Pháp luật xưa bảo vệ trẻ em gái như thế nào?

(PLO) -Tội ấu dâm thời nào cũng có, và mỗi một thể chế chính trị có biện pháp răn đe, xử lý, phạt tội cụ thể khác nhau. Điểm chung có thể thấy, thời nào cũng đều xem đây là một trọng tội xấu xa cần phải loại trừ, cũng như bảo vệ trẻ em khỏi những nguy cơ bị xâm hại. Điểm trong sử nước ta, việc xử lý tội ấu dâm được thể hiện rõ qua luật lệ của các triều đại. 
Xử chém trên pháp trường
Xử chém trên pháp trường

Với những sử liệu có trong tay, chúng tôi tìm được một số vụ liên quan đến những vụ hiếp dâm, cưỡng bức, nhưng rất tiếc lại chưa tìm được một vụ việc cụ thể nào liên quan đến tội ấu dâm. Ấy nhưng khi tìm trong các bộ luật, cùng những điển chế, văn bản của vua thời Hậu Lê, thời Nguyễn, chúng ta có thể nhìn nhận được đôi nét về loại tội này cũng biện pháp xử lý của các triều đại đó. 

Một thực tế cần phải nói rõ rằng đa phần luật lệ được thể chế hóa thành văn bản chính từ việc đúc rút nơi thực tiễn mà ra, để từ đó nhà làm luật cân nhắc, định lượng mà làm thành luật thành văn, nhằm phòng chống, răn đe, xử phạt từng loại tội cụ thể. Thế nên, qua những bộ luật xưa còn lưu giữ được, ta có thể đúc rút được điều gì từ tiền nhân chăng. 

Bảo vệ trẻ em gái dưới 12 tuổi trước nạn ấu dâm

Xuyên suốt thời Hậu Lê (1428-1789) đến thời Nguyễn (1802-1945), mặc dù bộ luật Quốc triều hình luật (hay Lê triều hình luật, luật Hồng Đức) ra đời thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) cho đến bộ Hoàng Việt luật lệ (còn gọi là luật Gia Long) ra đời thời vua đầu triều Nguyễn Gia Long (1802-1820), hai bộ luật của hai triều đại có nhiều nội dung khác nhau, nhưng ta lại thấy có điểm chung trong vấn đề thực hiện bảo vệ trẻ em trước nạn xâm hại tình dục (mà ngày nay gọi là nạn ấu dâm).

Đó là cả Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ đều bảo vệ trẻ em gái dưới 12 tuổi trước tội phạm ấu dâm. Ta chú ý ở đây, là đối với trẻ em gái, một đối tượng rất cụ thể về giới tính và độ tuổi. 

Xem trong Điều 4 nơi Chương Thông gian của Quốc triều hình luật, ta thấy nhà làm luật ghi rõ: “Gian dâm với con gái nhỏ từ 12 tuổi trở xuống, dù người con gái thuận tình, cũng xử như tội hiếp dâm”.

Bản Lê triều hình luật (tức Quốc triều hình luật)
Bản Lê triều hình luật (tức Quốc triều hình luật)

Luật pháp thời Lê chỉ rõ rằng, dù trẻ em gái dưới 12 tuổi có thuận tình mà nghe theo sự dụ dỗ của kẻ phạm tội, thì kẻ phạm tội vẫn bị khép vào tội gian dâm và xử với mức án của tội hiếp dâm, tức là sẽ bị xử tội thấp nhất ở mức “tội lưu” (lưu đày đi nơi xa) cho đến mức án cao nhất là xử “tội chết” (Theo Điều 3 của Chương Thông gian). 

Thời vua Lê Thánh Tông trị vì, nhà vua còn ban hành cụ thể lệnh, lệ có liên quan đến việc xử tội ấu dâm. Điều này có thể tìm thấy trong Hồng Đức thiện chính thư  (Những chính sách tốt đời Hồng Đức) được đời sau ghi lại.

Theo đó ngày 20 tháng 4 năm Bính Thân (1476), trong khi ban hành các lệnh, lệ liên quan đến các vấn đề về quy định mức xử phạt một số loại tội, vua Lê Thánh Tông đã đề cập đến việc xử tội ấu dâm:  “… thông dâm với trẻ nhỏ từ 12 tuổi trở xuống thì tuy là thuận tình nhưng vẫn xử theo tội cưỡng dâm, tội thông dâm và tội dụ dỗ người khác thông dâm, nam nữ cùng tội như nhau”. 

Không rõ khi làm luật về xử tội xâm phạm trẻ nhỏ, các nhà làm luật Gia Long như Vũ Trinh, Nguyễn Văn Thành… có tham chước Bộ luật Hồng Đức hay không, nhưng ta thấy rõ là dù cách nhau 4 thế kỷ, hai bộ luật này đều có điểm chung ở việc bảo vệ trẻ em gái dưới 12 tuổi trước nạn ấu dâm.

