Tranh cãi công tội vụ nguyên Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Nguyên bị truy tố

(PLO) - Cho rằng tài sản kê biên không thuộc quyền sở hữu của bị can, đầu năm 2011, ông Dương Quang Hợp (lúc đó là Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Nguyên) đã ký Quyết định hủy bỏ lệnh kê biên tài sản của CQĐT Công an tỉnh Thái Nguyên. Với việc làm trên, ông Hợp bị cáo buộc về tội "ra quyết định trái pháp luật" liệu có hợp lý?
Bị cáo Nguyễn Thị Quỳnh Anh và Võ Khánh Dương
Bị cáo Nguyễn Thị Quỳnh Anh và Võ Khánh Dương

Tranh cãi “công- tội”? 

Theo Cáo trạng của VKSNDTC, trong quá trình điều tra vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đối với bị can Nguyễn Thị Quỳnh Anh và Võ Khánh Dương, vào cuối năm 2009, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Nguyên đã có lệnh kê biên một số tài sản của bị can. Kết quả điều tra xác định bị can đã chiếm đoạt hơn 183 tỷ đồng của 27 người bị hại.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ vụ án, ông Hợp đã chỉ đạo cấp dưới làm thủ tục và ký 3 quyết định hủy bỏ 3 lệnh kê biên của CQĐT, ký 7 quyết định trả vật chứng (được định giá trên 11,6 tỷ đồng) cho 5 bị hại và 2 người liên quan. Trong số người liên quan, ông Dương Văn Bắc được nhận 12 thửa đất tại phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên (tức Khu tổ hợp dịch vụ Quỳnh Anh, trị giá  tỷ đồng); ông Nguyễn Quốc Dũng  được nhận nhà đất tại phường Tân Thành, TP Thái Nguyên (trị giá 833 triệu đồng).

VKSDNTC cho rằng việc trả lại vật chứng cho các đương sự như trên của ông Hợp là trái quy định, tạo điều kiện cho bị can tẩu tán tài sản bị kê biên với số tiền hơn 10,7 tỷ đồng, dẫn đến việc 23 bị hại khác mất quyền được bồi thường trong số tài sản cuối cùng của 2 bị can…

Cho rằng mình bị truy tố oan sai, ông Hợp đã có nhiều đơn kêu oan khẳng định việc mình hủy bỏ lệnh kê biên là đúng luật và là cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho người liên quan. Trong vụ việc này, chính lệnh kê biên mới là văn bản sai quy định vì CQĐT đã kê biên “nhầm” những tài sản không thuộc sở hữu của bị can.

Tài sản được bị can chuyển nhượng trước khi khởi tố

Trình bày rõ hơn về việc kêu oan của mình, ông Hợp cho biết, đất và công trình tại khu tổ hợp dịch vụ Quỳnh Anh đã được vợ chồng bị can thế chấp vay tiền tại Ngân hàng NN&PTNT huyện Định Hóa. Do đến hạn mà không trả được nợ, vợ chồng Quỳnh Anh đã thỏa thuận chuyển nhượng cho ông Bắc nhà đất trên bằng đúng số tiền đang nợ Ngân hàng. Được sự đồng ý của Ngân hàng, ngày 6/11/2008 ông Bắc đã nộp vào Ngân hàng hơn 8,3 tỷ để rút Sổ đỏ, định làm thủ tục mua bán chính thức.

Ngày 7/11/2008, vợ chồng Quỳnh Anh và ông Bắc đã ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất và bàn giao tài sản. Thời điểm này, vợ chồng Quỳnh Anh không bị bất cứ hạn chế nào về quyền định đoạt đối với tài sản mang tên mình nên việc chuyển nhượng nhà đất cho ông Bắc là đúng quy định. Rất tiếc, khi ông Bắc đang làm thủ tục sang tên theo quy định thì có văn bản của CQĐT gửi UBND TP Thái Nguyên đề nghị tạm dừng làm thủ tục liên quan đến Sổ đỏ của vợ chồng Quỳnh Anh. Đến tháng 12/2009 thì CQĐT đã có lệnh kê biên đối với nhà, đất tại Khu tổ hợp dịch vụ Quỳnh Anh.

