Nguyên Phó Chánh án TAND TC Từ Văn Nhũ: “Giảm tử hình khi xã hội phát triển”

(PLO) - Ngày 15/11/2013, TAND thành phố Hồ Chí Minh tuyên phạt tử hình đối với hai bị cáo về tội “tham ô tài sản” trong vụ án tham nhũng ở Công ty cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng NN&PT Việt Nam. Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Từ Văn Nhũ, nguyên Phó Chánh án TAND tối cao, Luật sư chính Công ty Luật SMiC về hình phạt tử hình.
Một vụ án tham nhũng (hình chỉ mang tính minh họa)
Một vụ án tham nhũng (hình chỉ mang tính minh họa)
- Xin ông cho biết quan điểm của mình về hình phạt tử hình?
Tử hình là hình thức tước đoạt vĩnh viễn sinh mạng của con người, do đó chỉ được áp dụng trong những trường hợp rất đặc biệt do pháp luật quy định và có cơ chế kiểm tra, giám sát rất chặt chẽ. Pháp luật hình sự quy định rất rõ: “Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng”. 
Các bản án tử hình trước khi đưa ra thi hành đều phải được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. 
Trường hợp người bị kết án xin ân giảm án tử hình, thì bản án tử hình còn được Chủ tịch nước xem xét và bản án tử hình chỉ được thi hành sau khi Chủ tịch nước có quyết định bác đơn xin ân giảm. 
Quy định về hình phạt tử hình là một trong những chính sách về Hình sự của Nhà nước. Chính vì yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm mà nhiều nước trên thế giới hiện nay vẫn duy trì hình phạt tử hình như Nga, Trung Quốc, Mỹ… 
Tuy nhiên, hiện nay các nước trên thế giới đều có xu hướng xem xét, giảm hình phạt tử hình. Ở các nước có nền kinh tế, xã hội, chính trị phát triển ổn định thì hình phạt tử hình được áp dụng ít hơn so với các nước chậm phát triển…
- Ông có nhận định, đánh giá như thế nào về việc áp dụng án tử hình ở nước ta?
Từ năm 1945 cho đến trước năm 1985, chính sách Hình sự của Nhà nước ta được thể hiện ở các Pháp lệnh, Sắc luật, Sắc lệnh. Chỉ từ 1985 tới nay chúng ta mới có Bộ luật Hình sự và Bộ luật này cũng đã được sửa đổi tới 5 lần. Lần sửa đổi bổ sung gần đây nhất là vào năm 2009. 
Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật Hình sự, Nhà nước ta cũng thể hiện quan điểm nhất quán là sẽ xem xét từng bước theo hướng giảm dần những trường hợp phải áp dụng án tử hình. Chưa có con số thống kê đầy đủ có bao nhiêu điều luật quy định hình phạt tử hình trong các Pháp lệnh, Sắc luật, Sắc lệnh hình sự từ 1945 đến trước 1985. Nhưng chắc chắn là nhiều hơn con số 44 điều luật trong Bộ luật Hình sự 1985 - Bộ luật Hình sự đầu tiên của chúng ta có quy định hình phạt tử hình. 
Qua 4 lần sửa đổi, bổ sung, chúng ta có Bộ luật Hình sự 1999, khi đó chỉ còn 29 Điều luật có quy định hình phạt tử hình. Kỳ sửa đổi, bổ sung gần đây nhất vào năm 2009 thì chỉ còn 22 Điều có hình phạt tử hình.
Đồng thời Bộ luật Hình sự đang có hiệu lực còn quy định: “Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội, đối với phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuội con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi bị xét xử”, “không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi…”. 
Quy định này không chỉ thể hiện tính nhân đạo của nhà nước đối với người phạm tội, đối với cả thế hệ mai sau, mà còn thể hiện nền kinh tế, xã hội của chúng ta đang trên đà phát triển, tình hình an ninh, trật tự xã hội đã được giữ vững, ổn định, do vậy cần có chính sách tha miễn hình phạt tử hình cho những trường hợp cá biệt, đáng được khoan hồng. Nhờ vậy mà việc áp dụng hình phạt tử hình cũng được giảm một phần và trong những năm qua có tới hàng chục trường hợp thoát án tử hình.
