Nhà báo, phóng viên bị cản trở, xúc phạm khi tác nghiệp: 'Chuyện thường ở huyện'

(PLVN) - Nghề báo đã và đang có nhiều đóng góp cho xã hội trên mọi phương diện. Một trong số đó là hành trình đi tìm công lý và sự thật. Trong hành trình đi tìm công lý ấy, không ít phóng viên, nhà báo đã và đang bị cản trở, gây khó khăn thậm chí là bị xúc phạm khi đi tác nghiệp. Có những trường hợp tréo ngoe như chuyện không thể nào tin được nhưng lại hiển hiện trước mắt…
Trong hành trình đi tìm công lý ấy, không ít phóng viên, nhà báo đã và đang bị cản trở, gây khó khăn thậm chí là bị xúc phạm khi đi tác nghiệp
Trong hành trình đi tìm công lý ấy, không ít phóng viên, nhà báo đã và đang bị cản trở, gây khó khăn thậm chí là bị xúc phạm khi đi tác nghiệp

Muôn vàn chiêu trò cản trở, xúc phạm

Thực tiễn hoạt động báo chí cho thấy, nhiều phóng viên, nhà báo đã và đang bị cản trở, gây khó khăn khi đi làm việc tại một số cơ sở. Điển hình và đơn giản nhất là khi nhà báo, phóng viên đến làm việc, nhất là về vấn đề tiêu cực, các cơ sở thường đòi hỏi phải có giấy giới thiệu và Thẻ Nhà báo. Khi những người làm báo xuất trình thẻ hoặc giấy giới thiệu làm việc thì không ít đơn vị từ chối làm việc. Thậm chí, khi đưa đủ cả giấy giới thiệu và thẻ, họ cũng bị xua đuổi và nhiều đơn vị đưa ra vô vàn lý do để từ chối phối hợp làm rõ thông tin.

Không những từ chối làm việc, nhiều vụ việc cản trở báo chí tác nghiệp gần đây còn có mức độ nghiêm trọng hơn. Có phóng viên, nhà báo bị hành hung dẫn tới thương tích nặng, một số khác thì bị nhắn tin đe doạ cả tính mạng. Bi hài hơn, còn có trường hợp còn bịa đặt, vu khống phóng viên, nhà báo để gây áp lực cho toà soạn nhằm gỡ bài viết phản ánh tiêu cực liên quan đến đơn vị, cá nhân của họ.

Gần đây, dư luận khá xôn xao trước thông tin về sự việc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và Báo Phụ nữ TP HCM đã đăng tải loạt bài phản ánh tình trạng “bảo kê” tại chợ Long Biên. Sau khi được đăng tải, hai nữ phóng viên thực hiện loạt bài điều tra này đều nhận được tin nhắn đe doạ. Cụ thể, phóng viên Nguyễn Thị Liên (bút danh Liên Liên, công tác tại VTV) nhận được tin nhắn nặc danh đe dọa: “Mày dừng lại đi, đừng cố tình quay bọn tao nữa cũng chẳng làm gì được đâu. Tao nói một lần duy nhất và nếu mày không nghe lời thì cả nhà mày sẽ phải chết vì mày”. Tương tự, nhà báo Thu Trang, Báo Phụ nữ TP HCM cũng nhận được tin nhắn đe dọa tính mạng.

Trước sự việc này, Hội Nhà báo đã có văn bản gửi Bộ Công an và đánh giá đây là sự việc gây tổn hại nghiêm trọng về sức khỏe, tinh thần của các nhà báo. Hội Nhà báo đã đề nghị lãnh đạo Bộ Công an, Công an TP Hà Nội khẩn trương chỉ đạo làm rõ sự việc, xử lý nghiêm minh hành vi đe dọa giết người của đối tượng nhắn tin và có kế hoạch đảm bảo an toàn cho nhóm phóng viên và gia đình. 

Từ trước tới nay, người ta nghĩ rằng việc gây áp lực với phóng viên, nhà báo khi tác nghiệp chỉ có thể dừng lại ở việc dùng vũ lực xâm hại trực tiếp đến an toàn tính mạng, sức khoẻ của người làm báo. Thế nhưng thực tế xảy ra hiện nay lại khá đa dạng, với muôn vàn chiêu trò khác nhau. Thậm chí có người còn ngang nhiên “khai tử” bố đẻ của mình để gây áp lực, vu khống phóng viên, nhà báo và toà soạn.

Một sự việc hi hữu xảy ra với chính người làm báo của Báo PLVN. Khi phóng viên, nhà báo của Báo PLVN thực hiện bài viết: “Chủ khách sạn Ngọc Anh (Đồng Nai) bị tố quỵt nợ” đăng tải vào ngày 17/3/2019, thì bà Huấn (chủ khách sạn Ngọc Anh) đã cho rằng bài báo viết sai sự thật làm bố bà này là ông Phạm Văn Cường (tên gọi khác là Duyệt) đột tử. Bà Huấn làm đơn từ đi khắp nơi tố cáo với mục đích chính là để gây áp lực với toà soạn để gỡ bài báo này.

Nhưng sự thật bà Huấn đã cố tình bịa đặt sự việc bố bà bị đột tử do bài báo gây nên. Phóng viên của báo lại một phen đi xác minh vào ngày 27/3/2019 tại gia đình ông Duyệt ở làng Cỗ Tế, xã Thạch Long, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa. Tại đây ông Duyệt (bố bà Huấn) tuy tuổi cao nhưng vẫn khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn không hề có những dấu hiệu sốc, đột quỵ hay qua đời như bà Huấn bịa đặt.

