Sàng lọc hàng trăm xe máy tìm đối tượng người Trung Quốc bắn đồng hương

(PLO) -Cơ quan CSĐT Công an TP.Đà Nẵng đã có kết luận vụ án người đàn ông mang quốc tịch Trung Quốc bị bắn chết chấn động dư luận hơn 1 năm trước, chuyển sang VKSND truy tố Feng Long Chung (tên thường gọi A Lãng, SN 1988, tạm trú tại Hà Nội) về hành vi Giết người và Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng. 
Đối tượng A. Lãng (Hình CQĐT cung cấp).
Đối tượng A. Lãng (Hình CQĐT cung cấp).

Bị bắn chết khi đưa con đi học

Đại tá Quách Văn Dũng, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự (PC 45, Công an TP.Đà Nẵng) cho biết, trong vụ án này, hung thủ lẫn nạn nhân đều có quốc tịch Trung Quốc nên việc xác minh, điều tra gặp khá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm cao độ, sau hơn một năm, cơ quan điều tra đã có đầy đủ cơ sở kết luận vụ án. 

Theo đó, sáng ngày 26/11, cơ quan công an nhận được thông tin về vụ giết người bằng súng tại đường Nguyễn Duy Hiệu (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng). 

Thời điểm trên, cả khu phố bị chấn động bởi 2 phát súng nổ. Ngay trước cổng nhà, Li Mu Zi (SN 1984, quốc tịch Trung Quốc, tên thường gọi ở Việt Nam là A Lý) đổ gục trên vũng máu. Ngay sau đó, 1 thanh niên nhanh chóng nhảy lên xe máy rời khỏi hiện trường. Đến trưa cùng ngày, A Lý tử vong.

Tại hiện trường, Công an thu giữ vỏ đạn dài hơn 2cm. Thời điểm án mạng xảy ra khoảng 7h30 phút. Khi đó, A Lý dắt xe máy ra trước cổng nhà chuẩn bị chở con đi học thì bất ngờ bị một thanh niên lạ mặt, ngồi phục sẵn ở quán bánh bèo gần nhà, rút súng ngắn thủ trong người bắn vào bụng. Người này cao khoảng 1m7, mang 1 ba lô đen, không đeo khẩu trang…

Vụ án được đánh giá hết sức nghiêm trọng vì hung thủ sử dụng vũ khí nóng tấn công nạn nhân giữa khu dân cư đông đúc vào ban ngày. Đây cũng lần đầu tiên Đà Nẵng xảy ra vụ án người nước ngoài bị giết hại nên Công an TP.Đà Nẵng quyết định thành lập chuyên án truy xét mang bí số 038G để đấu tranh. 

Do nạn nhân người nước ngoài, A Lý lại không có tên trong danh sách kê khai đăng ký ở địa phương, buộc ban chuyên án phải lần lại nhân thân.

Hiện trường án mạng

Hiện trường án mạng

Theo kết quả tra cứu, năm 2008, A Lý thực hiện chương trình đạp xe từ Bắc Kinh đến Việt Nam, sau đó sống và hoạt động du lịch trên địa bàn Đà Nẵng. Từ năm 2011 đến trước thời điểm bị sát hại, A Lý hợp tác làm ăn chung với Xu Xian De (SN 1985, Trung Quốc, tên thường gọi tại Việt Nam là A Đức). A Lý từng nhiều lần nhập cảnh vào Việt Nam bằng visa B3 (hoạt động thương mại) do một công ty làm dịch vụ bảo lãnh. 

Về sau, A Lý nhờ Nguyễn Thị Quỳnh Nga (SN 1992, ngụ đường Nguyễn Duy Hiệu, Đà Nẵng) lập Công ty TNHH MTV Phát triển du lịch Thiện Mỹ Hoàn Á Việt Nam. Thông qua đó, A Lý cùng A. Đức thường xuyên tổ chức hoạt động du lịch trái phép cho nhiều đoàn người Trung Quốc đến Đà Nẵng. Dù chưa đăng ký kết hôn nhưng A Lý và Nga sống với nhau như vợ chồng và có một con gái.

Dần dần, A Lý hợp thức hóa cuộc hôn nhân, trở thành người nước ngoài có thân nhân tại Việt Nam nên được cấp giấy miễn thị thực, 6 tháng mới đến cơ quan chức năng đăng ký một lần. Lần nhập cảnh gần nhất của A Lý vào Việt Nam từ tháng 11/2015. 

Cũng thời gian này, A Đức cũng kết hôm với 1 cô gái ở Duy Xuyên (Quảng Nam). Có được ưu thế này, A Lý và A Đức thường xuyên đưa người Trung Quốc sang Việt Nam du lịch chui. Riêng A Lý, vì những hoạt động mờ ám của mình nên ở khu phố, Lý sống rất khép kín.

