Vì sao Phạm Công Danh có thể rút hàng nghìn tỷ đồng bằng... chỉ đạo miệng?

(PLO) - Sau 3 ngày  xét xử, phiên tòa xét xử Phạm Công Danh (SN 1965, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam – VNCB, cựu Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm mới kết thúc phần công bố cáo trạng dài 123 truy tố các bị cáo ra trước TAND TP.HCM. Phần thẩm vấn bắt đầu từ chiều 21/7 và trong cả ngày hôm qua - 22/7 đang dần làm rõ hành vi của các bị cáo về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. 
Phạm Công Danh tại Toà
Phạm Công Danh tại Toà

Đối với tội danh “Cố ý làm trái…”, cơ quan tiến hành tố tụng khẳng định, các bị cáo có những hành vi sau: Lập khống hồ sơ thực hiện đề án nâng cấp hệ thống CoreBanking để rút của VNCB số tiền 63 tỷ đồng; Lập khống hợp đồng thuê hai lô đất ở 268 Tô Hiến Thành và 816 Sư Vạn Hạnh để rút của VNCB số tiền gần 600 tỷ đồng; Rút gần 5200 tỷ đồng trong tài khoản của nhóm Trần Ngọc Bích mà không có chữ ký của chủ tài khoản, không có chứng từ, rút 300 tỷ không có hồ sơ vay gây thiệt hại khoảng 5.400 tỷ đồng; Rút 900 tỷ từ VNCB thông qua hình thức ủy thác đầu tư trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh thông qua Công ty Quỹ Lộc Việt.

Trong hành vi này, tòa làm rõ hành vi lập khống hồ sơ nâng thực hiện đề án nâng cấp hệ thống CoreBanking, lập hợp đồng khống thuê hai lô đất ở 268 Tô Hiến Thành và 816 Sư Vạn Hạnh. Hành vi ủy thác đầu tư trái phép cũng đã được tòa làm rõ. Tòa đã thẩm vấn Phan Thành Mai – cựu Tổng Giám đốc VNCB – người đóng vai trò chốt yếu trong vụ án. Tòa cũng thẩm vấn Mai Hữu Khương – cựu Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn. Người được xác định là chủ mưu của vụ án Phạm Công Danh vẫn chưa được thẩm vấn và có vấn đề về sức khỏe.  

Theo lời khai của các bị cáo liên quan tại tòa chiều 21/7, số tiền rút ra là để chi chăm sóc khách hàng, trả nợ… Đặc biệt số tiền chăm sóc khách hàng cũng khiến cho Phan Thành Mai phải “sốc” vì quá lớn. 

Mở đầu phiên làm việc sáng qua (22/7), Thẩm phán Huỳnh Thị Việt Tiến thẩm vấn bị cáo Lê Công Thảo (cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Ngân hàng VNCB). Trả lời thẩm vấn liên quan đến hành vi làm khống hồ sơ nâng cấp hệ thống CoreBanking để rút số tiền 63 tỷ đồng của VNCB, Thảo cho hay được Phan Thành Mai chỉ đạo soạn đề án nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin. Theo lời khai của Thảo thì Tổng Giám đốc là người làm việc với Công ty An Phát. Về số tiền tạm ứng 63 tỷ đồng, Thảo cho hay, việc ký số tiền tạm ứng không liên quan đến bị cáo và không gây ra rủi ro gì cho ngân hàng. Sau một hồi vòng vo, Thảo cho rằng mình làm tròn trách nhiệm của mình, bị cáo không đồng ý với truy tố của cáo trạng.

Nguyễn Thị Kim Vân – Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV TM&DV Hương Việt - được thẩm vấn liên quan đến hành vi làm hợp đồng khống liên quan đến việc cho thuê trụ sở 816 Sư Vạn Hạnh, rút ruột của Ngân hàng VNCB số tiền khoảng 400 tỷ đồng. Vừa sụt sùi, Vân vừa thừa nhận mình đã ký 3 ủy nhiệm chi liên quan đến vụ thuê mặt bằng 816 Sư Vạn Hạnh. Việc ký tên vào những giấy tờ này, do bị cáo tin tưởng vào Tập đoàn Thiên Thanh và Phạm Công Danh. Nhận thức hành vi của mình làm sai pháp luật, bị cáo rất ăn năn.

Chủ tọa thẩm vấn Hoàng Đình Quyết, cựu Phó Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn về hành vi liên quan đến hành vi rút gần 5200 tỷ đồng nhưng chứng từ không có chữ ký của chủ tài khoản, rút 300 tỷ đồng không có hồ sơ vay, gây thiệt hại cho VNCB số tiền gần 5500 tỷ đồng. Quyết cho biết, mọi việc liên quan đều được cựu Chủ tịch HĐQT VNCB chỉ đạo bằng miệng và theo đó, Quyết đã mở hợp đồng tiền gửi vào, cầm cố sổ tiết kiệm và cho vay tiền, chuyển tiền… Ngoài ra còn làm việc với nhóm Trần Ngọc Bích về việc cho vay một số hợp đồng tín dụng bởi vị cựu Chủ tịch HĐQT VNCB chỉ đạo đây là khách hàng ưu tiên… Được HĐXX cho nêu ý kiến về việc liên quan đến việc rút gần 5200 tỷ đồng không có chữ ký của chủ tài khoản, Quyết thừa nhận sai pháp luật và xin được xem xét hành vi của mình. 

Liên quan đến hành vi rút số tiền của nhóm Trần Ngọc Bích, đại diện của nhóm Trần Ngọc Bích là bà Nguyễn Thị Thanh Thảo cũng được chủ tọa yêu cầu trả lời thẩm vấn. Tuy nhiên, việc xuất hiện sổ giao nhận kế toán cho những chứng từ không có chữ ký của nhóm Trần Ngọc Bích nên chủ tọa yêu cầu phải có mặt của những người trực tiếp liên quan đến vụ việc trong nhóm này để làm rõ vấn đề như Trần Ngọc Bích, Vũ Anh Tuấn… Ngày 25/7 tới, Tòa sẽ làm việc trở lại và tiếp tục phần thẩm vấn.

Đọc thêm