. Tuy nhiên, trong phần tranh luận trực tiếp, đại diện VKSND cho rằng, tòa sơ thẩm tuyên buộc Bộ Công Thương là nguyên đơn dân sự và sau bản án sơ thẩm, Bộ Công Thương không kháng cáo, như vậy phần tuyên buộc này có hiệu lực pháp luật. Viện dẫn các quy định pháp luật, căn cứ vào tài liệu, chứng cứ trong vụ án, đặc biệt là lời khai của bị cáo Nguyễn Thanh Huyền tại cơ quan điều tra, VKSND khẳng định tòa sơ thẩm quy kết bị cáo Huyền tội tham ô tài sản là đúng người, đúng tội.
Các bị cáo tại phiên toà phúc thẩm
 Các bị cáo tại phiên toà phúc thẩm
Tranh luận lại nhận định này của đại diện VKS, các luật sư cho rằng Bộ Công Thương không kháng cáo là do họ đã từ chối tư cách nguyên đơn dân sự ngay từ phiên sơ thẩm. Theo Bộ luật Tố tụng Dân sự thì nguyên đơn dân sự phải có đơn khởi kiện và được tòa án chấp nhận. Do đó, tòa án không có quyền xác định tư cách nguyên đơn dân sự khi nguyên đơn dân sự không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nếu VKSND cho rằng Bộ Công Thương là nguyên đơn dân sự thì làm sao thi hành án vì theo nguyên tắc phía nguyên đơn dân sự phải có đơn yêu cầu thi hành án. 
Trước đó, Thẩm phán chủ toạ phiên toà cũng cho biết là Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Tổng Cty Kinh doanh vốn nhà đều có văn bản khẳng định họ không phải là bị hại trong vụ án này, và từ chối tư cách nguyên đơn dân sự. Như vậy ba cơ quan Nhà nước này đều cùng quan điểm rằng Nhà nước không thất thoát tài sản trong vụ  án Vifon; Chỉ có đại diện Vifon là nguyên đơn dân sự tại phiên toà phúc thẩm. 
Tập trung tìm chủ sở hữu khoản 7,9 tỉ đồng
Đại diện VKS cũng đã đề nghị HĐXX chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thanh Huyền và Nguyễn  Bi, tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đối với hai bị cáo này để điều tra xét xử lại. 
Trong bản án sơ thẩm, ông Bi bị kết án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài vì tài vụ cơ quan chuyển vào tài khoản con rể ông Bi 2,2 tỷ đồng với lý do chuyển là tiền huy động vốn. Do ông Bi có góp vốn vào Cty, khi về hưu chưa quyết toán nên có khoản chuyển tiền này. Từ khi chưa bị khởi tố bị can, ông Bi đã chuyển trả lại số tiền này do Cơ quan CSĐT cho biết đây là khoản tiền hoàn thuế của Cty. Ông Bi cũng không nhận khoản tiền trên do vay mượn, thuê tài sản hay qua hợp đồng để rồi chiếm đoạt, nên ông Bi kêu oan vì không thoả mãn tội danh này.
Nội dung được HĐXX tập trung xét hỏi và cho các bên tranh luận nhiều nhất là làm rõ khoản 7,9 tỉ đồng là của Nhà nước hay của Vifon, bởi lẽ kết quả xác định này mang tính quyết định đến việc xác định tội danh tham ô, cố ý làm trái đối với các bị cáo.
Giám định viên tài chính có mặt tại phiên toà đã xác nhận rằng, số tiền 7,9 tỷ đồng vào thời điểm xảy ra vụ án đã không còn là tiền của Nhà nước, đó là tiền phúc lợi, khen thưởng của Vifon.
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh Huyền, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng, cấp sơ thẩm đã vi phạm thủ tục tố tụng như xác định Bộ Công Thương là nguyên đơn dân sự nhưng chính đại diện Bộ Công Thương lại không công nhận điều này; từ đó cấp sơ thẩm chưa làm rõ tài sản Nhà nước trong vụ án này do ai chịu trách nhiệm. Trong quá trình điều tra, khởi tố, xét xử, ban đầu Nguyễn Thanh Huyền bị tố chiếm đoạt 28 tỉ đồng, về sau rút xuống còn hơn 10 tỉ đồng; cùng với đó, Cơ quan điều tra phát hiện trong két sắt của Vifon có 43 tỉ đồng. Cho rằng số tiền này không liên quan đến hành vi phạm tội nên Cơ quan điều tra đã sung công quỹ Nhà nước. Theo luật sư Hoài, cách xử lý vật chứng như trên là chưa ổn. Luật sư Hoài đề nghị Hội đồng xét xử tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.
Khi xét hỏi về hành vi “cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, bị cáo Nguyễn Bi cho rằng số tiền 290.000USD ký thưởng cho một số cán bộ lãnh đạo của cty có nguồn gốc từ  chuyển nhượng vốn liên doanh của cty. Bị cáo không làm sai, vì 7 người được thụ hưởng chính là những người có công lớn tạo dựng thương hiệu Vifon không những ở thời điểm đó mà ngay cả hiện nay Vifon cũng đang là tên tuổi lớn và nằm trong số 1.000 doanh nghiệp đóng góp lớn cho ngân sách và thu hút hàng ngàn lao động. Bị cáo trích khen thưởng 7,9 tỷ đồng là khen thưởng đột xuất đúng thẩm quyền, sau khi đã làm nghĩa vụ thuế với Nhà nước, nên đề nghị được xem xét lại tội danh. 
Không những luật sư Phan Trung Hoài mà luật sư Lê Hồng Nguyên (bào chữa cho Nguyễn Bi) và các luật sư khác cũng đồng loạt tranh luận về số tiền 7,9 tỉ đồng. “Nếu xác định không phải tiền Nhà nước thì không thể buộc tội tham ô”, luật sư Phan Trung Hoài nói.
Sau khi các luật sư đồng nhất quan điểm về khoản tiền 7,9 tỉ đồng không phải “tiền Nhà nước” thì chủ tọa tiếp tục mời đại diện VKS tiếp tục tranh tụng nhưng đại diện VKS đã từ chối tranh luận tiếp. Như vậy, dường như lý lẽ của các luật sư cũng như lời khai của các bị cáo về khoản tiền 7,9 tỉ đồng đã được công nhận.
Đúng tinh thần cải cách tư pháp
Tranh tụng là hoạt động của các bên tham gia xét xử đưa ra các quan điểm của mình và tranh luận lại để bác bỏ một phần hoặc toàn bộ quan điểm của phía bên kia. Tranh tụng là cơ sở để Tòa án đánh giá toàn bộ nội dung vụ án và đưa ra phán quyết cuối cùng đảm bảo tính khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Xác định tầm quan trọng của hoạt động tranh tụng tại phiên tòa, nên khoản 5 Điều 103 Hiến pháp năm 2013 đã quy định "Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm". 
Trước đó, Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 cũng khẳng định: "Đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp".
Vì vậy, theo dõi phiên toà phúc thẩm xét xử các bị cáo ở Vifon, nhiều người thấy rõ tinh thần cải cách tư pháp, các bên tham gia tranh tụng được tạo điều kiện trình bày hết lý lẽ của mình. Chính vì thế mà sự thật, bản chất của vụ án đã được làm sáng tỏ.
Hiện HĐXX nghị án, dự kiến tuyên án vào chiều ngày 19/5. Hy vọng bản án phúc thẩm sẽ được tuyên khách quan và đúng pháp luật.

Đọc thêm