Tàn đời sau cú lướt sóng bất động sản

(PLO) -Từng được ông Hải mua giúp hai mảnh đất sau đó bán lãi vài trăm triệu nên bà Nguyễn Thị Mười (SN 1974, ngụ phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội) không mảy may nghi ngờ đưa cho ông này 9,6 tỷ đồng nhờ mua đất....
Bà Mười “thân tàn ma dại” sau khi dính vụ lừa đảo
Bà Mười “thân tàn ma dại” sau khi dính vụ lừa đảo

Bỏ gần 10 tỷ mua phải đất “rởm”

Nằm điều trị tại khoa cấp cứu bệnh viện GTVT, bà Mười gương mặt nhợt nhạt, tay chằng chịt dây chuyền nước. Sau khi biết số tiền gần 10 tỷ đồng mua đất khó đòi lại được, tinh thần bà Mười thường xuyên bất ổn. Từ một người nhanh nhẹn khỏe mạnh nặng 62 kg, giờ đây bà giảm xuống còn 44 kg, ốm đau liên miên.

Bà Mười làm nghề kinh doanh nem trên phố Cầu Giấy, vào năm 2009 có mua hai mảnh đất ở làng nghề Vạn Phúc của Phạm Văn Hải (SN 1972, ngụ phường Vạn Phúc, quận Hà Đông). Sau một thời gian, “cơn sốt đất” lên cao, bà bán đất lãi được vài trăm triệu đồng.

Sau đó trong lần đi lễ tại đền, bà Mười kể chuyện bán đất với một phụ nữ. Bà Mười than bán đất bị “hớ” và nói rằng muốn mua đất. Người bạn này nói có thể nhờ người quen tên Ngô Xuân An (SN 1983, ngụ Hà Đông) hỏi giúp. Khi hai người đến gặp “đối tác” thì bà Mười tình cờ gặp lại “người quen” là ông Hải.

“Tôi có kể chuyện bán đất rẻ nên muốn mua lại đất làng nghề diện tích khoảng 200-250m2 liền nhau. Ông ấy giới thiệu An là cháu họ của mình, vừa là nhân viên, còn ông ấy là Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty bất động sản mới thành lập. Ông Hải hỏi nếu có nhu cầu mua đất thì cứ chuyển tiền vào văn phòng nhà đất của mình. Đất mặt tiền thì không dám hứa trước, còn phía bên trong thì ông ta sẽ bốc lô đẹp giúp”, bà Mười kể. 

Vì tin tưởng người từng mua được đất cho mình trước đó nên từ ngày 29/3 đến 8/4/2011 bà Mười đã 4 lần đến văn phòng công ty BĐS Hà Đông (số 5 đường 430, phường Vạn Phúc) giao tiền cho vợ chồng An tổng số tiền 9,6 tỷ đồng. Trong đó 9 tỷ đồng là tiền mua đất, còn 600 triệu là “phí” chọn lô đất đẹp. Mỗi lần nhận tiền, An bảo vợ viết giấy rồi ký nhận.

Bà Mười kể mỗi lần đến giao tiền đều gọi điện nhưng Hải nói cứ mang tiền vào văn phòng để An nhận giúp. “Những lần tôi giao tiền cho An xong thì Hải vào ngay sau đó, thậm chí còn ngồi nói chuyện khá lâu. Sau này tôi mới biết ông ta cố tình không nhận tiền mà để cho vợ chồng An nhận tiền, lấy cớ chối trách nhiệm sau này”, bà Mười than thở.

Sau khi giao đủ tiền mua đất, bà Mười nhiều lần gọi điện cho “đối tác” giục giao giấy tờ đất thì được chú cháu Hải hẹn đang chờ làm thủ tục. Đến tháng 6/2011, An gọi bà Mười đến nhận giấy tờ gồm: Hợp đồng chuyển nhượng quyền thuê và sử dụng đất làng nghề; Giấy nhận tiền chuyển nhượng đất thuê sản xuất tại điểm công nghiệp làng nghề dệt Vạn Phúc và giấy ủy quyền đều mang tên người bán là nhóm trưởng Phạm Văn Mười (khối Hạnh Phúc, phường Vạn Phúc).

Bà Mười cho biết trong gần 10 tỷ đồng mua đất có 3 tỷ đồng của mẹ chồng và 2,6 tỷ đồng của chị gái góp cùng. Hai tháng sau, mẹ chồng đề nghị lấy lại số tiền 3 tỷ đồng nên bà Mười phải bán đất. Đến lúc này, Hải mới nói toàn bộ giấy tờ mua bán đất là giả, không bán được:

“Tôi hốt hoảng hỏi “vậy tại sao anh lại bán cho em” thì ông ta đổ tội cho vợ chồng An ký khống giấy tờ để lấy tiền nên An phải chịu trách nhiệm, còn ông ấy không liên quan”, bà Mười kể. Nhiều lần đến gặp chú cháu ông Hải đòi lại tiền nhưng cả hai đổ trách nhiệm cho nhau nên bà Mười làm đơn tố cáo đến công an Hà Nội tố giác tội phạm.

Đùn đẩy trách nhiệm

Tại CQĐT, An khai là nhân viên của công ty BĐS Hà Đông,có họ hàng với Hải. An khai Hải tự giới thiệu với bà Mười công ty BĐS do mấy ông cháu thành lập, có gì cứ chuyển tiền vào. Sau đó bà Mười nhiều lần đến văn phòng giao tiền mua đất.

