Tình tiết đặc biệt giúp thủ phạm án mạng chỉ bị phạt 12 tháng tù

(PLO) -“Hôm đó nó chửi ông là “thằng chó” đã đành lại còn đánh anh trai chảy máu đầu. Tui khóc lóc van xin thế nào cũng không được. Ổng cũng thương con đứt ruột nhưng trong lúc cùng quẫn, tức giận vì con quá ngỗ ngược nên đã cầm cây mác đâm vào ngực nó...”, người vợ bị cáo cũng là mẹ nạn nhân kể lại.
“Tui thương ổng quá trời, cả đời ổng hiền lành đức độ, thương vợ thương con hết mức, đến khi tuổi già phúc còn chưa được hưởng thì họa đã đến”
“Tui thương ổng quá trời, cả đời ổng hiền lành đức độ, thương vợ thương con hết mức, đến khi tuổi già phúc còn chưa được hưởng thì họa đã đến”

Cũng theo lời người phụ nữ tội nghiệp, trước đó, mười bữa như một, lần nào con trai say rượu về nhà cũng chửi cha mắng mẹ, tiện tay vớ được cái gì là đập phá, cả nhà không ai được sống yên với nó. Mỗi lần như thế, chồng bà đều cắn răng nín thinh không nói một lời rồi lặng lẽ ôm gối ra sau vườn ngủ...

Đã gần một năm trôi qua, những người dân sinh sống ở ấp An Phong (xã Định An, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang) vẫn nhắc lại vụ án ông Ngô Tứ Thường (53 tuổi) đoạt mạng nghịch tử xảy ra vào đầu tháng 12/2015. Hầu hết họ đều cùng bày tỏ niềm cảm thông, thương xót cho hung thủ hơn là trách móc.

Đứa con say rượu đến mất lí trí

Căn nhà cấp bốn tuềnh toàng nằm sát bên mé kênh, phải băng qua những con đường hẹp, ngoằn ngoèo và những cây cầu tạm mới đến được đến nơi. Đã chiều muộn, bà Hà Thị Vân Em (54 tuổi, vợ của hung thủ cũng là mẹ ruột của nạn nhân) đang ngồi thất thần trước hiên nhà, chốc chốc người phụ nữ thân hình xác ve lại khẽ cúi đầu đưa vạt áo thấm nước mắt. 

Bà Em hồi tưởng, chiều 3/12/2015, bà đang cùng chồng cuốc đất vườn để chuẩn bị gieo trồng thì có người họ hàng xa đến thăm. Vì có khách nên ông Thường nghỉ tay vào nhà, còn bà đạp xe đi mua rượu và ít thịt cho chồng và khách lai rai.

Cuộc nhậu kéo dài đến 16h30 là kết thúc vì người họ hàng ở xa phải về sớm. Chiều ấy ông Thường uống không nhiều nhưng đầu óc choáng váng nên vào buồng ngủ, bữa tối cũng không thức dậy ăn cơm. 

Khoảng 20h hôm đó, người con trai thứ hai của vợ chồng bà Em cũng đưa bạn gái về nhà ra mắt. Khi con kêu đói, bà Em xuống bếp nấu nước pha mì tôm cho con. Cùng lúc đó, Ngô Hoàng Tam (24 tuổi, con trai út) vừa đi dự tiệc thôi nôi ở xóm bên “chân nam đá chân chiêu” trở về. Tam không vào nhà ngay mà chỉ ngồi yên trên xe rồi rú ga inh ỏi ở trước sân, vừa rú ga vừa la hét rất lớn gần nửa tiếng. 

“Tui biết thể nào nó cũng say, sợ nó quấy quá nên mấy mẹ con tắt hết đèn giả vờ đã đi ngủ. Nhưng nó xô cửa cái rầm. Vừa vào nhà nó chạy xộc vào phòng của ổng hét lên “thằng chó, đồ thằng chó Thường đâu rồi. Mày có ngon ra đánh tay đôi với tao”.

