Nhà xây bất hợp pháp, vẫn được luật bảo vệ?

(PLO) - Một ngôi nhà xây bất hợp pháp trên đất tranh chấp lại là tài sản được pháp luật bảo vệ? Nghịch lý này đang tồn tại trong một vụ án sắp được TAND Tp Hải Dương đưa ra xét xử, mà bị cáo là Nguyễn Duy Sơn (trú tại Cầu Cốn, P.Trần Hưng Đạo, TP.Hải Dương, tỉnh Hải Dương)
Theo bản ảnh hiện trường thì nhà tôn này chỉ bị nghiêng.
Theo bản ảnh hiện trường thì nhà tôn này chỉ bị nghiêng.
Dựng nhà trái phép…
Thửa đất số 120 và 121 khu 2 phường Nhị Châu, TP.Hải Dương có nguồn gốc của gia đình ông Trần Thế Trường. Ông Trường đã bán diện tích đất này cho vợ chồng ông Dương Văn Đại. Sau khi tiến hành xây dựng tường bao khu đất (có xin phép UBND phường) thì đến năm 2011 ông Đại chuyển nhượng tiếp cho ông Nguyễn Duy Sơn cả 2 thửa đất với tổng diện tích là 248m2.
Khi đang quản lý và chuẩn bị có kế hoạch sử dụng đất thì vào tháng 3/2014, ông Sơn bất ngờ phát hiện ông Đinh Bá Vượng cùng con rể là Trần Đình Thái cho người vào phá tường bao khu đất và dựng nhà tôn trên đất này. Nhận được trình báo, UBND phường đã nhiều lần đình chỉ xây dựng công trình, yêu cầu chủ đầu tư tháo dỡ công trình vi phạm. Tuy nhiên, phía ông Vượng tiếp tục hoàn thiện công trình và chìa ra “Giấy chuyển nhượng” đất (bản phô tô) có chữ ký được cho là của ông Trần Thế Trường bán đất cho con mình
Trong khi đó, ông Trường luôn khẳng định không hề ký giấy bán đất nào cho con ông Vượng. Thậm chí, trong Bản tường trình (ngày 19/8/2011) gửi tới UBND phường Nhị Châu, ông Trường còn khẳng định: Chữ ký ghi tên “Trường” trên “Giấy chuyển nhượng” của ông Vượng xuất trình là giả mạo, không phải là chữ ký của ông. Thời điểm ghi trên “Giấy chuyển nhượng”, ông không có ở địa phương (đang ở trong TP.Hồ Chí Minh thăm con gái). 
Quá sốt ruột trước sự chậm chạp và thiếu kiên quyết của chính quyền, ông Sơn đành phải cản trở việc xây dựng trái phép của ông Vưọng  bằng cách dỡ một phần bức tường bao của mình (công trình của ông Vượng gá cột vào tường bao của ông Sơn). Ngay sau đó, Công an phường đến can thiệp, đề nghị hai gia đình không làm mất an ninh trật tự, chờ cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.
Một thời gian sau, công trình xây dựng của ông Vượng bị đổ. Cơ quan CSĐT Công an TP.Hải Dương tiến hành trưng cầu giám định, kết luận thiệt hại trên 78 triệu đồng nên đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Duy Sơn về tội “Hủy hoại tài sản”. 
….được pháp luật bảo vệ?
Với việc khởi tố, truy tố như trên, CQĐT và VKSND TP.Hải Dương phải chăng đang bảo vệ một tài sản một căn nhà được xây dựng bất hợp pháp? 
Phân tích rõ hơn về nghi vấn trên, Luật sư Nguyễn Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư (LS) Pháp Chính (Đoàn LS Hà Nội) cho rằng, để quy kết ông Sơn có hủy hoại tài sản của người khác hay không thì trước hết phải xác định tài sản này thuộc sở hữu hợp pháp của ai, ai là bị hại của vụ án.
Tuy nhiên, trong vụ án này thì chưa có cơ quan nào khẳng định ngôi nhà mà ông Vượng dựng trên thửa đất 120 và 121 là hợp pháp. Khách thể của tội “Hủy hoại tài sản” theo quy định tại Điều 143 BLHS là “quan hệ sở hữu tài sản” mà pháp luật hình sự bảo vệ. Quyền sở hữu ở đây phải là quyền sở hữu hợp pháp, được pháp luật công nhận. Ở vụ việc này, công trình vi phạm của ông Vượng không phải là tài sản hợp pháp, ông Vượng không có quyền sở hữu công trình này mà bị buộc phải tháo dỡ nó.
LS Cường còn cho rằng, quan hệ nhân - quả trong vụ việc này cũng chưa được làm rõ. Tức là chưa có căn cứ để khẳng định hành vi dỡ tường rào của ông Sơn là nguyên nhân gây ra thiệt hại vì một thời gian rất dài sau khi dỡ tường thì nhà của ông Vượng mới bị đổ. 
Nhiều chứng cứ cho thấy, hơn tháng sau khi xảy ra sự việc, Công an TP.Hải Dương đã đến chụp ảnh hiện trường. Lúc này, bản ảnh thể hiện công trình chỉ bị nghiêng. Sau này, không hiểu vì có sự tác động có chủ ý của ai đó thì công trình này mới bị đổ.
Hơn nữa, công trình này được xây dựng trái phép, đã bị chính quyền yêu cầu phá dỡ nhưng phía ông Vượng không chấp hành. Như vậy, nếu suy cho cùng thì công trình này dù sớm hay muộn cũng buộc phải phá dỡ và phía người có hành vi xây dựng trái phép chịu thiệt hại. Hành vi của ông Sơn có đáng bị coi là “nguy hiểm cho xã hội” và cần truy cứu trách nhiệm hình sự?
Trước nhiều chứng cứ chưa rõ thì vào tháng 7/2013, TAND TP.Hải Dương đã buộc phải trả hồ sơ vụ án, đề nghị VKSND TP.Hải Dương tiến hành điều tra bổ sung. Nhưng xem ra, trong bản cáo trạng mới nhất, VKSND TP vẫn chưa làm rõ nhiều tình tiết liên quan. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về phán quyết của Tòa cấp sơ thẩm tới đây./.

Đọc thêm