Gian nan lần tìm hung thủ

Đại tá Dũng cho biết, từ mối quan hệ làm ăn của A Lý, ban chuyên án lập tức cho tìm A Đức. Hồ sơ thể hiện, A Đức lưu trú tại quê vợ ở Duy Xuyên. Thế nhưng, ngay trong ngày xảy ra án mạng, A Đức cùng vợ, con đột nhiên “biến mất”. 

Mọi nghi vấn đều dồn về A Đức. Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, Ban chuyên án biết được A Đức vừa từ sân bay Chu Lai (Quảng Nam) ra Hà Nội. Một tổ trinh sát được cử lên đường đón lỏng. Tuy nhiên, tiếp cận làm việc, A Đức lại có chứng cứ ngoại phạm.

Trong khi đó, nguồn tin người dân cung cấp về chiếc xe máy hung thủ sử dụng mang BKS 92-L4 (Quảng Nam) và những số tiếp theo có thể 0594 hoặc 0394. Không để bỏ lọt manh mối, một tổ trinh sát vào Quảng Nam truy lùng. 

Sau nhiều ngày không thu được kết quả, Ban chuyên án quyết định nhờ công an tỉnh bạn lọc tất cả những chiếc xe máy ở Quảng Nam đăng ký từ L1 đến L9, đồng thời lấy những con số đăng ký mà theo mô tả chắp nối của người chứng kiến để xác minh. Cuối cùng, thấy nổi lên chiếc xe 92-L9 0594 được bán tại một tiệm cầm đồ, người thanh niên mua xe có nhận dạng giống với đối tượng nghi hung thủ gây án tại Đà Nẵng. 

Hiện trường án mạng

Hiện trường án mạng

Xâu chuỗi nhiều dữ liệu như đối tượng nói giọng “lơ lớ”, đặc biệt khi gây án lại để lộ khuôn mặt, từ đây Ban chuyên án đưa ra nhận định, hung thủ khả năng là người nước ngoài. Vụ án khoanh vùng dần nghi phạm.

Ngoài ra, Ban chuyên án nhận thấy, trong các dữ liệu cá nhân của nạn nhân như máy tính, điện thoại… đều có lưu một trạng web tên TAOBAO của Trung Quốc. 

Tìm hiểu từ Lý được biết, khoảng đầu năm 2015, trong quá trình thực hiện các tour du lịch lữ hành cho người Trung Quốc, A Lý phát hiện cửa hàng có tên A Lãng chuyên bán sim, card điện thoại Việt Nam cho người Trung Quốc đến Việt Nam du lịch, kinh doanh trên mạng TAOBAO của Trung Quốc. Tuy nhiên, cửa hàng này có dấu hiệu vi phạm về thông tin quảng cáo sai sự thật về chức năng kết nối 3G.

Từ đó, một mặt A Lý gửi đơn tố cáo về hoạt động kinh doanh của cửa hàng A Lãng đến cơ quan quản trị mạng tại Trung Quốc và thuê người Trung Quốc thông qua các trang mạng xã hội có những bình luận xấu về chất lượng kinh doanh của cửa hàng A Lãng. Mặc khác, A Lý lại bắt chước cửa hàng A Lãng đăng ký cửa hàng chuyên bán sim, card điện thoại Việt Nam cho người Trung Quốc đến Việt Nam du lịch, kinh doanh lấy tên “Ông chủ Hà”.

Nhận thấy có sự liên quan, Ban chuyên án cho xác minh cửa hàng A Lãng. Được biết, người chủ cửa hàng có tên Feng Long Chun (Phùng Long Xuân, SN 1988, ngụ Quảng Tây, Trung Quốc) tên thường gọi tại Việt Nam A Lãng. Năm 2012, A Lãng vào Việt Nam và làm việc tại công trình xây dựng ở Trung Hòa (Hà Nội). 

Trong thời gian này, A Lãng có quen biết và kết hôn với 1 phụ nữ Việt Nam làm công nhân công trình. Từ năm 2013 đến khoảng tháng 9/2015, A Lãng chuyển sang kinh doanh lĩnh vực du lịch cho khách Trung Quốc có nhu cầu du lịch tại Việt Nam và kinh doanh sim, card điện thoại Việt Nam cho khách Trung Quốc đến Việt Nam. Thu nhập hàng tháng của A Lãng khoảng 100 triệu đồng.