Theo ông Hợp thì việc ông Bắc chuyển tiền vào ngân hàng để trả nợ cho vợ chồng Quỳnh Anh là có thật; Việc chuyển nhượng nhà đất giữa ông Bắc và vợ chồng Quỳnh Anh là tự nguyện, diễn ra trước khi vụ án được khởi tố nên có thể khẳng định đây không phải là giao dịch bị cấm hay giao dịch giả tạo nhằm tẩu tán tài sản. Hơn nữa, ông Bắc cũng có đơn xin hủy bỏ kê biên để tiếp tục làm thủ tục chuyển nhượng, tránh thiệt hại cho gia đình. Từ các căn cứ trên, ông Hợp đánh giá, CQĐT đã sai lầm khi xác định vật chứng của vụ án nên đã “kê biên nhầm” cả những tài sản không thuộc sở hữu của bị can.

Hơn nữa, thời điểm VKSND tỉnh Thái Nguyên thụ lý hồ sơ thì VKSNDTC có công văn lưu ý “chưa có cơ sở vững chắc để cho rằng vợ chồng Quỳnh Anh phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Trong hoàn cảnh này, với mong muốn tránh hậu quả nặng nề khi cứ kéo dài lệnh kê biên và để khắc phục sai lầm của CQĐT, ông Hợp đã ký Quyết định hủy bỏ các lệnh kê biên của CQĐT.

Ông Hợp đặt vấn đề, nếu tôi không hủy bỏ kê biên trong trường hợp này thì cũng là sai và chắc chắn sẽ có khiếu kiện từ phía ông Bắc. Chẳng lẽ ông này bị “mất trắng” hơn 8,3 tỷ đồng trong khi việc mua bán nhà đất với vợ chồng Quỳnh Anh là ngay tình và không trái luật? 

Có thỏa mãn dấu hiệu tội phạm

Trong báo cáo của Ban cán sự Đảng VKSND tỉnh Thái Nguyên và Nghị quyết họp Ban cán sự Đảng VKSNDTC đều đánh giá, việc làm của ông Hợp là do “nhận thức pháp luật” hoặc “do nhận thức sai về việc đánh giá giữa vật chứng và tài sản bảo đảm thi hành án” và “chưa phát hiện có hành vi tham nhũng, tiêu cực”.

LS Nguyễn Anh Tuấn (Cty Luật TNHH Trường Lộc) có cho rằng, dấu hiệu đặc trưng của “Tội ra quyết định trái luật” là người ra quyết định phải “biết rõ là trái luật” và “gây thiệt hại cho lợi ích Nhà nước, lợi ích của tổ chức, công dân…”. Tuy nhiên, với quan điểm tại hai văn bản nêu trên thì có thể thấy,  không có chuyện ông Hợp cố tình ký quyết định hủy bỏ lệnh kê biên khi đã “biết rõ” là trái luật.

Hơn nữa, tại Quyết định giám đốc thẩm vào tháng 6/2016, Hội đồng thẩm phán (HĐTP) TANDTC cũng đã nhận định rõ, “CQĐT chưa điều tra làm rõ tài sản nào của vợ chồng Dương, Quỳnh Anh sử dụng tiền vay của những người bị hại trong vụ án để mua, tài sản nào do phạm tội mà có, là vật chứng của vụ án, tài sản nào thuộc diện kê biên…để làm căn cứ xử lý theo đúng quy định của pháp luật”. Từ đó, HĐTP TANDTC đã hủy bản án phúc thẩm và sơ thẩm để điều tra lại.

LS Tuấn đánh giá, vào thời điểm tháng 6/2016, vụ án đã qua nhiều lần điều tra lại và qua nhiều phiên tòa khác nhau nhưng HĐTP TANDTC vẫn chưa thể đánh giá được tài sản nào thuộc diện phải kê biên. Như vậy thì làm sao có thể bắt buộc ông Hợp, vào thời điểm đầu năm 2011 phải biết rõ đâu là tài sản thuộc diện kê biên, đâu là tài sản không thuộc diện kê biên. Tức là không có căn cứ để đánh giá việc ông Hợp “biết rõ” sai mà vẫn làm. Chính vì vậy, việc kêu oan của ông Hợp là có cơ sở. 

Đọc thêm