Nỗi lòng người còn sống sau vụ "hành quyết" 18 phu vàng

(PLO) -Vụ án đã khép lại khá lâu, nỗi đau đã nguôi ngoai, người gây tội cũng đã chịu xong sự trừng phạt của pháp luật. Nhắc lại ai cũng thở dài khi biết nguồn cơn sâu xa của vụ thảm sát kinh hoàng lại bắt nguồn từ chính sự khoản đãi của “mẹ thiên nhiên” núi rừng Quảng Nam: khai thác vàng.

Trong những cánh rừng này từng xảy ra vụ thảm sát chấn động dư luận 30 năm trước.
Trong những cánh rừng này từng xảy ra vụ thảm sát chấn động dư luận 30 năm trước.
Cách đây gần 30 năm, một vụ giết người hàng loạt trả thù tính chất dã man đã gây rúng động dư luận vùng núi rừng Quảng Nam.
Lóa mắt vì vàng
Theo trí nhớ của một số người, vụ án xảy ra vào một ngày chủ nhật tháng 10/1986. Như thường lệ, những ngày nghỉ giáo viên trẻ ALăng Nơ (dân tộc Cơ Tu, ngụ huyện Giằng, nay là huyện Nam Giang) lại cùng 4 người bạn trong bản đi lên khe Gấu tìm đãi vàng. Đến nơi, nhóm ALăng Nơ gặp nhóm khác đều là người vùng Đại Lộc. Vì chung mục đích, hai nhóm đã gộp lại cùng làm và ăn uống, nghỉ trưa ngay tại lều dựng tạm bên khe.
Sau giờ nghỉ trưa, mọi người lại bắt tay vào làm việc, ban đầu khá hòa thuận nhưng khi bắt đầu nhìn thấy vàng, nhân tính đã không còn nữa. Lòng tham nổi lên, nhóm người Đại Lộc đã dùng xà beng cùng với một số dụng cụ khác đuổi đánh nhóm của ALăng Nơ. Bốn người bạn dù bê bết máu nhưng vẫn kịp bơi qua bên thác trốn thoát, riêng ALăng Nơ đen đủi chậm chân, bị sát hại ngay tại chỗ.
Những người thoát chết tức tốc về báo cho ALăng Tría - cha đẻ của ALăng Nơ. Đau đớn, tức giận trước cái chết oan khuất của con trai mình, ALăng Tría đã quyết định trả thù. Ông huy động khoảng 20 người làng, mang theo giáo mác, súng AK, men suối lên khe Gấu. Chậm chân, không gặp những kẻ giết con trai mình, ông lão đã hành động một cách mù quáng. Gặp một nhóm khác gồm 19 người cũng từ Đại Lộc lên làm vàng, đang ngồi ăn cơm trong trại, cho rằng cứ là người Đại Lộc thì phải bắt để trả thù, ALăng Tría lệnh cho đoàn người giải cả 19 người đi. 
Sau hai ngày một đêm di chuyển, đoàn người đến khe Vinh và nơi đây xảy ra cuộc hành quyết đẫm máu. 18 người bị giết, duy chỉ có ông Nguyễn Văn Hòa (còn gọi là Sơn, quê ở Tiên Phước-Quảng Nam ) nhanh chân trốn thoát. Những người xấu số và vô tội, có lẽ đến lúc chết vẫn không thể hiểu vì sao mình lại phải nhận kết cục thảm khốc ấy. Nhận được tin từ ông Hòa, Công an tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng khi ấy đã nhanh chóng nhập cuộc điều tra, đưa sự việc ra ánh sáng.
Ký ức kinh hoàng
Được sự giúp đỡ của Trung tá Hà Thế Xuyên - Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nam Giang cùng đồng chí Đinh Oót, Phó trưởng Công an huyện Nam Giang, chúng tôi tìm về nhà ông Zơ Râm Bao (SN 1953) và ông Griêng BaiH (SN 1947) - 2 trong số 6 người còn sống sau ngày mãn hạn tù.
