Nước mắt người mẹ sau phiên tòa xét xử con trai

(PLO) - Mới đây, Tòa án Quân sự khu vực 2 (Quân chủng Hải quân) đã đưa ra xét xử công khai sơ thẩm hình sự vụ án Nguyễn Trọng Cường và 5 đồng phạm khác phạm tội “Cố ý gây thương tích”.
Các bị cáo trước vành móng ngựa.
Các bị cáo trước vành móng ngựa.
Khoảng 20h ngày 09/7/2014, Nguyễn Trọng Cường (phường Mỹ Đông, TP Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận), Nguyễn Hữu Thành, Cao Minh Tiến, Nguyễn Anh Hùng, Lê Xuân Phúc và Nguyễn Tứ Pháp (đều trú ở phường Cam Phúc Bắc, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) đã  vô  cớ  dùng  chân,  tay,  gậy gỗ, chậu  hoa  bằng  xi măng đánh anh Nguyễn Văn Quang. 
Hậu quả làm anh Quang bị thương tỷ lệ thương tích là 36%. Các bị cáo bị VKS truy tố về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật Hình sự.
Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.., HĐXX đã đưa ra mức án nghiêm khắc. Theo đó, các bị cáo phải nhận mức án từ 5 - 7 năm tù. 
Kết thúc phiên tòa, khi mọi người đã ra về hết, hội trường vắng lặng, chỉ còn lại một người phụ nữ gầy guộc, tiều tụy, mái tóc đã bạc hai phần, đang gục xuống bàn, đôi vai rung lên khóc tức tưởi. 
Bước đến gần, tôi nhận ra đó là mẹ bị cáo Nguyễn Hữu Thành - người nhận mức án cao thứ hai trong vụ án: 6 năm tù, tổng hợp với hình phạt 9 năm 06 tháng tù bị cáo đang phải chấp hành, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 15 năm 06 tháng tù.
“Mọi người về hết rồi, sao bà chưa về?” – tôi hỏi. Bà ngẩng đầu, nước mắt giàn giụa: “Tôi biết về đâu bây giờ, không lẽ vào nhà tù ở với nó để tôi chết nó còn có cơ hội nhìn tôi lần cuối?”. 
Tôi chưa kịp nói gì thêm thì bà khóc nấc lên và nói trong nước mắt: “Tôi sinh được 2 đứa con, đứa chị chịu thương chịu khó bao nhiêu thì thằng em lại lười biếng, lêu lổng bấy nhiêu, ra tù vào tội nhiều lần mà không biết thương lấy tuổi trẻ của nó. 
Bố nó đã mất, chị nó đi lấy chồng, một mình tôi đi làm bữa có, bữa không. Nó không những không thương tôi mà cũng chẳng biết thương cho nó. Bỏ học từ năm học lớp 7, kết thân với các đối tượng xấu, gây bao tai tiếng ở địa phương. Tôi không dạy nổi nó, tôi có lỗi với cha nó...”.
“Con chị vi phạm pháp luật phải chịu hình phạt, chị thăm nuôi thì động viên nó tích cực cải tạo để được giảm án, sớm làm lại cuộc đời”. Khi nghe tôi nói vậy, người phụ nữ  cố trấn tĩnh, cảm ơn tôi rồi lững thững theo người nhà ra về.
Thụ án trong trại cải tạo, không biết có khi nào các bị cáo biết đến giọt nước mắt đắng cay của người mẹ để nỗ lực cải tạo, sớm được quay về với gia đình, với cộng đồng...?

Đọc thêm