“Quan huyện” bán 255 ha rừng giá rẻ như củi đun vẫn “kêu oan”

(PLO) - Sau một thời gian dài củng cố hồ sơ, thu thấp chứng cứ, TAND huyện Gio Linh đã mở phiên xử bị cáo Nguyễn Văn Thành (SN 1972, ngụ Gio Linh, Quảng Trị) về tội “vi phạm quy định về quản lý rừng”.
Bị cáo Thành trước vành móng ngựa
Bị cáo Thành trước vành móng ngựa
Bán rừng giá rẻ lấy tiền tỉ gửi ngân hàng
Vào năm 2011, Ban quản lý dự án 661 Nam Bến Hải tổ chức làm thủ tục khai thác hơn 255 ha rừng trồng thuộc chương trình 327 và 661 đã chuyển đổi sang rừng sản xuất tại xã Linh Thượng theo kế hoạch khai thác rừng được UBND huyện phê duyệt.
Bị cáo Thành khi đó là Giám đốc Ban quản lý dự án kiêm trưởng phòng nông nghiệp huyện, nắm rõ quy định của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn rằng việc khai thác rừng loại trên phải thông qua hình thức đấu giá công khai. Tuy nhiên tại cuộc họp đầu tháng 11/2011 của UBND huyện, Thành “tư vấn đểu”, cho rằng phải bàn giao đất lại cho địa phương quản lý và đề nghị chỉ định đơn vị khai thác.
Cuối năm 2011, Thành trình Phó Chủ tịch UBND huyện ký các Quyết định chỉ định cho Công ty TNHH Thành Tín, Công ty TNHH Lương Quang và Công ty TNHH Minh Ký khai thác rừng trồng với tổng diện tích chỉ định là hơn 255 ha, tổng sản lượng gỗ chỉ định khai thác thác là hơn 5.400m3, tổng giá trị cây đứng khai thác là hơn 1,1 tỉ đồng.
Vài ngày sau Thành liên tiếp ký hợp đồng với ba đơn vị trên để bán số rừng. Như vậy, mỗi một ha rừng 10 năm tuổi chỉ được bán với giá hơn 2,3 triệu đồng/ ha. Trong khi đó, chiều 19/12/2011, khi nghe thông tin bán số rừng, một doanh nghiệp khác đã có tờ trình gửi UBND huyện Gio Linh và Ban Quản lý dự án về việc muốn mua lại với giá 4 tỷ đồng (gấp 4 lần giá “thầu đểu”). Khi nhận được tờ trình này, Thành không xử lý, không có động thái báo cáo hay trình lãnh đạo. 
Không những thế, cùng ngày, Thành trực tiếp thu tiền mặt của 3 doanh nghiệp trên với tổng số tiền là 1,145 tỉ đồng (trong đó gồm 1,125 tỉ giá khai thác rừng theo các Quyết định chỉ định khai thác và thu thêm 20 triệu tiền ký quỹ phòng chống cháy rừng). Số tiền thu được, Thành không nhập quỹ, không nộp vào tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định mà đưa đi gửi tiết kiệm.
Để hợp thức hóa số chứng từ trên, đầu năm 2012, Thành tham mưu và trình Phó Chủ tịch huyện ký lại 3 quyết định nói trên nhưng lại lấy cùng số hiệu, ngày tháng năm như quyết định mà ông Trình đã ký trước đó, tất nhiên nội dung có sự thay đổi. Cụ thể, diện tích chỉ định khai thác của 3 doanh nghiệp trên bị giảm xuống để bù vào đó là của một doanh nghiệp thứ tư với diện tích gần 43 ha. 
Chưa dừng lại, ngày 12/1/2012, Thành đã tự ý ký biên bản bàn giao đất cho 4 doanh nghiệp để bảo vệ và khai thác. Một ngày sau, Thành ký hợp đồng kinh tế với giám đốc DNTN Quang Vinh để bán gần 43ha đất rừng chỉ định với giá gần 77 triệu đồng. Khi thu được số tiền này, Thành không đưa nộp vào công quỹ mà lại dùng vào việc trả lại cho 3 công ty trước vì đã giảm số tiền chỉ định khai thác theo hợp đồng đã ký trước đó.
Bị cáo “cãi cùn”
Vụ việc sẽ trót lọt nếu như không xảy ra sự việc vào tháng 3/2012 khi các doanh nghiệp kể trên (trừ DNTN Quang Vinh chưa khai thác) tổ chức khai thác rừng thì bị Trạm kiểm lâm cầu Treo (thuộc Hạt kiểm lâm huyện Gio Linh) kiểm tra phát hiện và đình chỉ khai thác vì không có giấy phép khai thác theo đúng quy định.
Lúc này, Thành yêu cầu các doanh nghiệp đến BQL dự án để thu hồi lại các biên bản giao rừng đã ký trước đó và ký lại các biên bản giao rừng trong đó sửa lại nội dung "Các công ty phải có trách nhiệm bảo vệ và khai thác theo hồ sơ thiết kế đã được thẩm định, khi có giấy phép khai thác của Sở", để nhằm trốn tránh trách nhiệm.
Đúng chiều 28/1/2013, sau khi mọi chuyện bị phát giác, công an bắt giữ Thành để điều tra. Thành khai nhận biết rõ quy định của Nhà nước về khai thác rừng này bắt buộc phải có giấy phép khai thác của Sở nhưng “chủ quan cho rằng rừng dự án 327 của Ban dân tộc tỉnh tại địa bàn Gio Linh đã khai thác trước đây cũng chỉ định đơn vị khai thác và không có giấy phép khai thác, nên không làm thủ tục đề nghị cấp phép khai thác mà vẫn giao rừng cho các doanh nghiệp để tổ chức khai thác rừng”.
Bởi “lý luận” đấy mà trước tòa, Thành một mực cho rằng: “Tôi không đồng tình với quyết định truy tố của VKSND, bởi không có văn bản nào quy định bàn giao rừng không có giấy phép là phạm tội. Hơn nữa, tôi không có chức vụ, quyền hạn để giao rừng và cho phép khai thác rừng mà chỉ thực hiện theo quyết định của UBND huyện. Chủ thể tội phạm này không phải là tôi mà thuộc về người khác”.
Mặc dù Thành tự bào chữa cho hành động của mình là “chủ quan”. Nhưng sự “chủ quan” của bị cáo đã khiến 149,2 ha rừng với tổng sản lượng 6.590,79m3 đã bị 3 công ty khai thác hết. Đồng thời, hiện tại hậu quả trong việc cho phép khai thác khi chưa được cấp giấy phép của bị cáo đã gây ra những hậu quả về tài chính không chỉ cho các doanh nghiệp tham gia đấu thầu mà còn thất thoát nguồn ngân sách rất lớn của Nhà nước khi số lượng rừng lớn được bán với giá rẻ. Tòa tuyên phạt Thành 30 tháng tù giam.
Trong vụ án này, vị Phó chủ tịch huyện, người ký quyết định chỉ định khai thác rừng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì cơ quan tố tụng cho rằng việc ký các quyết định chỉ mới dừng lại ở việc chỉ định thầu, chưa gây hậu quả trực tiếp./.

Đọc thêm