Người mẹ khóc đến mù mắt sau đêm bị đứa con “tâm thần” đánh

(PLO) - Tay bà quờ quạng trong không trung, miệng liên tục gọi: “Ân ơi, con đâu, con đâu” khi nghe đứa con vừa mới được dẫn giải đến tòa. Dù không dứt ruột sinh ra Ân nhưng bà vẫn hết mực yêu thương. Bà dành cả cuộc đời chăm lo, chữa chạy khi Ân rơi vào vòng xoáy ma túy và bà tiếp tục biện hộ cho Ân dù bị chính Ân đánh gây thương tích.
Đối tượng Ân
Đối tượng Ân

Bà Thơm biện hộ cho Ân. Bà nói Ân gây án trong tình trạng tâm thần không được ổn định. Trước giờ, dù nghiện ngập nhưng Ân chưa từng đánh, chửi bà và chưa từng trộm cắp của ai bao giờ. “Tôi không biết tại sao người ta lại vu cho Ân cái tiếng “ngáo đá đánh mẹ nuôi”.

Quả thật nó có đánh tôi nhưng không phải do ngáo đá. Nó quyết tâm và không dính đến ma túy từ ngày ra khỏi trại cai nghiện. Tôi vào trại giam gặp Ân mấy lần. Nó nói không nhớ đã đánh tôi lúc nào, đánh ra sao. Ân gây án trong lúc bị bệnh”, bà Thơm nói.

Nhặt đứa con rơi, nguyện cả đời chăm sóc 

Câu chuyện tình mẫu tử giữa bà giáo già mù lòa Nguyễn Thị Thơm (SN 1944, ngụ Bình Thạnh, TP HCM) với đứa con nuôi Nguyễn Thiên Ân (SN 1980) khiến nhiều người dự tòa phải rơi nước mắt. Công bà Thơm nuôi nấng 36 năm, nhưng Ân lại nghiện ngập rồi gặp phải vấn đề thần kinh dẫn đến mẹ con phải rơi vào vòng tố tụng:  Bị cáo – bị hại.

PV đã tìm đến nhà ngôi nhỏ của bà Thơm để tìm hiểu sự việc. Trong căn nhà bề ngang chừng 2m ở sâu trong hẻm, nghe tiếng người, bà Thơm lần theo bờ tường mời khách vào nhà. Bà bảo trước đây mắt bà còn sáng lắm, một năm qua, vì khóc thương cho Ân mà mù lòa.

Bà bảo bà yêu trẻ con nên mới chọn học ngành sư phạm. Nguyện ước thành công, bà thành giáo viên tiểu học. 36 năm trước, trên đường đi nhà thờ, bà tình cờ gặp một đứa trẻ bị bỏ rơi ven đường. Đứa trẻ đó chính là Ân, thời điểm bị bỏ rơi mới 6 tháng tuổi. Bà đặt tên là Nguyễn Thiên Ân ý muốn nói đây là ân huệ trời ban cho bà.

Mang đứa trẻ về nhà, bà chăm sóc như con đẻ mặc cho tiếng xì xào của người xung quanh, một cô giáo, một phụ nữ bỗng dưng có con. Bà bảo: “Tôi không lấy chồng dù nhiều người đến hỏi. Tôi sợ lấy chồng, người ta sẽ không thương Ân, lại con chung, con riêng. Phận Ân đã khổ vì không được chính cha mẹ ruột công nhận, vứt bỏ lề đường. Tôi nhặt được, tôi có trách nhiệm yêu thương, chăm sóc”.

Hai mẹ con đầu tiên tá túc trong trường, nơi bà Thơm đang dạy. Gom góp mãi, bà Thơm mới mua được căn nhà nhỏ gần trường rộng chừng 20m2 cho mẹ con tá túc. Bà hết mực yêu thương, cho Ân đến trường, dành cả tuổi xuân, cả cuộc đời một người nguyện vì đứa con nuôi. Ấy vậy mà Ân sinh hư.

