Tử tù “câu giờ” trong vụ thi thể cô gái mất mắt trong huyệt mộ (tiếp theo)

(PLO) - Tham dự cả hai phiên tòa sơ và phúc thẩm, xử Lò Văn Phóng - hung thủ vụ thi thể cô gái được tìm thấy dưới một huyệt mộ đã bốc cốt giữa rừng cao su trong tình trạng khỏa thân; PL&TĐ cũng nhận thấy nhiều nghi ngại trong cách khai báo của kẻ giết người.
Khai thêm tội ác, tử tù này ít nhất đã trì hoãn thêm thời gian sống ba năm
Khai thêm tội ác, tử tù này ít nhất đã trì hoãn thêm thời gian sống ba năm

Trước đó, trong bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Dương, HĐXX đã nhận định: “Hành vi phạm tội của Lò Văn Phóng (SN 1992, ngụ tỉnh Sơn La, người nhận án tử hình từ năm 2011 với tội danh giết người, cướp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây chấn động vùng núi Tây Bắc) hết sức nguy hiểm, thể hiện bị cáo không còn tính người”, và tuyên phạt Phóng mức án tử hình về ba tội giết người, cướp của, hiếp dâm.  

Lần giở lại chuỗi hành trình phạm tội liên tục của đối tượng suốt từ khi 16 tuổi đến ngày bị tuyên án tử hình ở Sơn La, có thể thấy đây là một đối tượng vô cùng manh động xảo quyệt.

Sau khi gây ra vụ án ở Bình Dương, Phóng trở về quê. Không một ai trong bản biết tội ác kinh hoàng Phóng đã gây ra. Một thời gian sau, Phóng bị phạt tù hai năm về tội trộm cắp tài sản.

Chỉ trong thời gian ngắn sau khi ra tù, đối tượng tiếp tục trộm 15 triệu và lừa bốn xe máy của những người quen ở hai tỉnh Lai Châu và Sơn La, mang đi bán lấy tiền tiêu xài.

Ngày 28/11/2011, Phóng xin đi nhờ xe của một người đàn ông để về nhà. Trên đường đi, đối tượng đã đưa người đàn ông tốt bụng vào sâu trong rừng và tay sát hại, cướp xe cũng toàn bộ số tiền nạn nhân mang theo.

Từ manh mối là chiếc xe bị cướp, bốn ngày sau công an tỉnh Sơn La bắt Phóng. Ngày 30/5/2012, Phóng bị TAND tỉnh Sơn La tuyên án tử hình về tội “Giết người” “Cướp tài sản”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Trộm cắp tài sản”. 

Đối tượng kháng cáo nhưng TAND tối cao tại Hà Nội bác đơn. Trong thời gian chờ thi hành án, tới lúc này Phóng mới “bất ngờ” khai nhận tội ác đã gây ra năm năm trước ở Bình Dương.

Bản án sơ thẩm ngày 16/4/2015 của TAND tỉnh Bình Dương tuyên phạt Phóng 18 năm tù, là mức hình phạt cao nhất áp dụng với đối tượng dưới 18 tuổi phạm tội. Tổng hợp với bản án của TAND tỉnh Sơn La, Phóng phải chấp hành hình phạt chung của các bản án là tử hình. 

Phóng lại tiếp tục làm đơn kháng cáo lên TAND cấp cao tại TP.HCM, đề nghị… giảm mức bồi thường. Đối tượng cho rằng mức bồi thường 90 triệu cho chị Ngoãn như phiên tòa trước đã tuyên là cao.

Ngày 4/3/2016, TAND cấp cao tại TP.HCM mở phiên xử phúc thẩm. Tại tòa, ngoài đối tượng Hiệp (chưa xác định được lại lịch), Phóng lại “bất ngờ” cho rằng có nhiều đồng phạm khác đã cùng mình tham gia gây án ở Bình Dương. Tuy nhiên khi HĐXX yêu cầu nêu tên tuổi địa chỉ của những người này, Phóng không cung cấp được.

Có mặt tại phiên tòa, chứng kiến thái độ ngông nghênh của Phóng, nhiều người có chung nhận định: Đối tượng tự thú vì ăn năn về tội lỗi, chỉ là một phần lý do. Không loại trừ khả năng bị cáo đang cố tình “câu giờ” để kéo dài thời gian chờ thi hành án. 

Nhận định trên không phải là không có cơ sở. Sau khi giết người man rợ ở Bình Dương, Phóng liên tục phạm nhiều tội mới. Khi bị TAND tỉnh Sơn La tuyên án tử, Phóng tiếp tục kháng cáo. Đến lúc bị TAND tối cao tại Hà Nội bác đơn kháng cáo, có thể đối tượng nhận thấy sắp bị thi hành án nên đã khai ra vụ án mạng ở Bình Dương hòng kéo dài thời gian điều tra. 

Sau khi TAND Bình Dương tổng hợp hình phạt, tuyên tử hình, một lần nữa đối tượng lại có đơn kháng cáo đòi giảm tiền bồi thường. 

Tại phiên phúc thẩm vừa qua, HĐXX TAND cấp cao tại TP.HCM nhận định mức án cũng như mức bồi thường mà tòa sơ thẩm đã tuyên là có căn cứ và đúng pháp luật nên đã bác đơn kháng cáo của Phóng./.  

Đọc thêm