Tuần đầu xét xử, Huỳnh Thị Huyền Như vẫn thản nhiên trước tòa

(PLO) - Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như thừa nhận các tội danh và chấp nhận mức án chung thân, chỉ kháng cáo xin lại biệt thự 43 tỉ cho mẹ bị cáo là bà Nguyễn Thị Lang. Để giải quyết vụ án minh bạch, HĐXX vẫn tiến hành thẩm vấn làm rõ hành vi phạm tội làm thất thoát gần 4000 tỷ đồng, chủ yếu xoáy vào hành vi của Như và các bị cáo giúp sức tích cực. 
Tuần đầu xét xử, Huỳnh Thị Huyền Như vẫn thản nhiên trước tòa
Với mục đích trên, HĐXX đã xét hỏi bị cáo Như và các đồng phạm về các nội dung: các loại tài khoản được mở trong ngân hàng, sự giống và khác nhau giữa các tài khoản này là gì, quyền của chủ tài khoản cũng như trách nhiệm của ngân hàng và quy trình thủ tục mở, gửi và rút tiền, trách nhiệm của ngân hàng đối với khách hàng trong việc quản lý tài khoản. Theo đó, sau mỗi câu hỏi của HĐXX về vấn đề tài khoản, bị cáo Như đều thoái thác nói mình không nhớ hoặc chỉ nhớ được có vậy, hoặc Như không trả lời vào trọng tâm câu hỏi của HĐXX khiến chủ tọa nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu bị cáo trả lời vào trọng tâm câu hỏi. 
Khi được thẩm vấn, các bị cáo Trần Thị Tố Quyên, Huỳnh Mỹ Hạnh (chị gái Như) - cùng bị cấp sơ thẩm tuyên 14 năm tù về tội “Lừa đảo” - đã khóc lóc, “kể khổ” trước Toà rằng bản thân họ chỉ là người làm thuê cho bị cáo Như mà bị liên luỵ và lờ đi khoản tiền mà họ đã được ăn chia, hưởng lợi bất chính.
Bị cáo Đoàn Lê Du (nguyên Trưởng phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng thuộc Vietinbank) lúc đầu thì kêu oan, cho rằng bị cáo đã “vô ý” để Như rút tiền của Ngân hàng ACB, Navibank và chiếm đoạt gần 264 tỷ đồng. Sau khi được HĐXX phân tích làm rõ Du đã cố ý tiếp tay cho Như để trục lợi, bị cáo Du đã xin giảm nhẹ hình phạt.
Đại diện Viện kiểm sát, các luật sư đã đặt các câu hỏi đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Như với số tiền 718 tỉ đồng của 19 nhân viên ACB được ủy thác. Như thừa nhận việc thỏa thuận mở tài khoản cho đến khi chuyển tiền vào chỉ thực hiện trong vòng một ngày và cũng khai việc mở các thẻ tiết kiệm là do các nhân viên ACB thực hiện, nhưng HĐXX cho rằng lời khai của các nhân viên ACB cho thấy họ không ký hồ sơ để chuyển tiền từ hình thức tiền gửi thanh toán sang thẻ tiết kiệm, những chữ ký của các nhân viên này là giả.
Bị cáo Như thản nhiên nói: “Nếu các hợp đồng đó là giả thì do bị cáo làm giả, bị cáo ký chữ ký giả.” Khi HĐXX hỏi ai cho phép bị cáo làm việc đó, bị cáo Như cho biết vì các nhân viên không mở nên không biết về các sổ tiết kiệm đó, vậy nên bị cáo tự mở thẻ để chiếm đoạt, chuyển tiền mà không cần khách hàng xác nhận. 
Vào giờ cuối của ngày 19/12, HĐXX xét hỏi bị cáo Phạm Anh Tuấn (nguyên Tổng Giám đốc Cty Thái Bình Dương) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Theo đó, án sơ thẩm cáo buộc Tuấn thỏa thuận với Như mang hàng nghìn tỷ đồng sang Vietinbank gửi dưới dạng hợp đồng ủy thác đầu tư để lấy lãi, sau khi tất toán đã bị Như chiếm đoạt 80 tỷ đồng. 
Trước đó, Như khai đã chi lãi suất ngoài hợp đồng cho Tuấn số tiền 121 tỷ đồng nhưng Tuấn cho rằng không hề nhận một đồng nào của Như. Khi VKS công bố kết quả điều tra của cơ quan chức năng xác định Tuấn đã nhận 72 tỷ đồng được chuyển vào tài khoản của Tuấn tại một ngân hàng khác và thể hiện thông qua bảng sao kê tại ngân hàng, lúc này Tuấn lại cho rằng đây là số tiền do kinh doanh và vay của người thân.
Hôm nay (22/12), phiên tòa sẽ tiếp tục với phần thẩm vấn.
PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin./.

Đọc thêm