Oan án 187 hộp sữa

(PLO) - Bà bị sáu năm ngồi tù oan với tội danh tham ô. Gia đình tan nát. Chồng lấy vợ mới. Con cái bơ vơ, đứa chết, đứa ốm đau dặt dẹo. Uất ức, ngay khi ra khỏi trại giam, bà ôm đơn đi khắp nơi thưa kiện. Đường dài công lý lắm chông gai, nhưng bà luôn tin tưởng, công lý sẽ được thực thi.
 Tài sản bán hết theo đuổi vụ kiện, bà Hoan cuối đời sống trong túp lều bên hè phố
Tài sản bán hết theo đuổi vụ kiện, bà Hoan cuối đời sống trong túp lều bên hè phố
Tai họa ập xuống vì làm việc ngay thẳng 
Bà tên đầy đủ là Hoàng Thị Hoan, sinh năm 1940, người Nghệ An. Xinh đẹp, giỏi giang, bà sớm lập gia đình với người bạn học chung ở trường tài chính kế toán của Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn). 
Ngày đó, ngay khi ra trường, bà may mắn được nhận về làm kế toán ở Viện điều tra lâm nghiệp của Bộ Lâm nghiệp tại Hà Nội. Tháng 11/1975, sau ngày đất nước thống nhất, bà Hoan được điều tăng cường vào công tác ở Ban kinh tế mới của tỉnh Bình Trị Thiên – trên chính quê hương của chồng. 
Thời ấy, Ban kinh tế mới có trách nhiệm cấp phát tiền bạc, lương thực cho những người đi xây dựng vùng kinh tế mới. Quen cách làm việc với sổ sách đàng hoàng ở miền Bắc, bà tá hỏa khi thấy công việc ở đây “luộm thuộm”, không theo sổ sách, chứng từ. Thấy công việc không ổn, bà chần chừ mãi, gần nửa năm sau mới dám nhận công tác.
Vốn tính ngay thẳng, bà thường xuyên phê phán những hành động chướng tai gai mắt ở cơ quan như kê khống giá cả hàng hóa, bớt xén tiền bạc. Mới công tác ở cơ quan mới chỉ vài tháng, nhưng người ghét bà không ít. Cũng vì sự ngay thẳng của mình, mà tai họa đã ập xuống đời bà. Bà bị cáo buộc tham ô tài sản của cơ quan. 
Lúc ấy, bà đang mang thai đứa con út. Trong những tháng ngày bị tạm giam, bà đã đấu tranh rất nhiều, nhưng tất cả đều vô vọng. Cuối cùng, bà chọn cách ký vào biên bản nhận tội để về nhà sinh con. Bà nghĩ, sinh con xong, sẽ có cơ hội làm sáng tỏ mọi việc ở tòa.
Con gái chết vì mẹ đi tù oan
Năm 1978, phiên tòa sơ thẩm mở, kết luận bà Hoan tham ô 3 chứng từ tương đương 25 tấn gạo thời ấy và 187 hộp sữa. Bà lĩnh án 6 năm tù giam. Ngày đi tù, đứa con nhỏ nhất của bà chưa đầy hai tuổi. 
Những ngày trong tù đối với bà Hoan là những ngày đẫm nước mắt. Nghĩ đến 5 đứa con nheo nhóc vắng mẹ, lòng bà lại tan nát. Thời bao cấp, bà lâm cảnh tù tội nên tem phiếu đều bị cắt. Một mình chồng bà phải nuôi năm đứa con, lay lắt bữa đói bữa no qua ngày. 
Bà Hoan thuật lại những hậu quả cay đắng vì nỗi oan khiên ập xuống đời mình
  Bà Hoan thuật lại những hậu quả cay đắng vì nỗi oan khiên ập xuống đời mình
Con gái lớn của bà, phải phụ cha gồng gánh nuôi em. Cũng vì quần quật dãi nắng dầm mưa làm lụng đến kiệt sức rồi lâm bệnh mà chết. Ngày con mất, bà đang thụ án trong trại giam, không thể về thắp cho con gái được một nén nhang. 
