Nữ sinh thành Huế bị anh họ giở trò...

(PLO) - Đột nhập vào nhà ông chú bằng đường thông gió, Võ Đình Đức đã giở trò đồi bại với cô em gái họ của mình.
 Nạn nhân im lặng dù bị xâm hại vì sợ mọi người đánh giá mình là “không đàng hoàng”
Nạn nhân im lặng dù bị xâm hại vì sợ mọi người đánh giá mình là “không đàng hoàng”
Vượt tường sang xem vô tuyên rồi giở trò đồi bài với em họ
Cô bé ngây thơ trong vụ án là em Võ Thị Quỳnh (14 tuổi, học sinh lớp 8), ngụ phường An Hòa, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Quỳnh và Võ Đình Đức (SN 1990) vốn là anh em con chú con bác ruột. Hai nhà gần nhau, chỉ cách một gian nhà của ông bà nội. Vốn bà con, nên buổi trưa, vợ chồng Đức vẫn thường bồng đứa con nhỏ chưa đầy một tuổi sang nhà người chú ruột xem phim.
Khoảng 13h30’ ngày 4/6/2014, lúc đó bố bé Quỳnh đi bán kem dạo chưa về, mẹ của em vừa ra khỏi nhà đi mua ve chai. Ở nhà một mình nên cô bé khóa kín cổng cửa rồi vào phòng ngủ trưa. 
Đang ngủ lơ mơ, cô bé bất chợt giật mình hoảng hốt khi thấy có người nằm bên cạnh sờ soạng cơ thể mình. Nhận ra anh trai con bác ruột, Quỳnh ngạc nhiên hỏi: “Anh vào nhà em làm chi rứa?”. Đức trả lời, “Anh vô xem vô tuyến”. Cô bé hỏi tiếp: “Em khóa hết cửa, răng anh vô được?”. Đức thật thà: “Anh leo lên gác nhà ông nội, rồi theo cửa thông gió trên gác nhà em để xuống”. 
Lại nói về vợ của Đức, khi thấy chồng trèo lên gác nhà ông nội, sau đó mất hút thì đâm nghi, liền chạy sang nhà ông chú của chồng để tìm người. Cửa ngoài đóng kín, khóa trái bên trong nên cô cứ đứng lì kêu cửa. Gọi mãi không thấy ai ra, cô liền bốc điện thoại gọi cho bé Quỳnh.
Đến lúc này, Quỳnh mới lò dò ra mở, quần áo xộc xệch, tóc tai rối bù. Trong lòng sinh nghi, vợ Đức bồn chồn ngồi xuống bàn ở phòng khách, mở vô tuyến xem. Sau đó cô vờ khát nước, nhờ bé Quỳnh đi rót giùm một ly. Lúc Quỳnh vừa quay lưng xuống bếp, vợ Đức liền lẻn ngay vào phòng bên cạnh để tìm chồng.
Căn phòng bừa bộn chiếu gối nhưng không bóng người. Khi cô định quay lưng bỏ đi thì bất giác phát hiện phía sau tấm nệm nơi góc tường động đậy, cô bước đến lật tấm nệm ra mới hay chồng mình đang ngồi thu lu ẩn náu. 
Nghi ngờ chồng sang “tòm tem” em họ, vợ Đức to tiếng chất vấn: “Hai người làm chi trong phòng mà khóa kín cửa bên ngoài?” và luôn miệng chì chiếc chồng. Cuộc tranh cãi của đôi vợ chồng trẻ mỗi lúc một lớn khiến nhiều người dân hiếu kỳ đến xem, vì vậy hành động xấu xa của Đức mới bị đem ra ánh sáng.
Về phần cô bé Quỳnh, thời điểm bị anh họ giở trò là giữa trưa. Cạnh nhà có quán nhỏ, lúc nào cũng đông người, chỉ cần em la lớn, sẽ có người đến can ngăn. Tuy nhiên, khi không chống cự được ông anh to khỏe, cô bé chỉ im thin thít mà không dám hé răng một lời.  
Theo cô bé giải thích sau này, em sợ nếu kêu cứu, hàng xóm biết chuyện sẽ đánh giá em là con gái không đàng hoàng, đứng đắn. Ngay cả khi vợ Đức vào nhà, cô bé dù đang hoang mang, nói chuyện “cà lăm lắp bắp” nhưng vẫn giấu chuyện ông anh họ đột nhập vào nhà mình giở trò. Cũng theo cô bé, cô sợ xấu hổ, đồng thời cũng sợ chị dâu nghĩ không đúng về mình.
Con cháu lỗi lầm, người lớn bất hòa
Căn nhà của cô bé Quỳnh khá rộng rãi. Giữa trưa nắng nhưng ngôi nhà có vẻ lạnh lẽo khác thường. Ông Võ Đức Cư (58 tuổi, bố của bé Quỳnh) dáng ủ rũ, ngồi thẫn thờ nơi góc nhà. Ông cho biết, mình có cả thảy 3 đứa con gái. Hai cô chị của Quỳnh đã lấy chồng. Quỳnh là con út. Cô bé học rất giỏi, lại năng nổ trong các hoạt động ngoại khóa của trường. Đưa tay chỉ ngôi nhà vừa mới xây, chưa kịp tô quét, bố cô bé chia sẻ, mình xây dựng ngôi nhà này, cốt yếu sau này để dành cho con gái út, coi như tạo lập sẵn một phần tương lai cuộc sống cho con, bởi “cha mẹ giàu, con út có. Cha mẹ khó, con út không”. 
“Cực khổ chi cũng được, miễn con cái sống khỏe mạnh, yên lành là được. Giờ xảy ra chuyện tày trời như ri, tui chỉ lo, con bé không biết phải xoay sở ra răng với cuộc sống sau này. Cả đời tui ăn ở hiền lành, mô có gây nên tội lỗi chi. Răng con phải chịu tai kiếp nặng nề như rứa”, ông nói.
Ông Cư tâm sự, vợ ông làm nghề mua ve chai, còn ông đi bán kem dạo. Cuộc sống gia đình chẳng khấm khá gì. Thời trẻ, do gia đình đông anh em, ông cũng nặng nợ gánh vác gia đình, phụ giúp cha mẹ nuôi các em, nên lấy vợ muộn. Bản thân ông trong một lần cắt cỏ, chăn trâu, vì dẫm phải mìn khiến một bàn chân phải cắt bỏ. Làng lên phố, đồng ruộng mất, thân tàn tật, không việc làm, nên ông sắm cho mình thùng kem, lê la bán dạo khắp phố. 
Thời nghèo khổ, ông phải đạp xe mỗi ngày hàng trăm cây số với đôi chân tật nguyền. Nay khá hơn, ông lên đời chiếc xe đạp bằng chiếc xe máy cà tàng. Có hôm, để bán được hàng, ông phải chạy xe ra tận các trường học ở tỉnh Quảng Trị để bán kem. Nghề thời vụ, nên trời nắng ông còn kiếm được tiền, đến khi trời mưa đành “treo giò”, cuộc sống gia đình trông chờ hết vào gánh ve chai của vợ.
Buổi chiều oan nghiệt đó, khi ông đi bán kem về, vẫn còn sớm, ông ghé quán trước nhà hút điếu thuốc. Tại đây, hàng xóm úp mở: “Anh Cư về nhà đi, bên nhà xảy ra chuyện lớn lắm”. Chột dạ, ông tức tốc chạy vào nhà. Tại đây, ông nghe vợ bằng giọng run run kể lại toàn bộ sự tình. 
Nhìn đứa con gái nhỏ ngồi thu lu nơi góc nhà, ông Cư chỉ biết ứa nước mắt, tâm can như có ai xé nát. Ông tức tốc chạy qua nhà anh trai mình. Thấy vợ chồng anh trai vẫn bình thản ngồi xem vô tuyến, ông tức tối hỏi: “Thằng Đức gây chuyện tày đình như rứa, mà vợ chồng bác vẫn ngồi yên rứa à?”. 
Anh của ông Cư trả lời: “Không ngồi yên thì làm chi. Hay là chú vào lôi thằng Đức ra bỏ tù nó đi”. Biết chú ruột sang nhà hỏi tội, Đức cố thủ trong phòng ngủ, chốt kín cửa, nên ông Cư đành “bó tay” trở về nhà. Sau đó ông lên công an phường báo cáo sự việc.
Ông Cư và con gái
Ông Cư và con gái  

