"Truy" trách nhiệm trong vụ lừa đảo tại Dự án giãn dân phố cổ?

(PLO) - Ngày thứ hai xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Dự án giãn dân phố cổ của quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, trách nhiệm của các bị cáo và Công ty Hồng Hà đối với khoản tiền gần 170 tỷ đồng huy động từ 143 lượt khách hàng đã được đem ra mổ xẻ.
Do bị cáo Thanh ốm, có lúc Tòa phải yêu cầu bị cáo Lợi dịch lại những lời bị cáo này đã nói
Do bị cáo Thanh ốm, có lúc Tòa phải yêu cầu bị cáo Lợi dịch lại những lời bị cáo này đã nói
Như PLVN thông tin, sau khi được Chủ đầu tư dự án giãn dân phố cổ Hà Nội là UBND quận Hoàn Kiếm giao nghiên cứu “Đề án giãn dân phố cổ” để thu xếp nguồn vốn thi công khu nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ tại khu đô thị Việt Hưng theo chủ trương huy động nguồn vốn xã hội hóa, Công ty CP Phát triển Kinh tế Hà Nội (Cty Hà Nội) và  Công ty CP Vật liệu Xây dựng & Xuất nhập khẩu Hồng Hà (Cty Hồng Hà) đã sử dụng các Quyết định, Công văn, tài liệu mà UBND quận Hoàn Kiếm đã ban hành để khách hàng tin Cty là chủ đầu tư dự án được phép huy động vốn, ký hợp đồng mua bán căn hộ, ký hợp đồng góp vốn, nhận tiền đặt cọc của 143 lượt khách hàng, thu và sử dụng trái quy định tổng số tiền là hơn 169,556 tỷ đồng.
Tòa “quy” trách nhiệm cá nhân của 4 bị cáo…
Trong vụ án này, 4 bị cáo bị xét xử vì tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” gồm: Nguyễn Đức Thắng (SN 1950, quận Ba Đình, Hà Nội), Trần Ứng Thanh (SN 1947, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) – nguyên Tổng Giám đốc Cty Hồng Hà, Nguyễn Đức Lợi (SN 1955, quận Ba Đình, Hà Nội) – nguyên Giám đốc Cty Hà Nội và bị cáo Nguyễn Quốc Xương (SN 1958, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) - nguyên Phó Giám đốc Cty Hồng Hà.
Theo cáo buộc của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, sau khi huy động số tiền lớn trên, tính từ năm 2010 đến hết tháng 6/2012, Cty Hà Nội và Cty Hồng Hà đã sử dụng hết số tiền này, trên chứng từ và sổ kế toán ghi lý do tạm ứng “phục vụ dự án mới”, “phục vụ dự án Việt Hưng”, “chuyển vốn cho Ban quản lý dự án” với hơn 81 tỷ đồng không có chứng từ hoàn ứng, không giải trình chi tiết được việc sử dụng số tiền này vào việc gì.
Đến nay, Cty Hà Nội và Cty Hồng Hà chưa thực hiện bất cứ công việc nào của dự án và mới hoàn trả gần 33 tỷ đồng. Các đối tượng đã bỏ trốn với mục đích chiếm đoạt số tiền trên 130 tỷ đồng.
Cáo trạng cũng chỉ rõ bị cáo Nguyễn Đức Thắng phải chịu trách nhiệm bồi thường trên 87 tỷ đồng, Trần Ứng Thanh bồi thường hơn 26 tỷ đồng, Nguyễn Đức Lợi bồi thường 8,5 tỷ đồng và Nguyễn Quốc Xương bồi thường gần 1,5 tỷ đồng.
Khách hàng “truy” trách nhiệm pháp nhân của Cty Hồng Hà
Phản đối cáo trạng quy trách nhiệm cá nhân cho 4 bị cáo đối với số tiền gần 170 tỷ đồng đã thu của người dân có nhu cầu, đại diện khách hàng cho rằng, họ giao dịch là giao dịch với Cty Hồng Hà, ký hợp đồng với Cty Hồng Hà chứ không giao dịch với cá nhân ông Thanh, ông Xương hay bất kỳ người nào trong 4 bị cáo đang được Tòa xét xử. Các giấy tờ giao dịch đều có “ký tá” của người có trách nhiệm và dấu của Cty.
Bao giờ người dân được trả lại tiền?
Bị cáo Xương cho biết, bị cáo này không hề được UBND quận Hoàn Kiếm gọi lên, và sau khi UBND quận Hoàn Kiếm có văn bản từ chối Văn bản số 592 về các ưu đãi cho doanh nghiệp, sau cả tháng bị cáo mới biết nên mới dẫn đến chuyện sau khi văn bản ra đời bị cáo vẫn ký một loạt phụ lục hợp đồng thu thêm gần 100 tỷ đồng của người dân. 
Cách trả lời của các bị cáo khiến cho Chủ tọa phiên tòa phải thốt lên: “Các bị cáo đã “đếm cua trong lỗ”, chứ đã làm gì mà tính 4.000 tỷ, chia 2%, 7% gì đó. Phó Tổng giám đốc làm gì mà ứng ngần ấy tiền rồi khai không biết dùng vào mục đích gì một cách dễ dàng như thế trong khi đó là mồ hôi, xương máu của bà con”. 
Cũng tại phiên tòa, ông Phạm Quốc Tuấn – Tổng Giám đốc Cty Hồng Hà thời điểm hiện tại – cho biết đã nhiều lần tiếp xúc với người dân. “Chúng tôi xác định Cty có trách nhiệm theo kết luận của cơ quan pháp luật. Tuy nhiên, sau đó chúng tôi cũng cần có phương án khắc phục, dù không thể ngày một ngày hai, nhất là trong bối cảnh khó khăn như hiện nay” -ông Tuấn nói.
Theo đại diện UBND quận Hoàn Kiếm, UBND quận Hoàn Kiếm đã gặp Cty Hồng Hà để thảo luận về việc tháo gỡ, và phía Cty khẳng định có trách nhiệm đối với vấn đề này, đồng thời báo cáo các phương án tháo gỡ và xin ý kiến chỉ đạo của quận và báo cáo lên thành phố. Gần đây nhất, ngày 3/6 Cty Hồng Hà đã báo cáo quận phương án xử lý tài sản của Cty (dự án 109 đường Trường Chinh và khu đất ở phường Hồng Hà) để giải quyết tháo gỡ hậu quả vụ việc.
Dự kiến ngày mai (11/6), Hội đồng xét xử tuyên án.
Các bị cáo thừa nhận đã thỏa thuận trong tổng giá trị dự án (ước tính khoảng 4.000 tỷ đồng), sẽ trích lại 7%, trong đó 2% dành cho Cty Hà Nội, 5% chi lo dự án.
HĐXX cũng đã tập trung làm rõ 59 lần nhận tạm ứng tổng số tiền 78 tỷ đồng của Nguyễn Đức Thắng từ Cty Hồng Hà chi cho ai, vào mục đích gì. Tuy nhiên, bị cáo này đều một mực khẳng định do bị cáo Thanh “sai đâu làm đấy” và đến nay không còn nhớ.

Đọc thêm