Kể về giây phút hay tin con mất, hơn 30 năm đã qua, bà lão vẫn khóc. Dù đã mấy chục năm trôi qua, nhưng hình ảnh hôm ấy vẫn hiện trước mắt bà rõ mồn một. Đó là một ngày nắng rất to, bốn đứa con bà thất thểu đi bộ hàng chục km lên trại giam thăm mẹ. Từ đằng xa, bà bàng hoàng khi thấy các con đều mang khăn tang trắng xóa trên đầu. Bà hỏi: “Rứa mệ ngoại hay mệ nội chết mà mang khăn tang?”, các con cho hay, chị gái lớn của chúng đã chết vì kiệt sức. 
Thương mẹ, đến lúc hấp hối, đứa con xấu số của bà dặn các em không được cho mẹ hay, để mẹ yên tâm cải tạo. Hôm đó là 100 ngày của chị mất, nên các em không thể giấu mẹ. Nghe các con vừa khóc vừa kể, bà đau đớn đến ngất xỉu.
Nỗi đau mất con chưa kịp nguôi ngoai, một ngày, chồng bà vào trại giam, tỉ tê: “Hoan ơi, em tham ô chi mà nhiều rứa? Chừ tiền mô hết? Em gửi cho ai hay cất giấu chỗ mô thì chỉ, để anh về lấy nuôi con. Chứ ở nhà bây giờ đói lắm. Tài sản bị tịch thu hết rồi”. Đau đớn, ê chề vì đến cả chồng cũng không tin mình vô tội, bà khóc với chồng: 
“Anh mà còn nghĩ rứa thì từ nay đừng vô thăm em nữa. Em bị oan. Người ta vu cho em đó”. Sau hôm ấy, chồng bà không vào trại thăm vợ thêm một lần nào nữa. Một thời gian sau, ông đưa đơn ra tòa ly hôn rồi cưới vợ mới. Bốn đứa con của bà từ đó bơ vơ, rau cháo nuôi nhau chờ mẹ mãn hạn tù.
“Kỷ lục” gửi hàng ngàn lá đơn kêu cứu
Bà kể, đứa con gái đầu qua đời, đứa con gái thứ hai của bà lúc ấy mới tròn 15 tuổi phải thay chị và mẹ nuôi các em. Hằng tháng, cô gái lại lủi thủi đi bộ hàng chục km lên trại giam thăm mẹ. Có lẽ, thấy con gái bà hiếu thảo, lại chịu thương chịu khó, sau khi bà ra tù người quản giáo trại giam năm xưa đã mang cau trầu đến hỏi cưới con gái bà. 
Lúc ấy, con rể bà đang là công an, lại đi lấy con gái của tù nhân là không được. Nên con rể bà đành xin ra khỏi ngành, trở về đời thường làm nghề chạy xe ôm kiếm sống.
Năm 1985, bà Hoan ra tù. Với đôi bàn tay trắng cùng đàn con nheo nhóc, không nghề nghiệp, bà ngày ngày cùng các con đi nhặt ve chai, vớt bèo, rồi rong ruổi bán vé số khắp thành phố, kiếm từng đồng sống lay lắt qua bữa. 
Nhiều lúc nản chí, bà đã nghĩ đến cái chết. Nhưng nếu chết, các con bà lại một lần nữa bơ vơ. Và nỗi oan khiên của đời mình, ai sẽ thay bà gột rửa? Bà bắt đầu viết lá đơn kêu oan đầu tiên, mở đầu hành trình gần 30 năm ròng rã đi tìm công lý.
Những ngày ấy, dù mẹ con chỉ rau cháo cầm hơi, nhưng bà luôn dành dụm tiền để mua từng cây bút, từng tờ giấy để viết đơn kêu oan. Hàng ngàn lá đơn được gửi đi không được hồi âm. Nếu có, người ta cũng cho rằng không có căn cứ để giải quyết đơn kêu oan của bà. Không nản chí, người phụ nữ ấy cứ dai dẳng, tiếp tục cuộc hành trình gõ cửa khắp các cơ quan công quyền. Cuối cùng, chân lý cũng dần hé lộ.
