Những vụ án loạn luân trẻ em loạn luân đau lòng

(PLO) - Là nhóm đối tượng rất cần được yêu thương, chăm sóc và bảo vệ, thế nhưng, hiện nay không ít trẻ đang phải sống trong môi trường chưa thật sự an toàn. Một trong những nguy cơ là bị xâm hại tình dục, mà thủ phạm có khi lại là những người thân trong gia đình của các em.
Phiên tòa xử Phạm Tô Hiền
Phiên tòa xử Phạm Tô Hiền

Mới đây, ngày 27/9/2018, TAND tỉnh Kiên Giang đưa ra xét xử vụ án cha hiếp dâm 02 con gái ruột. Bị cáo là Phạm Tô Hiền (43 tuổi, ở xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành, Kiên Giang) kết hôn với chị Ch từ năm 2000 có ba đứa con gái, đến năm 2014 thì ly thân, năm 2017 ly hôn.

Trong thời gian ly thân, con gái lớn của Hiền theo mẹ lên TPHCM đi học, còn Ng (sinh năm 2004) và Nh (sinh năm 2007) thì ở nhà với cha. Trong khoảng thời gian từ tháng 6/2016 đến tháng 12/2017, Hiền đã nhiều lần hãm hiếp cả hai con gái. Xét thấy hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, táng tận lương tâm nên HĐXX xử phạt Hiền tù chung thân, đồng thời phải bồi thường thiệt hại cho các con tổng cộng 150 triệu đồng.

Trước đó, ngày 13/9/2018, TAND tỉnh Kiên Giang tuyên phạt bị cáo Lê Minh Hồng (SN 2000 ở khu phố Đầu Doi, thị trấn Hòn Đất, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) 12 năm tù về tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi" theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 142 Bộ luật Hình sự và ghi nhận sự thỏa thuận của hai bên, gia đình bị cáo bồi thường cho gia đình bị hại 30 triệu đồng (đã thực hiện xong).

Việc xảy ra khoảng 21h30 ngày 6/02/2018, Hồng đi nhậu tại nhà 1 người quen thuộc ấp Cản Đất, xã Mỹ Thuận, huyện Hòn Đất. Sau đó, Hồng rủ cháu VTBT (SN 2009, gọi Hồng bằng cậu) đến nhà ngoại của bé T chơi rồi lợi dụng chỗ vắng để giở trò đồi bại. Khi đến nhà ngoại, dì của cháu phát hiện nên chở đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang cấp cứu và trình báo, Hồng bị bắt.

Ngày 19/5/2017, TAND tỉnh Kiên Giang đưa ra xét xử Nguyễn Ngọc Ân (38 tuổi ở xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) về tội “Hiếp dâm” và “Hiếp dâm trẻ em”. Ân đã thực hiện hành vi hãm hiếp con riêng của vợ và con gái ruột của mình từ năm 2014 đến năm 2016 tổng cộng 11 lần, bằng nhiều hành vi bỉ ổi. Tội ác của Ân bị Tòa xử 30 năm tù, nhưng điều đáng trách là chị B đã trực tiếp bắt gặp hai lần chồng mình đang xâm hại con nhưng lại im lặng, cho qua nên Ân ngày càng lún sâu vào tội ác.

Có nên cảnh giác với người thân trong gia đình? 

Theo số liệu  thống kê của Bộ Công an, năm 2016 cả nước có 1.248 vụ xâm hại tình dục trẻ em, trong đó 47% kẻ xâm hại là họ hàng, người trong gia đình nạn nhân. 6 tháng đầu năm 2017, con số này đã là 805 vụ, với 832 nạn nhân, trong đó các tỉnh, thành phía Nam chiếm tỷ lệ 30% tổng các số vụ. Các địa phương xảy ra tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đáng báo động là Hà Nội, Tây Ninh, Kiên Giang, TPHCM, Đồng Nai…

Nguyên nhân thì nhiều, nhưng chủ yếu nhất là do sự non nớt, thơ ngây và không biết về phòng ngừa từ chính các em. Còn đối với người lớn thì với suy nghĩ “trẻ con thì chưa biết gì”, “vẽ đường cho hươu chạy”… nên nhiều ông bà, cha mẹ xem nhẹ việc trang bị kiến thức về giới tính cho con trẻ, hay phó mặc cho nhà trường. Thế nên, rất nhiều trẻ em bị xâm hại mà không biết hậu quả, nếu có biết thì mơ hồ và lo sợ, không dám tâm sự với người thân. 

Theo các chuyên gia, trang bị cho trẻ những kiến thức về giới tính thông qua các câu chuyện kể và cùng trẻ trao đổi, bình luận, từ đó rút ra điều cần ứng xử phù hợp là việc làm cần thiết của bậc làm cha, làm mẹ và của các thầy, cô giáo... Trẻ từ 6 tuổi trở lên thì cần dạy nhận diện các hành vi xâm hại tình dục cũng như kỹ năng tự bảo vệ, ứng xử, kể cả khi bị chính những người trong gia đình xâm hại tình dục. Thông thường, trẻ em bị người thân ruột thịt xâm hại sẽ âm thầm chịu đựng nhiều hơn vì bị lệ thuộc, gánh hậu quả trực tiếp, sợ điều tiếng… Bởi vậy, chúng ta cần để ý quan sát một cách tinh tế biểu hiện lạ của con trẻ, không nên chủ quan. 

Phòng ngừa, đẩy lùi, hạn chế đến mức thấp nhất đối với hành vi bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em bao gồm nhiều biện pháp tổng thể của kinh tế, văn hóa, xã hội, trật tự an toàn xã hội… Nhưng, trước hết cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là chế tài hình phạt cho tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, kiến thức phòng chống và đấu tranh với hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Trong bối cảnh tội phạm diễn biến phức tạp, biện pháp phòng ngừa từ gia đình cũng không phải là thừa để bảo vệ sự an toàn cho trẻ. 

Đọc thêm