Chỉ lên phía nóc nhà, ông Cư cho hay, mấy hôm do trời nóng, cửa thông gió phía trên được ông mở ra cho mát. Giọng đầy hối  hận, ông nói nếu mình không mở cửa thông gió, thì con gái đã không gặp nạn. Ông còn nói thêm, bố ông, tức ông nội của Đức và Quỳnh, cũng tỏ ra vô cùng giận dữ vì hành động của Đức. Ông nội Đức luôn miệng bảo: “Phải cho Đức đi tù, may ra nó mới “thành người” được.
Đã quá trưa, nhưng cha con ông Cư, mỗi người một góc, bếp nhà lạnh tanh, chẳng ai thiết ăn uống gì. “Từ ngày con bé gặp chuyện, tui chưa ăn được một bữa cho ra hồn. Tâm can rối bời như ri, mô có thiết ăn uống chi. Bụng thì đói cồn cào, nhưng nhai thức ăn cứ như nhai rơm nhai rác, không cách chi nuốt được”. Chỉ tay về phía con gái, người cha tiếp lời: “Nó thường ngày năng động lắm, vậy mà từ hôm gặp chuyện đến chừ, lúc mô cũng ủ rũ như rứa đó, nhìn con mà ứa nước mắt”.
Theo thông tin từ người dân địa phương cung cấp, Đức thuộc diện có “số má” trong vùng. Vợ Đức làm nghề uốn tóc, sau khi về làm vợ Đức, chị này bỏ luôn nghề vì bận sinh nở, rồi chăm con mọn. Đức không nghề nghiệp nhưng xuôi Nam, ngược Bắc đều đủ cả. 
Vốn mê đá gà nên ngoài việc mỗi ngày ôm gà đi đá, Đức còn nuôi gà để cung cấp cho các chủ hàng từ Nam ra Bắc. Sau khi biết người chú đi báo công an, Đức liền bỏ trốn khỏi nhà ngay đêm ấy rồi đầu thú sau một ngày lẩn trốn.
Người lớn gây tội rồi sẽ phải trả giá cho hành vi tội lỗi của mình, chỉ thương cho những đứa trẻ. Rồi đây, Đức phải đối mặt với nhà tù sâu hun hút. Còn người vợ và đứa con bé nhỏ phải gánh hết những đắng cay, tủi nhục vì có một người chồng, người cha lỗi lầm. Nạn nhân lớn lên sẽ đối mặt ra sao với những ám ảnh của tuổi thơ? /.

Đọc thêm