Trại giam Tân Lập để phạm nhân đăng tải ảnh lên Facebook sẽ bị xử lý thế nào?

(PLO) - Luật sư Trương Quốc Hòe cho rằng, các cán bộ quản lý trại giam Tân Lập (Phú Thọ) đã để phạm nhân sử dụng điện thoại di động và đăng tải hình ảnh lên Facebook sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật, mà ở đây có thể bị xử lý kỷ luật theo các quy định về kỷ luật cán bộ, công chức...
Trại giam Tân Lập để phạm nhân đăng tải ảnh lên Facebook sẽ bị xử lý thế nào?

Xét về trách nhiệm của quản lý trại giam Tân Lập trong vụ việc để phạm nhân sử dụng điện thoại đăng tải hình ảnh ở trại giam lên Facebook, luật sư Trương Quốc Hòe (Trưởng văn phòng luật sư Interla, Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, Đối chiếu với các quy định trên thì việc những người giám sát trại giam Tân Lập quản lý lỏng lẻo để cho các phạm nhân mang điện thoại di động đã vi phạm quy định về trách nhiệm quản lý phạm nhân trong trại giam và có thể bị xử lý kỷ luật theo các quy định về kỷ luật cán bộ, công chức.

Ngày 10/9, Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp Bộ Công an đã xác minh làm rõ: phạm nhân Nguyễn Đức Hùng (SN 1991), can tội hủy hoại tài sản, môi giới mãi dâm, cướp tài sản, hiện chấp hành án tại Phân trại số 2, trại giam Tân Lập. Đây là đối tượng đã lén lút cất dấu, sử dụng điện thoại di động trái phép đăng tải hình ảnh chụp cùng một số phạm nhân khác đưa lên mạng facebook vào sáng ngày 03/9/2014.

Theo luật sư Trương Quốc Hòe, căn cứ theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Thông tư số 58/2011/TT-BCA Quy định về đồ vật cấm đưa vào trại giam, thì phạm nhân bị cấm mang điện thoại di động vào trong trại giam. Mặt khác theo quy định tại Luật thi hành án hình sự và Nghị định số 117/2011/NĐ-CP của Chính Phủ ngày 15/12/2011 của Chính Phủ quy định về tổ chức, quản lý phạm nhân và chế độ ăn, mặc, ở sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với phạm nhân, cán bộ quản lý trại giam phải phổ biến việc cấm mang các thiết bị vào trại giam và quản lý việc sử dụng thiết bị cấm trong trại giam một cách nghiêm ngặt. 

“Cán bộ quản lý trại giam là cán bộ, công chức theo quy định của Luật cán bộ công chức. Chiếu theo quy định tại Điều 3 trong Nghị định 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011, của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức, thì việc những người giám sát trại giam Tân Lập quản lý lỏng lẻo để cho các phạm nhân mang điện thoại di động. Do đó, cán bộ ở đây đã vi phạm quy định về trách nhiệm quản lý phạm nhân trong trại giam và có thể bị xử lý kỷ luật theo các quy định về kỷ luật cán bộ, công chức” – luật sư Hòe phân tích.

Luật sư Trương Quốc Hòe cũng cho rằng cần phải xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật đối với những cá nhân, tập thể để xảy ra vụ việc trên nhất là các cán bộ trực tiếp quản lý trại giam. Về nguyên tắc, trại giam là nơi cải tạo, giáo dục người phạm tội để họ có thời gian nhận thức, ăn năn, hối cải về hành vi phạm tội của mình. Đây cũng là nơi giáo dục đạo đức, văn hóa, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người phạm tội. Vì vậy, không nên biến nơi đây thành nơi chứa chấp, dung túng, phát sinh tội phạm.
Luật sư Trương Quốc Hòe
 Luật sư Trương Quốc Hòe
Luật sư Hòe nói: “Không phải tự nhiên mà người ta bị đầy ải vào nơi lao tù. Người xưa đã nói "nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại" do đó trong trại giam phải có sự rèn luyện và những hạn chế nhất định đối với sự tự do của người phạm tội thì phạm nhân mới thấy giá trị của tự do, khao khát tự do, trân trọng tự do để sau này ra ngoài sẽ sống tốt hơn, có ích hơn cho xã hội, có như vậy mới đạt được mục đích giáo dục, cải tạo của nhà giam. 
Nếu thời gian chấp hành hình phạt tù mà vẫn chỉ như "cấm cung" tại gia thì việc cải tạo sẽ không mấy hiệu quả, thậm chí phản tác dụng. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc, làm thực sự và triệt để để các trại giam được trở về đúng nghĩa của nó,để người dân thêm tin yêu vào chế độ, để những gia đình có con em trong thời gian cải tạo được yên tâm, hi vọng vào kết quả cải tạo tốt đẹp như mục đích mà pháp luật đã đề ra”.

Đối với đối tượng Nguyễn Đức Hùng dung điện thoại trong trại giam để truy cập Internet và truyền tải những thông tin ra ngoài của phạm nhân Hùng trong trại giam đã vi phạm quy định về cấm sử dụng các thiết bị như điện thoại di động trong trại giam (quy định về quản lý trại giam) và sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định về quản lý trại giam. Căn cứ theo quy định tại Điều 38 Luật thi hành án hình sự về xử lý phạm nhân vi phạm và Điều 16 Luật thi hành án hình sự năm 2010 về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của trại giam để xử lý.

Nói về những hình ảnh được đối tượng Hùng đăng tải lên Facebook và cho rằng đang sử dụng ma túy, luật sư Hòe chỉ rõ việc các cán bộ trại giam sẽ xem xét, điều tra những bức ảnh đó là có thật hay không?!.  Sau  đó thông báo để cơ quan điều tra tiến hành điều tra, khởi tố nếu có dấu hiệu của tội phạm hình sự.
Trước đó, Trung tướng Cao Ngọc Oánh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII) đã khẳng định: Quan điểm của tôi cũng như Tổng cục là sẽ phải làm kiên quyết để trong sạch nhà tù. Tuy nhiên, giải quyết không thể là một sớm một chiều được. 
Phải xem xét trường hợp cụ thể, trong hoàn cảnh nào để xảy ra chuyện đó thì mới có thể có biện pháp xử lý về mặt trách nhiệm của cán bộ trực tiếp quản lý các buồng giam này. Chúng tôi sẽ kiểm tra, xem xét toàn diện chứ không phải đơn giản hóa vấn đề.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục đưa tin về diễn biến của vụ việc này...

Đọc thêm