Những kiểu nhận hối lộ quái chiêu của quan tham

(PLO) - Nhận hối lộ đang là tội danh phổ biến nhất của các quan tham Trung Quốc kể từ sau Đại hội ĐCS Trung Quốc lần thứ 18. Vậy ai là kẻ đem biếu tiền quan chức, giữa người đưa và người nhận hối lộ quan hệ với nhau ra sao? Vấn đề này đã được báo chí Trung Quốc đem ra mổ xẻ…
Quách Hữu Minh trước vành móng ngựa
Quách Hữu Minh trước vành móng ngựa

Là “ví tiền” của quan chức, bao chi mọi thứ

Biếu tiền, biếu nhiều, thật nhiều tiền; biếu mọi nơi mọi lúc, tìm mọi lý do để biếu. Sinh nhật quan, sinh nhật vợ quan, con quan… là dịp tuyệt hảo để gây cảm tình; đảm nhận vai trò “ví tiền” của quan, quản cả chuyện vặt của quan, biếu tiền để quan chăm lo cho người tình, như thế mới là quan hệ “thâm giao”. Kẻ đưa hối lộ biếu tiền như điên như thế cũng chỉ nhằm mục đích duy nhất là kiếm được thêm nhiều tiền.

Trương Thử Quang - Phó Tổng công trình sư, Cục trưởng Vận tải, Bộ Đường sắt - sau khi bị bắt khai: Cuối 2015, Quang quen La Phi, một cô gái trẻ đẹp. Để theo đuổi Phi, Quang chi rất nhiều tiền nhưng khi đó vừa mới được đề bạt Cục trưởng, tự cảm thấy nguồn lực chưa dồi dào để cưa cẩm người đẹp.

Giữa lúc đó, Qua Kiến Minh- Chủ tịch Tập đoàn Kim Sáng - tìm đến bảo “anh có việc gì cần cứ để em lo”. Thế là, sau phút chần chừ, Quang gọi điện cho Minh nói mình cần ít tiền. Mình liền đưa Quang 2 triệu tệ tiền mặt để cho Là Phi tiêu xài hàng ngày và thêm số tiền Quảng tích lũy được để mua 1 căn nhà cho Phi.

Trương Thử Quang và người tình La Phi
 Trương Thử Quang và người tình La Phi

Trong vụ án Hách Vệ Bình - nguyên Vụ trưởng Điện hạt nhân, Cục Năng lượng quốc gia - chủ mỏ than ở Sơn Tây đã dùng bao tải đựng tiền đem đến biếu Bình để cho thấy “chủ mỏ Than Sơn Tây đáng sợ thế nào”.

Còn trong vụ án Ngưu Khải Trung - Cục trưởng Công thương Sơn Đông - thì kẻ đưa hối lộ thậm chí ngang nhiên ôm tiền đến cổng Trường đảng Trung ương, nơi Trung đang học, để biếu tiền.

Đóng vai quản gia, lo liệu mọi thứ

Trong các vụ án quan chức tham nhũng, có một kiểu hối lộ rất đặc biệt: Người đưa hối lộ có thời gian quen biết rất dài với quan chức, tình cảm hai bên sâu nặng; quan chức khá tín nhiệm người đưa hối lộ, người đưa hối lộ cũng “chăm sóc” chu đáo, ngoài biếu tiền còn lo liệu tỉ mỉ mọi chuyện sinh hoạt thường ngày, đảm nhận vai trò “quản gia” cho quan tham.

Quý Kiến Nghiệp - Thị trưởng Nam Kinh
Quý Kiến Nghiệp - Thị trưởng Nam Kinh

Trong vụ án Quý Kiến Nghiệp - Thị trưởng Nam Kinh - kẻ “quản gia” là Từ Đông Minh, quen biết hơn 20 năm. Từ 1992, Nghiệp nhận lời giúp Minh điều chuyển công tác. Cho đến khi vụ án bị phát hiện, Quý Kiến Nghiệp đã nhiều lần giúp đỡ Từ Đông Minh và đơn vị của Minh, trong đó có việc điều Minh về làm Giám đốc kinh doanh một công ty ở Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc gia Thái Hồ Tô Châu, nhận thầu cung ứng thiết bị cho khách sạn Côn Luân, khai thác nhà đất ở khu vực Quảng trường Long Đô, mua khu đất ven cao tốc Giang Đô..v.v.

Đáp lại, Từ Đông Minh lo liệu mọi chuyện cho Quý Kiến Nghiệp từ chuyện lớn như mua bán cổ phiếu kiếm lời tới việc nhỏ như lắp máy lạnh, đồ phòng vệ sinh cho nhà Nghiệp và nhà con gái, em trai Nghiệp.

Trong số tiền 11,32 triệu tệ Nghiệp nhận hối lộ bị phanh phui qua vụ án, có 9,1 triệu tệ được giao cho Minh quản lý chi tiêu; thậm chí sau khi những người có liên quan tới Nghiệp nối nhau bị điều tra, Nghiệp vẫn hẹn Minh đến căn dặn đừng thừa nhận số tiền y đã giao cho Minh giữ.

Vung tiền bốn phía, hối lộ khắp các quan

Cuối năm 2015, Vạn Khánh Lương - nguyên Ủy viên dự khuyết TW, UV thường vụ Tỉnh ủy Quảng Đông, Bí thư Thành ủy Quảng Châu - hầu tòa về tội nhận hối lộ. Ngoài số tiền Lương nhận lên đến hơn 100 triệu tệ, hai kẻ đưa hối lộ cũng trở thành tiêu điểm gây nên sự chú ý của mọi người.