Tui hoảng quá chạy vào thì thấy ổng vẫn nằm im trên giường, giọng ổng như nỉ non van xin “từ sáng đến giờ cha đâu có nói gì con đâu Tam”. Tui ôm nó lại khuyên can nó say rồi thì đi ngủ nhưng nó hất người tui ra rồi lao vào giật mùng nơi ổng nằm nhưng ổng vẫn nhẫn nhịn”. 

Người phụ nữ đau đớn kể, gây sự với cha xong, Tam bực dọc chạy xuống dưới bếp thì gặp anh trai kế. Tam đòi tiền nhưng người anh trai hẹn đến sáng mai sẽ trả. Vẫn chưa hết bực tức, khi Tam thấy anh trai cả đang nằm trên võng thì hùng hổ xông đến đánh túi bụi đến chảy máu đầu.

“Tui chạy vô can ngăn nhưng sức tui yếu không thể can được. Một lúc sau tui thấy ổng tay cầm cây mác chạy xuống, run run nói “mày có chịu để yên cho làng xóm nghỉ ngơi không? Có tin tao giết mày không?”.

Tưởng con sẽ dừng tay, không đánh người thân nữa, nhưng ai ngờ nó xông vào đánh ổng. Rồi tui thấy nó gục xuống. Tui gọi cấp cứu nhưng đã không còn kịp...”, người mẹ giàn giụa nước mắt nhớ lại. 

Tự mình ra đường đợi công an đến bắt

Về phần người cha, sau khi gây án, đã run rẩy nhờ người dân đưa con đi cấp cứu. “Tui khóc, ổng cũng khóc quá trời. Khi mọi người nói Tam đã tắt thở, ổng ôm lấy thi thể nó khóc lấy khóc để... Vợ chồng tui chưa bao giờ đánh đập con một cái hay nói nặng nói nhẹ gì.

Những lần trước nó đi nhậu về đều quậy phá, chửi bới cha mẹ tàn tệ không còn cái gì nhưng nghĩ nó say nên ổng cũng chỉ nhẫn nhịn vì thương con. Hôm đó nếu nó không đánh anh trai ra nông nỗi sứt đầu mẻ trán thì ổng cũng tiếp tục nhẫn nhịn cho qua chuyện... Nhưng càng ngày nó càng quá đáng, ngỗ ngược ép ổng vào đường cùng phải cắt đứt tình cha con...”. 

Người vợ trào nước mắt nhớ lại: “Sau khi biết không thể cứu được con, ổng lấy điện thoại gọi cho công an ấp tự thú. Gọi xong cuộc điện thoại ổng một mình thất thểu đi ra trước cổng nhà.

Người dân cả ấp đồng loạt ký vào đơn xin giảm án cho ông Thường
 Người dân cả ấp đồng loạt ký vào đơn xin giảm án cho ông Thường

Tui hỏi ổng đi đâu thì ổng nói đi ra đường lộ để đợi công an đến giải đi, đặng đỡ mất công họ vào tận nhà, đường sá xa xôi lại ngoằn ngoèo khó đi. Vả lại ở nhà thêm một chút, nhìn thấy thi thể con lòng ổng lại đau như cắt, ân hận”

Bà Em ôm ngực: “Tui thương ổng quá trời, cả đời ổng hiền lành đức độ, thương vợ thương con hết mức, đến khi tuổi già phúc còn chưa được hưởng thì họa đã đến. Chỉ trong tích tắc tui mất con, cha nó cũng vào tù. Tui chạy theo ổng mà như đứt ruột đứt gan...

Ra đến đường lộ, ổng mếu máo nói: “Tui sai thì tui phải chịu. Tui tính rồi, tui định chia cho mỗi đứa con một công ruộng nhưng giờ ra nông nỗi này, bà ở nhà sắp xếp bán ruộng lo ma chay cho con, số tiền còn lại để dành đó để phụ nuôi cháu đến khi trưởng thành (con trai hơn 2 tuổi của Tam - PV). Con mình hư hỏng, ngỗ ngược nhưng cháu thì vô tội, nó còn nhỏ dại phải có người thân ở bên. Bà phải gắng gượng lên...”.