Mỗi lần như thế, ông Hải đều gọi điện nhờ vợ chồng An đứng ra nhận tiền hộ. An khai ông Hải là người đưa bộ giấy tờ nhà đất cho bà Mười và nói đó là hồ sơ gốc, anh này không biết đó là giả. Toàn bộ số tiền của bị hại nộp, cả hai đã chi tiêu cá nhân hết.

Về phía đối tượng Hải cho rằng An chỉ là “chân chạy việc” chứ không phải nhân viên công ty. Khi bà Mười đến, Hải không hứa hẹn mua đất làng nghề giúp. Hải khai tháng 3/2011 có photocopy mẫu bộ giấy tờ đất và để tại văn phòng hướng dẫn khách hàng, còn chữ ký không biết của ai.

Tuy nhiên sau đó Hải thừa nhận có làm bộ giấy tờ giả mà sau này bà Mười được nhận. Song Hải phủ nhận việc đưa giấy tờ giả trên cho bà Mười và cho rằng mọi việc do An thực hiện. Ông này không thừa nhận chỉ đạo An và không liên quan đến số tiền gần 10 tỷ đồng của bà Mười.

Ngày 16/10/2014 TAND TP Hà Nội ra bản án số 459/2014/HSST xử phạt bị cáo An 20 năm tù và Hải 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sau đó, Hải kháng cáo kêu oan, An xin giảm nhẹ hình phạt. Còn bà Mười kháng cáo tăng hình phạt với Hải.

HĐXX cấp phúc thẩm ngày 21/5/2015 cho rằng hành vi của An có dấu hiệu phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Việc cấp sơ thẩm xác định tội là “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là chưa chính xác.

Ngoài ra, vợ An có dấu hiệu phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” với vai trò giúp sức. Tòa phúc thẩm nhận định tòa cấp dưới truy cứu bị cáo Hải trách nhiệm hình sự liên quan đến hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” của An là chưa có căn cứ. Vì vậy, tòa phúc thẩm quyết định hủy án sơ thẩm.

Quá trình điều tra bổ sung, CQĐT xác định bản chất vụ án không thay đổi. Ngay sau khi bà Mười giao tiền, Hải và An không thực hiện mua đất như đã hẹn. Hải nhờ vợ An chuyển 1 tỷ đồng cho chị gái, số tiền còn lại cả hai cùng sử dụng mua ô tô và sử dụng mục đích cá nhân.

Khi bị bà Mười yêu cầu giao giấy tờ đất, Hải đã làm giả giấy tờ và cùng An giao cho khách hàng. Như vậy hành vi của Hải và An cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tài liệu điều tra xác định Hải là người khởi xướng, đưa các thông tin và hứa hẹn mua đất với bà Mười để chiếm đoạt tài sản.

Bị cáo An với vai trò đồng phạm giúp sức chiếm đoạt tiền. Đối với vợ An nhận tiền nhưng không biết bà Mười mua đất làng nghề, không tham gia giao dịch trao đổi nên chưa đủ căn cứ để khởi tố. 

Tháng 12/2016, TAND TP Hà Nội mở lại phiên tòa sơ thẩm nhưng nhiều tình tiết mâu thuẫn lời khai các bị cáo nên tiếp tục tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Nạn nhân “tàn đời”

Trải qua nhiều phiên tòa, vụ án vẫn chưa ngã ngũ nhưng với bà Mười, thời gian vừa qua là bi kịch hãi hùng. Trước đây bà kinh doanh nem với gia đình nhà chồng. Sau đó “dính” vào việc mua bán đất, bị lừa sạch tiền nên cuộc sống hiện nay rất khó khăn. Thời gian theo đuổi kiện tụng, bà bị suy nhược cơ thể, mắc bệnh hẹp dạ dày, thiếu máu.

Ba năm sau khi bị lừa, cũng vì nợ nần tiền nong mà bà Mười nảy sinh mâu thuẫn với các thành viên khác trong gia đình. “Lúc đó con út tôi mới được 4 tháng tuổi, tôi bị mẹ chồng đuổi ra khỏi nhà phải về Bắc Ninh mở quán bún nhưng bị thua lỗ. Năm ngoái, tôi tiếp tục bị chồng đuổi khỏi nhà 5 tháng thì vợ chồng mới hòa thuận lại”, nữ bị hại kể.

Hiện tại nằm trong viện nhưng người phụ nữ này cho biết nhà neo người nên tự chăm sóc bản thân. Tiền viện phí cũng do bản thân đi vay mà có. Số tiền bị mất gần 10 tỷ đồng nhưng bà mới nhận được 500 triệu đồng do vợ chồng An khắc phục:

“Cũng vì tin tưởng Hải quá mà giờ tôi mới ra cảnh ngộ này. Vụ án vẫn chưa kết thúc, không biết đến khi nào mới nhận được tiền bồi thường nữa. Mỗi lần có dịp đi qua khu đất kia, tôi cứ tiếc ngẩn ngơ. Gần 6 năm theo đuổi, tôi giờ đã mệt mỏi lắm rồi. Tôi chỉ muốn pháp luật xử nghiêm những kẻ lừa đảo”, bà Mười mệt mỏi nói.

Đọc thêm