Trao đổi với phóng viên, ông Duyệt còn vui vẻ chia sẻ câu chuyện thường nhật của hai vợ chồng ông bà khi các con ở xa. Một việc làm trái đạo lý, vô đạo đức, không thể chấp nhận được của bà Huấn khi con người này dám ngang nhiên “khai tử” bố đẻ khi bố vẫn đang còn khỏe mạnh để phục vụ cho việc “tố cáo” của mình khiến người ta không khỏi rùng mình khinh bỉ.

Không chỉ bịa đặt câu chuyện “tang gia”, bà Huấn cho rằng tác giả Trần Ngọc Hà- Trưởng Ban Văn hoá Xã hội của Báo là tác giả bài viết, từ đó bà tố cáo ông Hà và cho rằng ông Hà viết bài này xuất phát từ động cơ cá nhân không trong sáng. Bà Huấn cứ vậy xúc phạm danh dự nhà báo Trần Ngọc Hà trong đơn từ gửi đi các nơi, trong lúc đó phóng viên Nguyễn Ngọc Sinh mới là tác giả của bài viết này, ông Hà chỉ là người duyệt và biên tập.

Tiếp nhận đơn tố cáo của bà Huấn, Bộ Tư pháp, Báo PLVN và các cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra, xem xét. Qua kiểm tra, các cơ quan nhận định nội dung bà Huấn tố cáo là hoàn toàn sai sự thật. Việc nhà báo Trần Ngọc Hà và phóng viên viết bài bị bà Huấn xúc phạm, bị tố cáo sai đối tượng có dấu hiệu hành vi vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Nhà báo Trần Ngọc Hà chia sẻ: “Một người viết lại đi kiện một người, thậm chí dựng chuyện, bịa đặt để đạt được mục đích của mình. Bà Huấn tố cáo lên các nơi như vậy đã bôi nhọ danh dự và uy tín của tôi. Trong trường hợp cần thiết cá nhân tôi sẽ đề nghị các cơ quan chức năng can thiệp, cần thiết sẽ khởi kiện ra Toà án để bảo vệ danh dự của mình…”. Bên cạnh đó, việc dựng chuyện bố chết để gây áp lực với toà soạn, cho rằng bài báo sai sự thật cũng là một hành vi xúc phạm đến toà soạn và tác giả bài viết.

Những vụ “khủng bố” nhà báo, phóng viên có chiều hướng gia tăng cả về mức độ lẫn tần suất, gây bức xúc trong dư luận xã hội nói chung và đội ngũ những người làm báo nói riêng trong nhiều năm gần đây. Hơn lúc nào hết, phóng viên, nhà báo cần một điểm tựa để xả thân tác nghiệp. Nếu việc hành hung, vu khống, gây áp lực với nhà báo, phóng viên không được loại trừ, sẽ làm giảm nhiệt huyết chống tiêu cực trong mỗi cây bút, khi những tổn thương và áp lực vẫn đè nặng lên họ.

Pháp luật bảo vệ người làm báo 

 

Nhà báo, phóng viên được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên. Luật pháp Việt Nam có đầy đủ quy định để bảo vệ nhà báo, phóng viên trong tác nghiệp. Thế nhưng hiện nay, nhiều vụ hành hung người làm báo không bị nghiêm trị thích đáng, việc xử lý vi phạm thường nghiêng về các biện pháp hành chính khiến dư luận không đồng tình và nhà báo thì chưa thực sự được bảo vệ bằng luật.

Việc nhà báo, phóng viên bị hành hung, xúc phạm, cản trở… thường xảy ra khi nhà báo tác nghiệp chống tiêu cực. Những đối tượng liên quan đến hành vi phạm pháp thường rất liều lĩnh, tinh ranh, lắm chiêu trò và sẵn sàng đòi “xử” phóng viên, nhà báo để xóa bằng được chứng cứ nhằm che đậy, bưng bít hoạt động phi pháp. Có thể nói, hành vi xâm phạm sức khỏe, tinh thần, danh dự và nhân phẩm người làm báo gây thiệt hại cho cả xã hội. Bởi tấn công nhà báo là can thiệp vào quyền được tiếp cận thông tin của người dân và sự tôn nghiêm của pháp luật... Nhiều vấn đề bất cập của đời sống sẽ vẫn nằm trong góc tối nếu hoạt động của nhà báo bị đe dọa, cản trở.

Do sự thờ ơ của một số cơ quan chức năng khiến nhiều vụ việc “chìm xuồng”, rơi dần vào quên lãng. Đó là nguyên nhân khiến “nạn” tấn công nhà báo ngày càng táo tợn hơn. Nhiều nhà báo và gia đình họ vẫn phải sống, làm việc trong sự lo lắng, thấp thỏm. 

Để ngăn chặn và hạn chế tình trạng nhà báo, phóng viên bị cản trở, hành hung, cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra, làm rõ và xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật. Bản thân mỗi người làm báo cũng phải sẵn sàng tinh thần tự vệ trước những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tác nghiệp. Nâng cao các kỹ năng xử lý tình huống đối với những sự vụ “nóng”, nhạy cảm, có liên quan đến các đối tượng manh động, côn đồ hung hãn. Với những vụ việc như vậy, nhà báo, phóng viên nên hoạt động theo kế hoạch, có sự chỉ đạo sát sao từ Ban Biên tập, có thể phối kết hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng trong quá trình tác nghiệp. Khi đang tác nghiệp nhận thấy những dấu hiệu, nguy cơ mất an toàn của bản thân như bị đe dọa thì thông báo ngay với Ban Biên tập và Cơ quan Công an để có những biện pháp ngăn chặn kịp thời…

Đọc thêm