“Tập đoàn ăn bẩn” chiếm đoạt tiền tỷ từ hài cốt người chết

(PLO) - Lợi dụng chủ trương chính sách bồi thường giải tỏa, “tập đoàn ăn bẩn” này đã lập hồ sơ khống hàng trăm ngôi mộ giả nhằm chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng. Điều đáng chê trách là để gây ra hậu quả này một phần lỗi thuộc về nhiều cán bộ của địa phương được giao nhiệm vụ giám sát, nhưng đã quá thờ ơ, buông lỏng quản lý suốt một thời gian dài.
Các bị cáo trong “tập đoàn ăn mộ” lĩnh án.
Các bị cáo trong “tập đoàn ăn mộ” lĩnh án.
Hô biến mộ giả thành mộ thật  
Cuối năm 2005, Công ty Tân Thuận ký hợp đồng với Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (BBTGPMB) Quận 8, TP.HCM về việc bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư đối với các hộ dân có nhà và đất nằm trong dự án khu đô thị Nam Sài Sài Gòn (thuộc phường 7). 
Do khu vực này có nhiều mồ mả được người dân tự ý chôn cất từ trước năm 1975 được hỗ trợ để di dời, BBTGPMT đã ký với Nguyễn Văn Thành (SN 1957, chủ cơ sở mai táng Công Vĩnh Thọ) việc đào, bốc các ngôi mộ ra khỏi khu vực dự án. 
Theo hợp đồng, cơ sở mai táng có trách nhiệm điều tra, xác minh về số lượng, phân loại hiện trạng mồ mả và thông báo cho BBTGPMB biết kết quả (bao gồm mộ có chủ, lẫn mộ vắng chủ), lập hồ sơ pháp lý liên quan đến việc bốc mộ… 
Giá bồi thường, hỗ trợ để bốc một ngôi mộ trung bình từ 1,5 - 6 triệu đồng, tùy theo mộ đó là mộ đất, mộ xây bán kiên cố, hay kiên cố. Tiền hỗ trợ cải táng từ 500 ngàn đến 1 triệu/mộ. Tiền công đào, bốc mộ từ 700 ngàn - 1,1 triệu đồng/mộ…
Quy trình để nhận hỗ trợ bồi thường được quy định rất chặt chẽ. Phía địa phương và chủ đầu tư cũng đã lập một tổ giám sát gồm Đỗ Thanh Vân (SN 1958, nhân viên Công ty Tân Thuận), Hồ Ngọc Sơn (SN 1966, nhân viên Công ty phát triển Nam Sài Gòn), Phạm Văn Phước (SN 1975, nhân viên của BBTGPMB), Nguyễn Văn Sáu (SN 1966, cán bộ địa chính UBND phường 7). 
Những người này có trách nhiệm giám sát quá trình đào bốc mộ đúng thực tế hay không. Trong suốt gần 3 năm (từ tháng 11/2005- 5/2008), cơ sở mai táng Công Vinh Thọ đã đào, bốc được hơn 2000 ngôi mộ của gần 500 gia đình với số tiền được chi trả là hơn 7,7 tỷ đồng.  
Tuy nhiên trong số này có tới 299 ngôi mộ là giả mạo do Thành và các nhân viên đã lợi dụng sự sơ hở, buông lỏng quản lý giám sát, để lập hồ sơ khống nhằm chiếm đoạt hơn 1,1 tỳ đồng của Nhà nước.
Thủ đoạn của “tập đoàn ăn bẩn” này được bàn bạc công khai giữa Thành và hai nhân viên Nguyễn Hoàng Thái (SN 1962) và Đỗ Văn Thanh (SN 1970). Thành có nhiệm vụ tìm và hướng dẫn người khác đăng ký lập phiếu bốc mộ khống. Thanh chụp ảnh trước và sau khi bốc mộ. Thái lập biên bản bốc mộ khống và lợi dụng sự hở thiếu sót của các thành viên tổ giám sát để trình ký hợp thức hóa hồ sơ.
Bị cáo “đầu sỏ” Nguyễn Văn Thành vẫn nghênh ngang trong phiên tòa
 Bị cáo “đầu sỏ” Nguyễn Văn Thành vẫn nghênh ngang trong phiên tòa
Tiếp đó, Thành hướng dẫn cho một nhân viên khác là Phan Thanh Vân và Nguyễn Thế Dư (cháu của Thành) cách lập phiếu đăng ký bốc mộ khống. Dư liên hệ với nhiều người thân trong gia đình như vợ, em trai, chú, cô… đứng tên trong hồ sơ đăng ký bốc mộ khống này. Số tiền hơn 1,1 tỷ đồng, Thành chia cho Vân 6 triệu đồng, Dư 1,5 triệu đồng và 76 triệu cho 52 người Thành nhờ đứng tên. Số còn lại  hơn 1 tỷ đồng Thành chiếm đoạt hết. 
Vô trách nhiệm, cán bộ cũng đi tù
Việc làm thất đưc của các bị cáo đã bị phanh phui khi cơ quan chức năng thanh tra dự án. Thành và 4 nhân viên cơ sở mai táng bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bốn thành viên trong tổ giám sát bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Tại phiên tòa sơ thẩm mở một ngày giữa tháng 9 vừa qua, bị cáo Thành không thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật và trái đạo đức của mình như cáo trạng truy tố, mà luôn miệng cho rằng bị cáo có ký hợp đồng, nhưng vào năm 2008 bị cáo phải nằm điều trị bệnh nên không thực hiện hành vi…
Bị cáo không phân công nhiệm vụ, không xúi giục cho ai cả. Bị cáo không lừa đảo, lập khống hồ sơ, mà đó đều là mộ thật… Các luật sư bào chữa cho các bị cáo còn đề nghị HĐXX… trả tự do cho các bị cáo ngay tại tòa.
Tuy nhiên HĐXX đã không chấp nhận những lập luận đó, mà cho rằng, những hành vi của các bị cáo như VKS truy tố là có căn cứ, đúng người đúng tội. Vì lòng tham mà các bị cáo đã bất chấp để thực hiện hành vi phạm tội nhằm chiếm đoạt tài sản của Nhà nước. 
Hành vi của các bị cáo đã phạm vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Riêng các bị cáo khác trong tổ giám sát được phân công giám sát toàn bộ việc thực hiện bốc mộ của cơ sở mai táng, dù không kiểm tra, giám sát, nhưng vẫn ký vào các biên bản bốc mộ khống. Hành vi của các bị cáo đã phạm vào tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.  
Từ những nhận định đó, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Thành 14 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cộng với 8 năm tù mà TAND quận 2 tuyên vào năm 2008 cũng về tội danh này, buộc bị cáo phải chịu tổng mức án 22 năm tù. 
Dù bị tuyên mức án nặng, nhưng bị cáo Thành vẫn tỏ ra rất ngông nghênh. Khi một số phóng viên chụp hình thì bị cáo nói lớn: “Lại gần mà chụp, đứng xa chi cho cực. Chụp nhiều vào, lâu lâu mới có dịp được báo chí đưa”. 
Cùng tội danh, bị cáo Thái bị tuyên 10 năm tù. Các bị cáo Thanh, Vân, Dự bị tuyên mức án từ 2 đến 8 năm tù. 
Nhóm bị cáo nằm trong tổ giám sát bị tuyên phạt tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhận thấy có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, HĐXX cũng đã kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ hành vi của một số người liên quan đến việc lừa đảo, cũng như thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ việc./.

Đọc thêm