Giết người vì mâu thuẫn trong kinh doanh

Có điều lạ, trước ngày xảy ra án mạng ở Đà Nẵng, A Lãng ngừng kinh doanh và cũng đột nhiên “đi đâu không rõ”. Thậm chí, thời gian này, vợ sinh con nhưng A Lãng cũng không có mặt chăm sóc vợ, chỉ thi thoảng nói chuyện qua điện thoại.

Người vợ cho biết, khoảng đầu năm 2015, trong lúc công việc làm ăn đang tiến triển thì đột nhiên hoạt động kinh doanh sim card trên web TAOBAO bị gỡ bỏ do có người tố cáo dấu hiệu gian lận. Sau đó, A Lãng dừng luôn kinh doanh du lịch và ngày càng tỏ ra buồn chán. Giữa năm 2015, A Lãng có vài lần đi vào Đà Nẵng.  

Với những chứng cứ thu thập, ngày 25/12, Ban chuyên án có đủ cơ sở khẳng định đối tượng sử dụng súng bắn chết A Lý vào sáng ngày 26/11 chính là A Lãng. Xác định A Lãng đang trốn tại Campuchia nên cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng thường xuyên phối hợp liên lạc động viên A Lãng ra đầu thú.

Chiều ngày 29/12, A. Lãng được di lý về Công an TP. Đà Nẵng an toàn. Kết quả điều tra cho thấy, khoảng tháng 5/2015, cơ quan quản trị mạng TAOBAO của Trung Quốc tạm ngưng hoạt động kinh doanh của cửa hàng A Lãng. Bất ngờ bị gián đoạn, nên A Lãng bỏ thời gian tìm hiểu. A Lãng biết  được được cơ sở sim card điện thoại lấy tên “Ông chủ Hà”, gốc Bắc Kinh, Trung Quốc, có vợ ở Đà Nẵng.. đã tố cáo mình.

Tháng 7/2015, A Lãng vào Đà Nẵng xác định rõ lai lịch, địa chỉ sinh sống người đã tố cáo. Vì hoạt động kinh doanh bị gỡ bỏ, A Lãng lâm vào cảnh nợ nần (khoảng vài trăm triệu tiền Việt Nam) nên căm tức và đã lên kế hoạch tìm giết A Lý để trả thù.

Hiện trường án mạng

Hiện trường án mạng

Ngủ giữa rừng chờ gây án 

Để trả thù, ngày 10/11, A Lãng từ Trung Quốc đi Thái Lan mua một khẩu súng ngắn với giá 1.500 USD. Sau đó, A. Lãng đi Campuchia và nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) theo đường tiểu ngạch, rồi tiếp tục đón xe ô tô khách ra Đà Nẵng. 

Ngày 25/11, khi đến Tam Kỳ (Quảng Nam), A Lãng xuống xe và đi đến tiệm cầm đồ mua 1 chiếc xe máy hiệu Enjoy màu đỏ, mang BKS 92 L9-0594 với giá 5 triệu đồng, để di chuyển ra Đà Nẵng. Sáng ngày 26/11, A Lãng điều khiển xe máy đến quán bánh bèo gần nhà A Lý ăn và gây án như đã nêu trên. 

Trước khi đến nhà nạn nhân, A Lãng không hề chọn nghỉ ở bất kỳ nhà trọ hay khách sạn nào mà chạy xe máy lên trên đèo Hải Vân và nằm ngủ giữa rừng vắng để tránh sự chú ý của cơ quan chức năng. Suốt nhiều ngày trốn chạy cũng vậy, A Lãng chỉ “ăn tạm, ngủ bụi bờ” chứ tuyệt nhiên không thuê phòng lưu trú ở bất cứ đâu.

Sau khi giết chết A Lý, A Lãng nhanh chóng chạy xe máy rời khỏi hiện trường. Trên đường tẩu thoát, A Lãng vào một khu chợ trên đường Nguyễn Duy Hiệu để thay đổi tư trang, áo quần rồi điều khiển xe chạy lên cầu Trần Thị Lý, vứt khẩu súng gây án xuống sông Hàn. A Lãng đi thêm 1 đoạn và bỏ xe máy tại phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu, Đà Nẵng, đón xe ôm đi Tam Kỳ. 

A Lãng cũng tính toán kỹ lưỡng việc đối phó CQĐT, hắn chỉ nhảy xe từng chặng 1. Tại Tam Ký, A Lãng tiếp tục đón xe khách đi Quảng Ngãi, đến Quảng Ngãi đón xe đi Bình Định, đến Bình Định đón xe đi vào TP.HCM, rồi đi xe khách đến tỉnh Tây Ninh để theo đường tiểu ngạch qua Campuchia lẩn trốn cho tới khi bị bắt. 

Đọc thêm