Thiên đường địa ngục và vụ thảm sát tang thương

(PLO) - “Thảm sát Jonestown” đã trôi qua 40 năm nhưng vẫn là nỗi đau trong lịch sử nước Mỹ.
 “Đấng cứu thế” Jim Jones  và những đứa trẻ sống trong khu trại Jonestown
“Đấng cứu thế” Jim Jones và những đứa trẻ sống trong khu trại Jonestown

“Đấng cứu thế” ảo tưởng

Jim Jones sinh ngày 13/5/1931 tại Bang Indiana, Mỹ. Từ thời niên thiếu, Jones đã có những sở thích kỳ lạ và đam mê tìm hiểu cách thực hiện nghi thức tôn giáo.

Sau này, nhờ vào tài hùng biện, Jones được nhiều người tin tưởng, sùng bái và thâm chí gọi là “nhà tiên tri”. Lòng tin của những người sùng bái càng tăng, sự ảo tưởng về quyền lực và sức mạnh của Jones càng nhiều. Người đàn ông này còn hùng hồn tuyên bố mình chính là cứu tinh của những con người đang tuyệt vọng.

Vào năm 1956, Jones đến thành phố Indianapolis, bang Indiana thành lập ra giáo phái Peoples Temple hay còn gọi là Đền Hội Chúng. Sau đó vào năm 1966, giáo phái được chuyển tới thành phố Redwood Valley, bang California, Mỹ. 

Ban đầu, Đền Hội Chúng có tôn chỉ mục đích là chống phân biệt chủng tộc, giúp đỡ những người nghèo tại Mỹ, xây dựng một cộng đồng hòa hợp, yêu thương nhau. Từ đó thu hút được rất nhiều người tham gia, đặc biệt là người Mỹ gốc Phi và những nghèo khổ.

Tuy nhiên, mục đích nhân đạo của giáo phái này dần dần mất đi vì Jones thay đổi. Ông ta muốn “phủ sóng” giáo phái của mình ra bên ngoài nước Mỹ, để thoát khỏi sự kiểm soát của chính phủ Mỹ. 

Vào năm 1971, Jones chuyển trụ sở của Đền Hội chúng đến San Francisco và số lượng người tham gia vào giáo phái phát triển lên tới 5.000 người. Rất nhiều trong số này nghe theo lời của Jones, tập trung lại và chung sống cùng nhau.

Jim Jones
Jim Jones 

Trong thời gian sống cùng các tín đồ và những người da đen khốn khổ, Jones đã mua một lượng ma túy, thuốc an thần và sau đó trộn vào trong nước uống, thức ăn hàng ngày của họ. Vì vậy, nạn nhân sau khi uống sẽ bị phê thuốc dẫn đến mất tự chủ, phát sinh ảo giác, quên đi các đau đớn, xúc cảm bình thường. 

Jones càng ngày càng có những hành động điên rồ khi nói với các tín đồ rằng, một xã hội thoải mái về tình dục sẽ càng giúp con người tới gần với Thượng đế. Do đó, toàn bộ thành viên đi theo giáo phái của ông bị ép quan hệ tập thể, thậm chí lạm dụng cả trẻ em. Một số tín đồ sau đó không chịu đựng được cuộc sống này nên đào tẩu và báo với chính quyền địa phương. 

Địa ngục ở “thiên đường”

Đến năm 1973, Jones tìm thấy một khu vực hoang vu phía Tây Bắc Guyana và đã thuê một phần đất rộng khoảng 1.200 ha từ chính phủ Guyana. Sau đó đưa công nhân tới để phát quang giải phòng mặt bằng, xây dựng một khu trại tập trung và đưa hàng trăm tín đồ Đền Hội chúng tới đây. Jones gọi nơi này là “Jonestown”. 

Ban đầu Jones muốn biến Jonestown trở thành “thiên đường” và những tín đồ tin tưởng tuyệt đối vào lời hứa hẹn của Jones. Từ khoảng 500 thành viên, số lượng này đã tăng lên gần 1.000 người vào năm 1978. Tuy nhiên, cuộc sống ở nơi gọi là “thiên đường” không giống như kỳ vọng và sự tưởng tượng ban đầu của các thành viên, thậm chí còn khổ sở hơn rất nhiều vì phát sinh ra hàng loạt vấn đề. 

Đầu tiên, do số lượng thành viên quá lớn, khu trại tập trung không có đủ chỗ cho tất cả mọi người, các cabin chỉ có giường tầng và luôn quá tải. Hơn nữa, các cabin được phân chia theo giới tính nên các cặp vợ chồng buộc phải sống tách nhau.

Toàn bộ khu vực trại Jonestown bị bao quanh bởi những cánh rừng và nếu ai muốn rời khỏi đây đều phải được sự cho phép của Jones. Bởi ông ta không muốn bất kỳ người nào rời khỏi chốn “thiên đường” này.

Vì xây dựng Đền Hội chúng trên một đất nước nghèo ở Nam Mỹ, mọi thứ ở khu trại Jonestown không thể tự cung tự cấp, họ vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn hàng hóa như lúa mì. Trong khi đó, chính phủ Mỹ chỉ cung cấp 65.000 USD tiền trợ cấp hàng tháng cho Jonestow.

Tuy nhiên số lượng người quá lớn và kinh phí dần hạn hẹp, các tín đồ không được ăn uống đầy đủ, chủ yếu là gạo, đậu, các loại rau xanh, thỉnh thoảng mới có thịt, trứng và sữa... Họ cũng gặp phải các vấn đề về sức khỏe, chẳng hạn như các bệnh về tiêu chảy và sốt cao vì không hợp với khí hậu nóng ẩm ở đây. 