Theo lời kể của bà Em, từ khi bị cơ quan công an bắt tạm giam, ông Thường được cho là luôn thành khẩn tội nên quá trình điều tra kết thúc rất nhanh.

Ngay cả phiên tòa vừa qua cũng được xét xử rất chóng vánh và thấu tình đạt lý vì từ đầu đến cuối người cha cũng không một lời chối cãi, lúc nào cũng nhận là mình đã sai và xin được chịu trách nhiệm vì tội lỗi của mình.

Dựa trên những chứng cứ thu thập được ở hiện trường cùng lời khai các nhân chứng, tòa Kiên Giang tuyên án bị cáo 12 tháng tù.

Cả làng ký đơn xin giảm án 

Bà Em rưng rưng: “Ổng vừa bị công an dẫn đi, ngay trong đêm toàn thể người dân trong ấp ai cũng bàng hoàng không tin vào tai mình. Mọi người đều biết ổng hiền lành, tốt tính, trong làng ngoài xóm ai cũng quí mến.

Nghe có người mách nước gia đình làm đơn xin xem xét gửi lên cơ quan điều tra xin cho ổng được nhẹ tội nhưng tui không biết chữ, các con cũng ít học không biết viết thế nào.

Ngày hôm sau mọi người trong ấp bỏ hết công việc ruộng đồng tìm đến nhà tui viết đơn, rồi cùng ký vào đó... Có lẽ ổng ở hiền nên được mọi người che chở, được hưởng mức án nhẹ tay...”

Kể về người con trai, người mẹ cho hay Tam là con út trong ba người con trai của vợ chồng bà. Từ nhỏ Tam đã ít học, chỉ ở nhà phụ giúp cha mẹ công việc đồng áng. Cũng như hai người anh, từ thuở bé Tam vốn là đứa trẻ ngoan ngoãn, hiếu thảo, đi đâu, làm việc gì cũng xin cha mẹ. Nhưng khi lớn lên, Tam theo bạn bè lên tỉnh Bình Dương, Đồng Nai làm việc rồi dần dần trở nên đổi tính. 

Cuối năm 2012, Tam kết hôn với người bạn gái cùng làm công nhân ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Bà Em rưng rưng: “Nó yêu vợ lắm, cưới xong là lên đó (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) ở rể, bao nhiêu tiền bạc làm được cũng cung phụng hết cho nhà vợ, lễ tết cũng không gửi về cho cha mẹ đẻ một đồng...

Khi con dâu tui sinh cháu được vài tháng, vợ chồng tui lên thăm thì thấy vợ chồng nó lục đục cãi vã. Con dâu cũng chỉ ẵm cháu về thăm ông bà nội được vài ba lần rồi thôi. Hơn hai năm nay, vì con trai tui công việc thất thường nên bên nhà vợ hắt hủi, đuổi ra khỏi nhà. Không có nơi trú ngụ nó đành tay trắng trở về quê sống với vợ chồng tui, ai thuê gì làm đó”.

“Đứa khôn thương ít, đứa dại thương nhiều” vợ chồng bà Em thương Tam hơn cả hai người con đầu. Ông Thường cũng chưa một lần nặng nhẹ gì với con. Tuy nhiên, từ khi bị vợ hắt hủi, Tam đã không còn là chính mình.

“Làm được bao nhiêu nó đều nhậu hết. Thà nó nhậu rồi về nhà nằm ngủ thì không sao nhưng hễ nó say lại tìm người để rượt đuổi đánh, nhiều lần nó rượt ổng chạy khắp cả ấp, tui cũng bị rượt phải chạy đi trốn”. 

“Những lần như thế, suốt đêm ổng lại ôm gối ra vườn “trốn”. Ai đời cha mẹ già lại phải chạy trốn con bao giờ... Không chỉ đánh người nhà, nó còn đánh cả người đi đường ai nhìn thấy nó đằng tây là phải chạy ngay sang đằng đông... “Con dại cái mang”, vợ chồng tui khuyên nhủ nhiều nhưng nó vẫn chứng nào tật ấy. Giờ nó “vắn số” cũng vì tính côn đồ”, người mẹ thống lòng. 

Đọc thêm