Ngồi trong ngôi nhà sàn cũ kỹ, hỏi về chuyện cũ, già Zơ Râm Bao ánh mắt xa xăm và chất chứa nỗi niềm. Già kể, ngày đó trên đây nhiều vàng lắm nên dân bản địa cũng như dân tứ xứ ùn ùn kéo nhau lên khai thác. “Chúng tôi cũng không hiểu chuyện gì đã xảy ra, nhưng lúc ấy thấy ALăng Tría đến từng nhà gõ cửa bảo là người dưới xuôi lên giết con ông ấy, phải trả thù. Thương bạn thì chúng tôi đi thôi” - ông lão ngậm ngùi nhớ lại.
Theo lời kể, sau khi bắt được nhóm 19 người, Alăng Tría phân công mỗi người  một việc. Người chặt dây mây bắt trói, người về bản lấy lửa cõng gạo lên nấu ăn. Cứ thế xuyên rừng đi đến khoảng 15h ngày 13/10/1986, cuộc tàn sát bắt đầu. “ALăng Tría ra lệnh bắn, thế là chúng tôi bắn, đám người kia chạy tán loạn vào rừng nhưng đều bị giết cả. Xong việc, tôi về đến bản thì trời đã nhá nhem tối. Sau này chúng tôi mới biết còn một người trong số đó sống sót” - già Zơ Râm Bao nhìn đôi bàn tay trót gây tội ác của mình, chợt run bần bật. 
Nhà già Griêng BaiH cách đó không xa. Trong mái sàn thấp lè tè, già mệt mỏi bên cạnh vợ và 2 đứa con trai, đứa lớn 14 tuổi, đứa út mới 6 tuổi. Được biết, già Griêng BaiH  là em rể của ALăng Tría.
Phóng viên đang trao đổi với Grieeng BaiH.
Phóng viên đang trao đổi với Grieeng BaiH. 
Nhớ lại chuyện kinh hoàng, già kể lúc ấy đồng cảm với anh rể cũng như bức xúc trước cái chết của cháu mình, già cùng ALăng Trong (cũng là em rể  ALăng Tría) vác dao, súng lên thẳng khe Vinh. Dù nhóm người đã bị bắt trói nhưng vì thương cháu, nghe anh rể, hai ông vẫn nã đạn khiến nhiều người gục xuống. Chỉ tay xuống sàn ngôi nhà đang ở, già tiếp lời: “Tôi về và bắt đầu dựng ngôi nhà này, chưa kịp hoàn thành thì tôi bị công an bắt; khoảng 2- 3 tháng gì đó sau vụ việc xảy ra”.
Tháng 7 năm 1987, phiên tòa được đưa ra xét xử công khai tại huyện Giằng (nay là Nam Giang). Những kẻ sát nhân cũng đã rơi vào vòng lao lý với mức án cao nhất 14 năm tù, kẻ thấp nhất 2 năm tù, thụ án tại Trại giam An Điềm – Quảng Nam.
Sau ngày mãn hạn, 4 trong 10 người đã lần lượt chết, 6 người còn lại gồm: ALăng Tría, Zơ Râm Bao, Griêng Bin, Griêng BaiH, Bhling Ơ, Cơring Hiêng cũng đã già yếu, bệnh tật. Riêng già Cơring Hiêng giờ đây đang tham gia vào công tác thôn, hoạt động hết sức tâm huyết như muốn phần nào chuộc lại lỗi lầm trong quá khứ. 
Trở về với bản làng, những người tù ấy giờ quây quần bên con cháu, gia đình. Như ông Zơ Râm Bao có 8 người con (5 gái, 3 trai) đều đã dựng vợ, gả chồng. Ngoài thời gian chăm cháu, ông hàng ngày vẫn vác cuốc lên rẫy trồng ngô, làm lúa kiếm ăn qua ngày.
Kết thúc “vụ án kép”, nhóm người Đại Lộc gây ra cái chết của Alăng Nơ và nhóm người gây ra cái chết của 18 phu vàng đều chịu sự trừng phạt của pháp luật, nặng hơn nữa là bản án lương tâm vẫn còn ám ảnh họ đến tận bây giờ.
Thời gian lặng lẽ trôi nhưng đâu đó trong sâu thẳm tâm hồn của những người gây nên tội ác khi xưa vẫn dậy lên sự ăn năn, nuối tiếc về sự manh động và thiếu kiến thức pháp luật. Giờ đây, ở cái tuổi xế chiều, khi mọi mưu toan trong cuộc sống dường như dừng lại, các già - những người từng gây tội ác tày trời - chỉ cầu mong sự tha thứ và quên lãng...

Đọc thêm