Người chủ mưu, cầm đầu sẽ không được hưởng án treo

(PLO) - Ngoài những yếu tố mang tính chủ quan khiến việc xử án treo không đúng thì một nguyên nhân khác cũng được chỉ ra đó là do bất cập trong quy định của pháp luật hiện hành.
Người chủ mưu, cầm đầu sẽ không được hưởng án treo
Mặc dù Bộ luật Hình sự (BLHS) đã dành một điều quy định riêng về án treo (Điều 60) và ngày 2/10/2007 Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP “Hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt” trong đó có hướng dẫn về các điều kiện để cho hưởng án treo nhưng thực tế việc cho người phạm tội được hưởng án treo vẫn diễn ra khá tùy tiện…
Nhiều bất cập
Có thể nói, Nghị quyết số 01 nói trên là căn cứ pháp lý quan trọng để các Tòa án xem xét, quyết định việc cho hưởng án treo. Tuy nhiên, qua tổng kết thực tiễn công tác xét xử thì việc cho hưởng án treo vẫn còn những tồn tại, bất cập. Trong đó, có thể kể đến là tỷ lệ các bị cáo bị xử phạt tù cho hưởng án treo là khá cao, trong đó có những trường hợp cho hưởng án treo không đúng, cho hưởng án treo đối với người cần nghiêm trị như chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, tái phạm, phạm tội nhiều lần... và cả đối với những người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn, các tội phạm về tham nhũng.
Một trong những bất cập khác của Nghị quyết 01/2007, theo TS Phạm Minh Tuyên (TAND tỉnh Bắc Ninh) là việc tổng hợp hình phạt tù với án treo. Theo Nghị quyết 01: “Người được hưởng án treo mà phạm tội mới trong thời gian thử thách thì trong mọi trường hợp, Tòa án quyết định buộc họ phải chấp hành hình phạt của bản án trước…” là chưa hợp lý vì hướng dẫn như vậy thì kể cả trường hợp một người nào đó được hưởng án treo và kể cả trường hợp bản án chưa có hiệu lực pháp luật mà phạm tội mới thì hình phạt án treo của người đó đã được tuyên sẽ được chuyển thành án giam để tổng hợp với hình phạt của bản án mới.
Từ thực tiễn công tác xét xử, nhiều Tòa án địa phương cũng phản ánh, do nhiều quy định mâu thuẫn, không rõ ràng… khiến các Tòa án có nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến áp dụng không thống nhất.
Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, ngoan cố
Nhằm khắc phục sự “lỗi thời” của Nghị quyết 01/2007, ngày 6/11/2013 vừa qua, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 01/2013 hướng dẫn áp dụng Điều 60 BLHS về án treo, trong đó quy định rõ các điều kiện được hưởng án treo cũng như không được hưởng án treo. 
Theo đó, sẽ không cho hưởng án treo nếu thuộc một trong các trường hợp: Người phạm tội thuộc đối tượng cần phải nghiêm trị bao gồm: người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng; phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội; trong hồ sơ thể hiện là ngoài lần phạm tội và bị đưa ra xét xử, họ còn có hành vi phạm tội khác đã bị xét xử trong một vụ án khác hoặc đang bị khởi tố, điều tra, truy tố trong một vụ án khác; bị cáo tại ngoại bỏ trốn trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Tòa án đã đề nghị cơ quan điều tra truy nã. Đồng thời, Nghị quyết cũng quy định những điều cần lưu ý khi xem xét, quyết định cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo.
Lý giải thêm về các trường hợp không được hưởng án treo, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn cho biết: nội dung hướng dẫn trong Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP là sự cụ thể hóa chính sách hình sự của Nhà nước ta về nguyên tắc xử lý được quy định tại Khoản 2 Điều 3 của BLHS, đó là: “Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng”; đồng thời đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay.
Với những hướng dẫn rõ ràng, cụ thể tại Nghị quyết 01/2013, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn tin tưởng việc xem xét cho những người bị xử phạt tù được hưởng án treo sẽ bảo đảm chặt chẽ, đúng đối tượng và có hiệu quả hơn; những tồn tại, bất cập trong việc cho hưởng án treo không đúng, cho hưởng án treo đối với các tội phạm về tham nhũng, việc ấn định thời gian thử thách không thống nhất và những tồn tại, bất cập khác sẽ được khắc phục. 
1. Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm.
2. Trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát và giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.
3. Người được hưởng án treo có thể phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo quy định tại Điều 30 và Điều 36 của Bộ luật này.
4. Người được hưởng án treo đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giám sát và giáo dục, Toà án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách.
 5. Đối với người được hưởng án treo mà phạm tội mới trong thời gian thử thách thì Tòa án quyết định buộc phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 51 của Bộ luật này.
(Điều 60 BLHS)

Đọc thêm