Nữ quái "thôi miên" vét sạch túi bà cụ giữa đường

(PLO) - Đoạn clip dài gần 3 phút ghi lại cảnh bà Trần Thị Chiện (79 tuổi, ngụ số nhà 20 kiệt 24 đường Lê Thánh Tôn, phường Thuận Hòa, TP. Huế) đang đi trên đường bị một phụ nữ lạ lục lấy tiền được đăng trên mạng xã hội Facebook ngày 24/3/2016. Cộng đồng mạng lập tức xôn xao cho rằng bà cụ bị thôi miên. Thực hư việc này ra sao?
Con hẻm nơi xảy ra vụ việc
Con hẻm nơi xảy ra vụ việc

Người đăng clip là anh Hoàng Quân (37 tuổi, ngụ đường Lê Thánh Tôn, TP. Huế), hàng xóm với bà Chiện. Anh Quân là chủ quán karaoke nên có lắp camera an ninh, trong đó có một camera ghi hình ảnh ở vị trí trước nhà. Đoạn clip được ghi lúc 6h38, cho thấy có người phụ nữ bịt kín mặt, đi xe máy Honda Wave màu xanh, BKS 75H1 – 6841. Sau một hồi trò chuyện ngắn, người phụ nữ trên lục soát khắp người bà Chiện, sờ lưng, vỗ vai, bắt tay… Qua camera, anh Quân phát hiện sự việc bất thường nên đăng lên mạng để cảnh báo.

“Thôi miên” lấy tiền?

Còn bà Chiện, sau sự việc bà bị ảnh hưởng tâm lý, ít ăn uống, con cháu phải động viên bà mới dần ổn định, nhưng vẫn e ngại việc đi bộ thể dục buổi sáng. 

Bà kể lại: “Sáng đó, tôi đi thể dục về thì gặp cô gái kia đứng giữa đường cạnh nhà. Cô ta hỏi: “Mệ đi mô về đó?”. Tôi trả lời: “Tui đi thể dục về”. Sau đó, cô ta mò vào người tôi, lấy tiền rồi táo tợn đếm và nói: “Răng tiền mệ ít ri?”. Tôi trả lời: “Tôi già rồi làm gì có tiền, cứ tiêu hết con lại cho”. 

Sau đó, tôi có nói: “Tôi là mẹ của Thuấn” thì cô gái kia giật mình: “Ai! Anh Thuấn ở cạnh đây à?”. Ngoài ra, cô ta còn lấy luôn hai bì cháo tôi mua về để ăn sáng. Còn những gì sau đó thì tôi không nhớ gì nữa”. 

Bình thường bà chỉ mang vài chục nghìn khi đi thể dục buổi sáng. Nhưng trước đó ba ngày là đám giỗ bố của bà nên còn tiền thừa trong túi chưa kịp cất. Thành ra bà bị mất khoảng một triệu đồng. “Tôi không hiểu sao lúc gặp cô gái đó, tôi lại ngây người ra như vậy. Không biết có phải là bị bỏ bùa hay “thôi miên” gì đó không”, bà nói.

Theo bà cụ, đến khi về tới nhà hơn 15 phút, bà lục lại trong túi áo của mình thấy không còn tiền mới hoảng hốt hỏi người cháu là anh Trần Thanh Huy (32 tuổi, gọi bà Chiện bằng dì). Anh Huy ban đầu tưởng dì đánh rơi trên đường đi bộ về. Nhưng khi dò hỏi lại, bà Chiện mới nhớ ra trước khi về tới nhà, bà có nói chuyện với một người phụ nữ ở trước quán Karaoke Quỳnh Hương, ngoài ra không nói chuyện với ai khác. 

Nghi ngờ có chuyện bất thường, cháu bà Chiện tới nhờ chủ quán mở lại camera an ninh và xem được hình ảnh dì mình bị lục soát lấy tiền. Quan sát kỹ, anh phát hiện người phụ nữ trên không quen biết với gia đình, chiếc xe cũng lạ.

Anh Huy phân tích: “Dì tôi đã có tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn. Có thể đối tượng kia đã theo dõi nên mới biết hôm đó dì có tiền. Thường dì đi thể dục cùng với bạn, đến lúc về cạnh nhà mới đi một mình. Cô này chọn thời điểm “ra tay” cũng rất hợp lý”. 

Anh Huy cũng cho rằng dì mình bị thôi miên. Theo anh, ban đầu, thấy sự việc đã xảy ra, số tiền bị mất không lớn nên gia đình không báo công an, chỉ đưa lên mạng xã hội để mọi người cảnh giác. Khi thấy nhiều người quan tâm đến đoạn clip, gia đình mới báo công an. 