Trần Tộc Viễn - chủ Tập đoàn An Viễn Thâm Quyến - đã đưa cho Lương 50 triệu tệ và Hoàng Hồng Minh - chủ Tập đoàn Sáng Hồng Quảng Đông - đã đưa Lương 37,9 triệu HKD cùng số ngọc trị giá 7,05 triệu NDT.

Ngoài việc “dẫn đầu”, “cống hiến” nhiều nhất trong số 15 đơn vị và cá nhân đã hối lộ Vạn Khánh Lương, tên của 2 người này cũng xuất hiện trong các vụ án tham nhũng khác. Trong vụ án Hồ Tinh - nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông tỉnh Vân Nam - phạm tội nhận hối lộ năm 2003, Viễn đã hối lộ cho Tinh 32 triệu tệ, lập kỷ lục về số tiền hối lộ thời điểm lúc đó, được dân chúng gọi là “Trạng nguyên hối lộ”.

Còn trong vụ án Trần Hoằng Bình - nguyên Bí thư Thị ủy Yết Dương - tham nhũng, Hoàng Hồng Minh nhiều lần hối lộ Bình tổng số 95 triệu tệ và 1,5 triệu HKD. 

Một người đưa hối lộ nhiều quan chức cũng xuất hiện trong những vụ án tham nhũng tại Bộ Đường sắt. Trong các vụ án Văn Thanh Lương - nguyên Cục trưởng Đường sắt Côn Minh - và Tô Thuận Hổ - Phó Cục trưởng Vận tải Bộ Đường sắt - đều có tên Trương Bang Tài - Chủ tịch, TGĐ Công ty TNHH Mân Quang, Sơn Tây - đã hối lộ Lương 850 ngàn tệ và Hổ 2 triệu tệ.

Trong con mắt những kẻ đưa hối lộ, đưa tiền là cách đơn giản và trực tiếp nhất để mang lại lợi ích, nếu được một lần thì nhất định sẽ có lần thứ hai. Ngoài ra, việc đưa hối lộ còn xây dựng được mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với quan chức, có tiền là có thể “quảng giao bạn bè”.

“Anh có thành tích, tôi được lợi ích”

Theo đuổi thành tích chính trị tăng trưởng kinh tế là mục đích điên cuồng của không ít quan chức trong nhiệm kỳ. Để thực hiện mục tiêu này, họ thường coi thường quy luật và quy tắc trong thực tế, thông qua hợp tác với các chủ tư bản để có được “thành tích chính trị” của địa phương.

Quan chức thì muốn dựa vào tiềm lực tiền vốn của nhà tư bản để giành được thành tích chính trị; kẻ đưa hối lộ thì làm gì cũng được, chỉ cần giúp quan chức có thành tích ắt sẽ giành được lợi ích lớn lao; thế nên mới có hiện tượng “tôi cần lợi ích, anh cần thành tích” hai bên cùng có lợi. Quan chức có thành tích thì sẽ có danh tiếng và thăng tiến; kẻ đưa hối lộ thì nhờ bỏ vốn đầu tư mà thu được của cải.

Vạn Khánh Lương khóc nức nở tại tòa án
Vạn Khánh Lương khóc nức nở tại tòa án

Trong vụ án Vạn Khánh Lương, trên đầu Lương có vầng hào quang “Nhà lãnh đạo thực tế có sức hút”, “Bí thư Thành ủy trẻ nhất”…

Sau 26 năm, Lương đã từ một trợ lý tuyên huấn ở huyện vươn lên thành lãnh đạo cấp tỉnh-bộ. Dù khi là lãnh đạo huyện Tiêu Lãnh, thị xã Yết Dương hay thành phố Quảng Châu, ở đâu Lương cũng ra sức xây dựng và khai thác đô thị, khánh thành các công trình lớn, nhanh chóng kéo GDP tăng trưởng.

Trong thành tích của Lương luôn có bóng dáng các ông chủ. Ví dụ, khi là lãnh đạo Yết Dương, Lương đề xướng “Công trình 3 tỷ” khiến Yết Dương quật khởi, một dạo trở thành tiêu điểm được cả nước quan tâm. Tiền vốn của “Công trình 3 tỷ” này chính là do Tập đoàn An Viễn của Trần Tộc Viễn rót vào.

Trong vụ án Quách Hữu Minh - Phó Tỉnh trưởng Hồ Bắc - nhận hối lộ, văn bản khởi tố của Viện Kiểm sát có đề cập đến Dư Hồng Chi - Chủ tịch Tập đoàn công ty vật liệu Phú Liên Giang. Chi là thương gia Quảng Đông vốn là bạn học cũ trong Học viện Thủy điện Vũ Hán của Minh.

Khi Minh giữ chức ở thị xã Nghi Xương, Chi đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất vật liệu, khai thác nhà đất, gia công thực phẩm; nhất là xây dựng phát triển khu du lịch đảo Vĩ độ 30 – một công trình trọng điểm. Sau khi hoàn thành, nhiều lãnh đạo trung ương đã về thăm. Để báo đáp, Minh đã giành cho Chi ưu đãi về giá đất và được đặc quyền làm ăn trong mọi lĩnh vực…/.

Đọc thêm