Năm 14 tuổi, Ân theo chúng bạn lao vào “cái chết trắng”, khói thuốc, ma túy làm đời Ân lầm lỗi, hỏng cả tình thương của bà Thơm. Đến năm học 11, Ân nghiện nặng, không còn kiểm soát được bản thân, bà Thơm buộc lòng phải đưa con đi cai nghiện. “Thời điểm đó, nhà nước chưa có trường cai nghiện như bây giờ. Tôi gửi Ân lên Lâm Đồng cho một người quen. Trên đó, khí hậu mát mẻ, xa Sài Gòn, hi vọng Ân sẽ dứt bỏ được ma túy. Ân vừa cai nghiện, vừa phụ gia đình người quen làm cafe”, bà Thơm kể.

Gây án trong cơn hoang tưởng

Được vài năm, Ân hết nghiện, bà Thơm đưa Ân trở về Sài Gòn, định tái hòa nhập với cộng đồng. Nhưng không được bao lâu, Ân nghiện lại. Bà Thơm tiếp tục tìm đường cho Ân đi cai nghiện. Hễ có người quen ở đâu, vùng sâu vùng xa, tránh khỏi cám dỗ ở Sài Gòn, bà Thơm đều gửi con đến đó. Mục đích chỉ để Ân tìm lại được chính mình, tránh xa thói hư tật xấu. Tình thương của bà Thơm không được Ân đáp đền. Ân lại nghiện.

Thời gian dài nghiện ngập, năm 2006, Ân bị nhiễm HIV phải sử dụng thuốc hạn chế mầm bệnh. Năm 2012, bà Thơm trực tiếp đưa Ân đi cai nghiện. Hai năm sau, Ân cai nghiện thành công nhưng căn bệnh HIV diễn biến xấu. Bà Thơm kể: “Cai nghiện lần này, Ân quyết tâm từ bỏ ma túy. Về nhà, Ân vẫn được uống thuốc hàng ngày. Tôi là người trực tiếp đi theo Ân mỗi ngày lên trung tâm y tế uống thuốc”.

Giúp con tiếp tục quyết tâm cai nghiện, bà Thơm xin cho Ân học nghề sửa chữa điện thoại, mở một tiệm sửa điện thoại nhỏ tại nhà. Hằng ngày, Ân chú tâm làm việc, có đồng ra đồng vào phụ giúp bà Thơm. Ngỡ rằng, cuối cùng, Ân cũng tu tâm, mẹ con có cuộc sống tốt hơn. Nhưng bị kịch ập đến.

Bà Thơm lý giải bi kịch ấy là một tai nạn, một cơn phát bệnh của Ân khi đầu óc Ân không còn bình thường sau nhiều năm nghiện ngập, dùng thuốc cai nghiện và nhiễm HIV. Bà nói “cái đầu nó bị hư rồi” nên mất ngủ và hay nằm mơ thấy ác mộng. Ân bị nhiễm HIV, mắc bệnh lao và hàng loạt hội chứng như ảo thanh giả, suy giảm miễn dịch, lo âu, trầm cảm, ngủ kém, bi quan bệnh tật... Bà Thơm từng phải đưa Ân đi điều trị tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM với chẩn đoán bị rối loạn chức năng não, bệnh HIV dẫn đến bệnh nhiễm trùng và ký sinh trùng.

Bà Thơm cho rằng mắt gần như không thấy gì sau một năm khóc thương cho đứa con nuôi
Bà Thơm cho rằng mắt gần như không thấy gì sau một năm khóc thương cho đứa con nuôi

Bà Thơm kể về bị kịch khiến hai mẹ con phải rơi vào vòng tố tụng: Bị cáo – bị hại. Ngày 17/02/2016, khoảng 2h khuya, bà nghe tiếng Ân la thất thanh “có trộm, có trộm”. Theo lời bà Thơm, 2 mẹ con vội lao xuống gác. Bà Thơm lấy chìa khóa mở cửa. Vừa mở được 1 ổ khóa, đang loay hoay với cái ổ khóa thứ hai thì bị Ân chụp ổ khóa đánh vào đầu bà 2 cái.

“Bị đánh, tôi ôm đầu, thấy có máu chảy. Tôi vội la lên: “Mẹ đây, sao con lại đánh mẹ”. Tôi thấy ánh mắt của Ân khác thường, vô định. Tôi biết Ân đang phát bệnh nên vội kêu cứu. Hàng xóm phải dùng kiềm cộng lực cắt khóa, kéo tôi ra ngoài. Tôi khẳng định, Ân chỉ đánh tôi hai cái vào đầu, không còn thương tích nào khác. Người dân đưa tôi vào bệnh viện cấp cứu. Còn Ân bị công an bắt giữ”, bà kể.