Công an TP. Huế nhận tin lập tức vào cuộc điều tra. Căn cứ biển số xe máy và hình dáng bên ngoài của đối tượng (do camera ghi lại), công an nhanh chóng làm rõ người phụ nữ trong camera là Lê Thị Thu Thanh (39 tuổi, ngụ đường An Dương Vương). Thanh không có nghề nghiệp ổn định, hiện phụ bán quán cà phê. 

Theo CQĐT, Thanh có một tiền án về tội đánh bạc và một tiền sự về hành vi trộm cắp tài sản. Cuối năm 2015, Thanh đã thực hiện một vụ trộm tại phường Kim Long, TP Huế và bị công an xử phạt hành chính.  

Bà Chiện kể lại sự việc

Bà Chiện kể lại sự việc

Người thân từ mặt 

Nghi phạm hiện đang được tại ngoại do chồng mất, một mình nuôi con nhỏ. Hàng xóm cho hay, Thanh từ nhỏ đã hay ăn trộm vặt. Những người xung quanh cũng khổ lây vì điều này. Hàng xóm trên kể: “Vài năm trở lại đây, rất nhiều người nhầm nhà tôi là nhà của Thanh nên tới đòi nợ, thậm chí có người ở ngoài Bắc vào đây đòi. Có lần tôi đi khỏi, “xã hội đen” tới làm loạn nhà, khiến con tôi sợ sệt không dám ra đường. Ngày hôm sau, mấy người này lại tới mang theo cả sổ hộ khẩu của Thanh đến đòi, may tôi ở nhà nên mọi chuyện mới rõ ràng”.

Ông Trần Viết Hoàn, tổ trưởng tổ dân phố nơi Thanh sinh sống cho biết, ở địa phương đã có nhiều người phản ánh Thanh hay đi lừa đảo. Anh chị em của Thanh đều có công việc ổn định, sống vui vẻ với mọi người. Những người này trước hay giúp đỡ, thậm chí góp tiền xây nhà cho Thanh nhưng gần đây bất đồng ngày càng lớn nên hầu như anh chị đều “từ mặt”. Tuy vậy, nghi phạm lại rất thương con, chăm sóc cho con “không thiếu thứ gì”, dù khó khăn nhưng vẫn thuê người về dạy kèm cho con. Con trai Thanh được khen ngoan hiền, khôi ngô, nhiều năm liền đều là học sinh giỏi.

Nghi phạm phân trần

Khi PL&TĐ tìm đến, nghi phạm đang ở nhà. Người phụ nữ này ăn nói khá lưu loát song khi nói đến vụ trộm vừa xong lại khóc nấc. Tuy thừa nhận hành vi nhưng Thanh vẫn phân trần: “Hôm đó, tôi bị ốm nên sáng sớm đã đi mua thuốc để uống. Trên đường về, tôi dừng xe lại nghe điện thoại mới thấy bà lão đi bộ. Lúc đó, bà này đeo kính, đội nón nên tôi tưởng là bà Hà ở đường Cao Bá Quát, bạn mẹ chồng tôi. Tưởng người quen, tôi hỏi: “Mệ đi đâu về rứa?” thì bà nói đi thể dục rồi đi ăn sáng. Tôi tiếp tục: “Rứa đi ăn sáng về còn tiền không, cho cháu mượn một ít””. 

“Tôi chỉ lấy 350 ngàn đồng trong tổng số khoảng 470 đồng chứ không phải lấy gần cả triệu như bà Chiện khai. Sau khi có tiền, tôi lên xe bỏ đi. Vì đang túng thiếu nên tôi “mượn tạm” 350 nghìn đó, định ít hôm có lương, tôi nhờ mẹ chồng đem trả lại ngay cho bà ấy. Ai ngờ bà kia là bà Chiện chứ không phải bà Hà”. 

Bị chất vấn mượn tiền tại sao lại lục túi của bà Chiện, trời đã sáng, lại đứng gần sao nhầm người được, Thanh cúi đầu im lặng. Nghi phạm kể tiếp, tối hôm đó có người bạn nói cho Thanh biết trên Facebook đăng đoạn clip có BKS xe giống xe Thanh. Nghi phạm vì thế đã tháo biển số đó, lắp BKS giả để đi lại nhưng sau 5 ngày thì bị bắt. 

Thanh thanh minh: “Giờ tôi chưa có xe để đi lại. Mấy ngày qua, tôi không ăn nổi hạt cơm nào, chỉ uống nước, người kiệt sức. Tôi không hề biết “bùa ngải” hay “thôi miên” gì. Nhiều người nói tôi biết “thôi miên” cũng khiến tôi rất đau đầu. Tôi mà biết những thứ đó thì tôi vào tiệm vàng lấy vàng hoặc lấy nhiều tiền, chứ lấy 350 nghìn của bà già làm gì”.

Một điều tra viên cũng khẳng định, Thanh không có thuật “thôi miên” để trộm tài sản, mà chỉ là tiếp cận nạn nhân rồi trộm cắp.

Đọc thêm