Tuy nhiên, cũng cần đề cập đến một thực trạng rất cá biệt về tội ma túy. Do tình hình phát triển của xã hội luôn luôn kèm theo những hiện tượng tiêu cực mới, nẩy sinh những tội phạm mới và tình hình, diễn biến của tội phạm cũng có những đặc điểm khác. 
Những năm 1985 trở về trước, tình hình tội phạm về ma túy trên thế giới cũng như ở nước ta không bùng phát, chưa gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như những năm gần đây nên ở Việt Nam, ngay cả trong Bộ luật Hình sự năm 1985 cũng không có Điều luật riêng quy định về các tội phạm về ma túy. 
Điều đó cũng đồng nghĩa với việc những tội phạm về ma túy trong thời kỳ này chưa bị xử phạt tới mức nghiêm khắc nhất là tử hình. Từ khi sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự lần thứ hai tới nay, chúng ta có bổ sung thêm 2 điều luật về tội ma túy trong đó có quy định mức phạt cao nhất là tử hình.
- Vậy theo ông nhận định thì hình phạt tử hình liệu có thể giảm nữa không?
Như tôi đã nói ở trên, nền kinh tế, chính trị, xã hội càng phát triển, cùng với trình độ, ý thức chấp hành pháp luật của người dân ngày càng nâng cao thì càng có nhiều yếu tố để xem xét giảm áp dụng hình phạt tử hình. Đồng thời, tình hình chính trị, xã hội của đất nước ngày càng ổn định, bền vững, trật tự trị an được đảm bảo cũng là yếu tố để giảm áp dụng hình phạt tử hình.
- Ông có quan điểm như thế nào về hình phạt tử hình đối với các tội danh tham nhũng, tội vi phạm trật tự quản lý kinh tế?
Tội phạm về tham nhũng, tội phạm về chức vụ là những biểu hiện mặt trái, tiêu cực của cơ quan Nhà nước. Đã có Nhà nước bị sụp đổ vì tham nhũng vì vậy nhiều người coi tham nhũng là quốc nạn. 
Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách, áp dụng nhiều biện pháp nhằm tăng cường, kiên quyết đấu tranh phòng, chống quốc nạn tham nhũng. Toàn Đảng, toàn dân đang đòi hỏi, yêu cầu rất gắt gao về việc xử lý, trừng trị nghiêm minh những tội phạm tham nhũng; kiên quyết đấu tranh chống bỏ lọt tội phạm, tránh xuê xoa, xử lý nhẹ, thiếu minh bạch, đảm bảo công bằng cho mọi người dân trước pháp luật, không phân biệt chức sắc… 
Việc cả xã hội bức xúc, phản ứng gay gắt đối với những trường hợp xử lý tội phạm có dấu hiệu không minh bạch, quá nhẹ, không công bằng như cho hưởng án treo sai, bỏ lọt kẻ phạm tội hoặc xử lý chậm, không đúng thời hạn quy định… là điều tất yếu, nhưng đây là lời cảnh tỉnh cho tất cả những người, cơ quan có trách nhiệm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng để những cơ quan này phải thực hiện công minh, kiên quyết hơn.
Về hình phạt tử hình đối với loại tội tham nhũng, lợi dụng chức vụ, vi phạm quản lý kinh tế…có thể giảm hay không, theo tôi cần phải xem xét nhiều yếu tố. Thí dụ như trong trường hợp xét thấy có thể giáo dục, cải tạo kẻ phạm tội thành người có ích cho xã hội thì không nên áp dụng hình phạt tử hình. 
Trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chỉ gây thiệt hại về kinh tế, kẻ phạm tội ăn năn hối cải và đã khắc phục cơ bản thiệt hại xẩy ra, thì theo tôi cũng không nên áp dụng hình phạt tử hình vì xuất phát từ truyền thống nhân đạo của Việt Nam ta “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại”. 
Một khi tình hình kinh tế xã hội phát triển nhanh, mạnh hơn nữa, đến  trình độ tiên tiến, ý thức pháp luật của người dân được nâng cao thì có thể xem xét giảm bớt những trường hợp phải áp dụng hình phạt tử hình.
- Xin cảm ơn ông về những chia sẻ trên!

Đọc thêm