Bị hại một mực xin tha thủ phạm

“Tôi không hề yêu cầu khởi tố hình sự vụ án. Tôi nằm bệnh viện thì công an đến bảo tôi ký giấy yêu cầu khởi tố nhưng tôi không đồng ý. Họ nhờ một người nào đó ký giấy giúp tôi không rõ. Tôi hi sinh cả cuộc đời mình nuôi dưỡng, chăm sóc Ân. Có mấy vết thương thế này, sao tôi lại đi tố, yêu cầu bắt con tôi? Tôi nói thật là tôi không hôn mê, không ói. Chỉ nằm viện 10 ngày vì nhà không có ai chăm sóc. Bác sĩ bảo ở lại để dễ vệ sinh vết thương đến khi lành hẳn mới cho về. Mấy lần, tôi đến thăm, người ta nói Ân bị bệnh cần được về nhà chữa bệnh nên bảo tôi làm đơn bảo lãnh. Tôi có làm đơn nhưng không hiểu sao lại không thấy trả lời”, bà Thơm nói.

Bà còn nói rằng không chấp nhận giám định thương tích nên bỏ về giữa chừng. Nhưng không hiểu tại sao lại có kết quả giám định với những vết thương không hề có. Bà nói: “Kết quả giám định nói tôi vỡ sọ, gãy hai tay nhưng điều đó là không có. Bệnh án tôi vẫn còn giữ, tôi chỉ bị đánh 2 cái vào đầu, vết thương vẫn còn đây. Kết quả giám định thương tích lên tới 67% là không có thật, không có giá trị pháp lý”.

Nói rồi, bà Thơm tiếp tục biện hộ cho Ân. Bà nói Ân gây án trong tình trạng tâm thần không được ổn định. Trước giờ, dù nghiện ngập nhưng Ân chưa từng đánh, chửi bà và chưa từng trộm cắp của ai bao giờ. “Tôi không biết tại sao người ta lại vu cho Ân cái tiếng “ngáo đá đánh mẹ nuôi”. Quả thật nó có đánh tôi nhưng không phải do ngáo đá. Nó quyết tâm và không dính đến ma túy từ ngày ra khỏi trại cai nghiện. Tôi vào trại giam gặp Ân mấy lần. Nó nói không nhớ đã đánh tôi lúc nào, đánh ra sao. Ân gây án trong lúc bị bệnh”, bà Thơm nói.

Cứ như thế, bà Thơm một mực biện hộ cho hành vi của Ân. Dù là mẹ nuôi nhưng tình cảm của bà Thơm dành cho Ân hơn cả mẹ ruột. Điều đó khiến ai biết chuyện cũng ái ngại và chính Ân cũng phải thốt lên những lời xin lỗi, những tiếng yêu thương vì đã gây ra thương tích cho bà.

Bà Thơm mong muốn Ân sớm được ra ngoài để đưa vào viện tâm thần chữa bệnh. Bà nói có lương hưu, có bảo hiểm y tế sẽ tự lo cho bà và Ân được. Một năm qua, bà khóc nhiều khi nghĩ đến Ân. Khóc đến mức, mắt bà mờ đi và rồi mù đi. Đến lúc phát hiện đi phẫu thuật thì đã muộn. Giờ, mọi thứ xung quanh bà chỉ mờ mờ ảo ảo.

Trong phiên sơ thẩm, tòa tuyên trả hồ sơ để làm rõ việc Ân khai không sử dụng ma túy, chỉ mất ngủ nên uống nhiều thuốc an thần nhưng giám định tâm thần lại cho rằng Ân bị rối loạn do sử dụng ma túy. Ngoài ra, tòa yêu cầu giám định lại thương tích vì bà Thơm không đồng ý kết quả 67%. Bà Thơm không muốn về, đòi phải thả Ân.

Chia tay khách, bà hỏi đi hỏi lại: “Con tôi có hi vọng được tự do sớm để chữa bệnh hay không chú ơi?”. Cũng chỉ biết bà nên hi vọng, tin tưởng vào pháp luật.

Đọc thêm