Họ bị Jones bắt làm việc 6 ngày/tuần, từ 6:30 sáng đến 6 giờ chiều và chỉ được nghỉ ngơi ăn trưa 1 tiếng đồng hồ. Đến năm 1987, sức khỏe của Jones bắt đầu giảm sút, vợ của ông ta bắt đầu tiếp quản hoạt động ở trại Jonestown. Lúc này, những tín đồ Đền Chúng hội chỉ phải làm 5 ngày/tuần và mỗi ngày 8 tiếng. 

Điều tra tấn tinh thần khiến các tín đồ của Đền Hội chúng cảm thấy mệt mỏi nhất đó là phải nghe thuyết giảng. Jones đã dựng lên những bài thuyết giảng, ghi âm và cho phát liên tục suốt ngày đêm trên loa ở Jonestown. Quá mệt mỏi sau một ngày làm việc, các giáo đồ vẫn phải cố hết sức mới ngủ được vì màn tra tấn của “Đấng cứu thế” Jones.

Hơn 900 người chết vì uống thuốc độc ở Jonestown
Hơn 900 người chết vì uống thuốc độc ở Jonestown

Jones đặt ra những quy tắc kỷ luật nghiêm ngặt, thậm chí mang tính man rợ và lập ra một đội quân tai mắt chuyên đánh đập, nhục mạ tín đồ nếu người nào chống đối hay bỏ trốn, có nhiều trường hợp bị phạt bởi chôn sống trong các thùng gỗ dưới đất. Nhức nhối nhất là vấn đề trẻ em, nếu vi phạm nhiều trẻ em bị đe dọa, đánh đập, phạt không được ngủ cùng bố mẹ mà phải ngủ ngoài trời, treo ngược…

“Cuộc cách mạng tự sát”

Mặc dù Đền Hội chúng nằm ở Guyana nhưng vẫn dưới sự kiểm soát của chính phủ Mỹ. Vào tháng 11/1978, khi nghe được thông tin về tình trạng lạm dụng thể chất và tinh thần ở khu trại Jonestown. Nghị sĩ Mỹ Leo Ryan cùng với một phái đoàn bao gồm một số nhà báo và người thân của những tín đồ Đền Hội chúng đã đến đây để kiểm tra các hoạt động của nơi này. 

Ban đầu, mọi chuyện diễn ra rất suôn sẻ và hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, vào một buổi tối trước khi rời đi, trong khi các thành viên trong đoàn đang dùng bữa và khiêu vũ trong hội trường, một giáo đồ đã bí mật chuyển cho Nghị sĩ Mỹ Leo Ryan một mẩu giấy có ghi tên của những thành viên muốn rời khỏi Jonestown. Ngày hôm sau, 18/11/1978, Ryan cho biết ông sẵn lòng đưa bất cứ ai muốn quay về Mỹ. Do lo sợ trước phản ứng của Jones, chỉ có vài người chấp nhận lời đề nghị.

Để đảm bảo an toàn cho những người muốn rời đi, nghị sĩ Ryan quyết định đi sau. Ngay lúc này, một người cầm dao đã có ý định tấn công nhưng ông may mắn thoát chết. Nhận thấy nguy hiểm, Ryan nhanh chóng đi về phía máy bay. Tuy nhiên chưa kịp lên máy bay, nhóm của ông bị những thành viên của giáo phái đuổi theo và xả đạn liên tục. 5 người đã tử vong, trong đó có nghị sĩ Ryan và rất nhiều người khác đã bị thương nặng.

Trở lại Jonestown, Jones tập hợp tất cả các thành viên trong sự tức giận khi có người muốn rời khỏi “thiên đường”. Lúc này, ông ta cũng thông báo rằng nghị sĩ Ryan đã bị giết và đe dọa chính phủ Mỹ sẽ không để yên cho nơi này.

Jones reo rắc nỗi sợ hãi với giáo đồ  rằng, “Nơi này không còn an toàn, chính phủ Mỹ sẽ tới đây và cướp đi những đứa trẻ vô tội, tra tấn và giết chúng ta. Không thể để chuyện đó xảy ra”. Và rằng, cách duy nhất để thoát khỏi địa ngục là phải cùng nhau làm nên một cuộc cách mạng. 

Jones ra lệnh cho tay chân thân tín pha thuốc độc Xyanua vào những thùng nước nho nhằm lấn át bớt mùi khó chịu. Có nhiều người tự nguyện uống. Sau đó Jones ép trẻ em, trẻ sơ sinh phải uống trước và ép chính người mẹ bơm xi-lanh thuốc độc cho con. Sau đó đến lượt các bà mẹ. Khi phụ nữ và trẻ em đã uống xong là tới lượt những thành viên còn lại.

Nếu ai phản đối sẽ bị những tên tay chân thân tín của Jones  thúc giục và đe dọa khi liên tục chĩa cầm súng và cung tên. Thời gian trung bình gây tử vong cho mỗi người là vào khoảng 5 phút. Sau khi ép buộc tín đồ ngộ đạo uống thuốc tự tử, Jones cũng đã tự sát với khẩu súng lục. 

Vài ngày sau đó, chính phủ Mỹ cử một lực lượng đặc biệt đến Jonestown để truy quét. Nhưng khi đến nơi chỉ còn khung cảnh kinh hoàng, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, thi thể người chết nằm la liệt ở khắp nơi.

Nhiều người chứng kiến nói rằng chưa bao giờ nhìn thấy cảnh tượng đáng sợ như vậy. Nói là vụ tự sát tập thể nhưng thực chất không khác gì một vụ giết người hàng loạt với tổng số 918 người thiệt mạng, trong đó có 304 người là trẻ em, còn lại khoảng 90 người sống sót. Kể từ đây, giáo phái man rợ này bị xóa sổ vĩnh viễn. 

Đọc thêm