Vào năm 1991, nhận thấy đơn kêu oan của bà có căn cứ để xem xét lại, TAND tối cao đã hủy bản án của 2 cấp tòa trước đây, yêu cầu điều tra lại. Kết quả cho thấy, chữ ký lẫn chữ viết trong ba hóa đơn chứng từ buộc tội bà đều là giả mạo, không phải là chữ của bà. 
Về phần 187 hộp sữa, cơ quan chức năng bắt bà chịu trách nhiệm vì đã làm thất thoát. Tại phiên tòa phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng năm 1995 đã tuyên phạt bà 6 tháng tù vì làm thất thoát 187 hộp sữa. Với bản án mới này, bà đã thi hành án thừa đến 5 năm rưỡi. Với bà, dù bản án này chưa thực sự làm bà thỏa lòng, nhưng cũng khiến lòng bà ấm lại. Bà ra mộ con gái ngồi khóc nguyên ngày. Rồi bà bắt xe về quê ngoại giải oan, giải nỗi tủi nhục bao năm bị xem là kẻ cắp. Sau đó, bà tiếp tục cuộc hành trình đi tìm công lý. 
Nỗi oan khiên dần dần được rũ bỏ
Thắng lợi tiếp tục đến với bà vào năm 1989, khi Công an tỉnh Bình Trị Thiên (nay là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế) sau khi kiểm tra biên bản kê biên, đã trả lại bà 9 chiếc áo măng tô. Đến năm 1992, tòa án tỉnh Thừa Thiên Huế đã trả lại bà 4,2 chỉ vàng dưới sự chỉ đạo của tòa án tối cao. Năm 1994, bà được trả lại 3 ngàn tiền thừa trong tổng số tiền đã bị tịch thu năm ấy. 
Năm 1996, bà được trả lại 44 triệu đồng, tương đương 12 tấn gạo, đây là số tiền tòa án tuyên trả lại vì trước đây cơ quan thi hành án đã xử lý quá mức. “Nếu lấy gạo làm chuẩn, thì hồi ấy đã thu giữ của tôi 25 tấn gạo. Giờ chỉ trả 12 tấn là không thỏa đáng. Chưa kể 2 ngàn ngày đi tù oan của tôi, vẫn chưa được các cơ quan có thẩm quyền bồi thường”, bà Hoan cho biết.
Năm 1997, bà chính thức nhận được sổ hưu trí. Thêm một lần nữa, sự đấu tranh không mệt mỏi của bà đã cho trái ngọt. Những oan khiên, đau khổ của đời bà đã dần được bù đắp. 
Bà bảo, dù chẳng được bao nhiêu, nhưng ý nghĩa lẽ phải, chân lý đang dần dần trở về với bà. Tuy nhiên, qua từng thời kỳ, từng giai đoạn, khi ánh sáng công lý soi chiếu xuống cuộc đời tăm tối đầy cay đắng tủi nhục của bà, thì bà đã mất tất cả. Không chỉ hạnh phúc riêng tư, sự nghiệp của bà bị đánh cắp, mà các con bà đứa phải chết, đứa sống cũng lay lắt vì vụ án của mẹ.
Đã quá tuổi 70 mươi, nhưng bà Hoan vẫn chưa chịu dừng cuộc hành trình đi tìm công lý. Đưa tay chỉ thùng giấy được đóng gói cẩn thận kê nơi góc nhà, bà bảo sắp tới bà phải đi xa. Bao giờ giải oan cho được 187 hộp sữa bà bị cáo buộc tham ô ngày ấy, bà mới yên tâm nhắm mắt. Hơn 30 năm “đơn thương độc mã”, kiên quyết đi tìm lẽ phải, bà Hoan luôn tâm niệm một đều, chắc chắn công lý sẽ được thực thi./.

Đọc thêm