Tranh chấp đất thừa kế, anh em lôi nhau ra tòa

(PLO) - Chuyện xảy ra tại một gia đình ở Bình Định có 7 người con, khi cha mẹ mất đi để lại hàng ngàn m2 đất không có di chúc, các con mâu thuẫn liền kéo nhau ra tòa để chia thừa kế. 
Toàn cảnh phiên tòa.
Toàn cảnh phiên tòa.
Không dừng lại ở phiên tòa sơ thẩm, 7 người con lại kéo nhau lên tòa phúc thẩm. Tại đây, HĐXX đã tuyên hủy bản án, yêu cầu điều tra xét xử lại.
Theo bản án sơ thẩm, ngày 16/4, nguyên đơn là bà Tạ Thu Hiền (SN: 1954, trú tổ 11A, Khu vực 5) đại diện cho 5 chị em trong gia đình kiện bà Nguyễn Thị Lài (SN: 1946, trú thôn Vân Hội 2) cùng thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước, Bình Định để đòi lại một phần đất mà cha mẹ để lại để làm nhà thờ.
Cụ Tạ Chương Nông chết năm 1972 và cụ Đặng Thị Thảo chết năm 2009, có 7 người con. Sau khi chết, hai cụ có để lại diện tích đất 1.785m2, tại thửa đất số 1356, tờ bản đổ số 8, tại thôn Vân Hội 2, thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước, Bình Định. 
Lúc cụ Thảo còn sống, các con không ai nhắc đến di sản thừa kế, đến năm 2009 cụ chết, một năm sau đó (năm 2010) bà Hiền mới khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế, mục đích khởi kiện chỉ để lấy một phần đất làm nhà thờ hương hỏa cho cha mẹ.
Nếu xét theo thời gian cụ Nông chết thì đến nay thời hiệu khởi kiện đã hết. Việc chia di sản thừa kế của cụ ông sẽ không còn hiệu lực. Đối với cụ bà thì vẫn còn hiệu lực.
Từ đó, HĐXX căn cứ vào việc hiệu lực chia di sản của cụ bà vẫn còn và căn cứ Nghị quyết của UB Thường vụ Quốc hội thì cụ Nông có 2 người con định cư nước ngoài từ năm 1992 nên đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của đương sự.
HĐXX đã định giá tài sản đất của hai cụ và phân chia cho 7 người con. Phần di sản của cụ Thảo có 738, 281 triệu đồng được chia làm 7 phần, mỗi người con được thừa hưởng 187, 5 triệu đồng.
Trong đó có 5 người con của cụ đã ủy quyền tài sản thừa kế này cho bà Hiền và họ quyết định không nhận tiền chỉ nhận đất với diện tích 652,3m2 để làm nhờ thờ (trong đó có 50 m2 đất ở, 602,3 m2 đất vườn). Phần còn lại giao cho bà Lài quản lý, sử dụng với diện tích 1.132,7m2 đất (trong đó có 90m2 đất ở, 1.047,7m2 đất vườn). 
Tòa án sơ thẩm đã thống nhất với việc phân chia này là hoàn toàn có tình, có lý. Tuy nhiên, bà Lài đã không đồng ý với việc phân chia đó, bà khởi kiện phúc thẩm và muốn mình được hưởng trọn số di sản mà hai cụ để lại, bởi lâu nay bà sống cùng hai cụ và có công tôn tạo, gây dựng trên mảnh đất đó, còn các người con khác cũng đã có gia thất riêng.
Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm ngày 7/9, HĐXX đã nhiều lần phân tích, di sản cha mẹ để lại, các con đều được thừa hưởng quyền lợi như nhau nhưng bà Lài vẫn không đồng ý với bản án sơ thẩm, không đồng ý rút đơn khởi kiện.
Sau đó, HĐXX đã căn cứ vào các tình tiết, đặc biệt trong đó có một số tình tiết của bản án sơ thẩm chưa được làm rõ, như chưa có một bằng chứng nào chứng minh hai cụ có hai người con đi Mỹ vào năm 1992 để áp dụng Nghị Quyết về thời hiệu chia di sản của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, nếu phân chia di sản thì sẽ phân chia đồng đều, ai cũng có quyền thừa hưởng như nhau, nên tòa tuyên hủy bản án sơ thẩm điều tra lại.

Đọc thêm