Xem nơi Hoàng Việt luật lệ, ở Chương Phạm gian, ngay Điều 1: Phạm gian, ta đã thấy sự tương đồng này: “Thông gian với con gái dưới 12 tuổi, tuy thuận tình cũng luận tội cưỡng gian”. Vẫn ở Điều 1 này còn có đoạn ghi rất rõ, rằng: “Con gái dưới 12 tuổi, chuyện tình chưa nảy nở, vốn không có lòng dâm, lại dễ bị lừa dối dọa nạt. Cho nên tuy hòa gian nhưng cũng luận tội cưỡng gian”. 

Hòa gian cũng xử thành cưỡng gian

Xem ghi chép ở Điều 1 trên thì Hoàng Việt luật lệ đã nhận định rất sát thực tế khi ấy trong việc bảo vệ trẻ em gái khi cho rằng đối với trẻ em gái dưới 12 tuổi, chưa đến tuổi dậy thì, tạm hiểu là chưa thực hiện được chức năng có thai, làm mẹ, nên “không có lòng dâm”, và “chuyện tình chưa nảy nở”, thêm vào đó là hiểu biết về tình dục chưa đầy đủ hoặc chưa biết, cũng như chưa phát triển đủ về thế chất, lại thêm có thể bị kẻ xâm hại dụ dỗ, “lừa dối”, thậm chí là cưỡng ép, dọa nạt nên sợ mà làm theo.

Bởi vậy, dù có thuận tình chăng nữa, thì cũng coi như bị cưỡng bức, tức là tuy hai bên “hòa gian” (trai gái tự nguyện cùng nhau quan hệ, nhưng con gái dưới 12 tuổi bị dụ dỗ mà đồng tình) thì vẫn xem là bị “cưỡng gian”. 

Hoàng Việt luật lệ
Hoàng Việt luật lệ

Dù tương đồng với nhau trong việc bảo vệ con gái dưới 12 tuổi trước tội phạm ấu dâm, nhưng có thể khẳng định, Hoàng Việt luật lệ có phần kỹ lưỡng, tiến bộ hơn Quốc triều hình luật trong vấn đề này khi quy định rõ ràng, chi tiết hơn, kèm theo cả việc giải thích lý do như trên đã đề cập.

Vẫn trong Điều 1, Chương Phạm gian có phần “Điều lệ”, Hoàng Việt luật lệ chép tiếp: “Cưỡng gian con gái dưới 12 tuổi đến chết, dụ dỗ con gái chưa đến 10 tuổi đưa đi cưỡng bức làm chuyện dâm ô, chiếu theo luật xử bọn côn đồ trộm cướp, xử trảm. Cưỡng gian trẻ em 12 tuổi trở xuống, 10 tuổi trở lên, nghị xử trảm giam hậu. Còn như trường hợp hòa gian thì cũng chiếu theo luật “tuy thuận tình nhưng cũng xem cưỡng gian”, nghị xử giam hậu. 

Ở đây, luật Gia Long nêu rõ, việc cưỡng gian trẻ em gái đến chết, dĩ nhiên sẽ thọ hình tội mức cao nhất, tức là bị xử chém. Còn dụ dỗ trẻ em gái chưa đến 10 tuổi bằng sức mạnh “cưỡng bức”, thì xét như tội trộm cướp, cũng xử chém. Phần này cũng xác định rõ dù cho trẻ em gái có thuận tình theo, tức là bị dụ dỗ mà làm theo, sẽ là trường hợp hòa gian, có đồng thuận vì không hiểu biết, nhưng vẫn xử kẻ phạm tội ấu dâm mức cưỡng gian. 

Một điều đáng chú ý ở cả Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ là hai điều luật này khi bảo vệ trẻ em trước nạn ấu dâm, lại chú ý rõ ở trẻ em gái, quy định rõ độ tuổi dưới 12 tuổi, xem là độ tuổi chưa chủ động bảo vệ được mình trước tội phạm ấu dâm.

Xử án thời xưa
Xử án thời xưa

Vậy hai điều luật này có phân biệt, đối xử với trẻ em trai chưa thành niên không? Câu hỏi này, cần được nghiên cứu, tìm hiểu thêm để có lời giải đáp. Nhưng rõ là ở hai điều luật đặt nặng vấn đề bảo vệ trẻ em gái hơn. Người viết chỉ đưa ra một phán đoán bước đầu rằng, có thể ở thời Hậu Lê trở về sau, chưa xem nạn xâm hại tình dục trẻ em nam là vấn nạn, hoặc giả thử trong thực tế chưa có hoặc chưa phổ biến chăng? 

Đọc thêm