Vì sao tạt axit hầu hết chỉ bị xử tội “Cố ý gây thương tích”?

(PLO) - Dư luận thắc mắc tại sao hành vi tạt xăng phóng hỏa dù bị hại chỉ bị thương tích ở mức độ, không chết nhưng hung thủ luôn bị xử về tội “Giết người”, trong khi hành vi tạt axit gây tổn hại nặng nề cho sức khỏe, nhiều trường hợp dẫn đến tử vong lại chỉ bị xử về tội “Cố ý gây thương tích”?.
Vì sao tạt axit hầu hết chỉ bị xử tội “Cố ý gây thương tích”?
Những vụ tạt axit thương tâm...
Tối 3/8/2013, gia đình anh Đ ở phường Cửa Bắc (TP.Nam Định) gồm 5 người đang ngồi ăn cơm thì thấy gã thợ mới bị gia đình đuổi việc tên là Đặng Đình Hải (SN 1990, ngụ tại xã Mỹ Hưng, huyện Bình Lục, tỉnh Nam Định), xộc thẳng vào nhà. Khi mọi người còn chưa kịp phản ứng thì bị can axit đậm đặc trên tay tên Hải hắt thẳng vào đầu, mặt, cổ khiến cả gia đình hét lên kinh hoàng rồi quằn quại trong đau đớn.
Cả 5 nạn nhân đều dính axit và được đưa đi cấp cứu. Trong đó, vợ chồng anh Đ và bà mẹ vợ chỉ bị bỏng axit ở mức độ vừa phải. Riêng hai bé gái con của vợ chồng anh Đ bị bỏng axit nặng, trong đó, con gái lớn 12 tuổi bỏng axit diện rộng, bị hôn mê, phải điều trị dài ngày tại bệnh viện. Các nạn nhân may mắn được cấp cứu nên không nguy hiểm đến tính mạng nhưng sức khỏe bị tổn hại rất nặng nề, vết thương ảnh hưởng lớn đến thẩm mĩ.  
Đối tượng Đặng Đình Hải bị bắt khẩn cấp ngay sau khi gây án. Nguyên nhân phạm tội, theo Hải khai là hắn tức tối trả thù việc bị chủ nhà sa thải. Tuy nhiên, lại chính Hải khai ra rằng, lý do khiến hắn bị sa thải là do quá trình làm công, giữa Hải và cháu T con lớn của gia đình ông chủ có quan hệ yêu đương. 
Gia đình anh Đ biết chuyện, ngăn cản Hải vì bé T còn quá nhỏ, mới 12 tuổi, đang học lớp 5. Từ đó, Hải sinh lòng thù tức, tỏ thái độ hỗn láo với vợ chồng anh Đ nên bị gia đình cho nghỉ việc. Cay cú, Hải đã mang cả can axit đến trả thù. Hiện Công an TP.Nam Định đã hoàn tất điều tra đối với Đặng Đình Hải về hành vi “Cố ý gây thương tích”.
Trước đó, vào khoảng 20h ngày 1/6/2013, một vụ tạt axit dã man cũng đã xảy ra tại bến xe buýt trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội) khiến dư luận bàng hoàng. Khi đó anh Nguyễn Văn C (SN 1985, quê huyện Lạng Giang, Bắc Giang) đang đứng chờ xe buýt trên đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy) thì bất ngờ bị một người phụ nữ xách một xô đựng axit lao tới hất thẳng vào người. Gây án xong, đối tượng nhảy lên xe chờ sẵn gần đó để tẩu thoát.
Bị tạt một xô axit, anh C bị bỏng nặng, hai hành khách đứng chờ xe buýt cạnh cũng bỏng lây. Thủ phạm được xác định là Trần Thị Hiệp (SN 1986) người vợ đang làm thủ tục ly hôn với anh C. Nguyên nhân gây án ban đầu xác định do Hiệp ghen tuông bệnh hoạn, ả nghi ngờ anh C ngoại tình nên mới đòi ly hôn với vợ nên rắp tâm trả thù bằng axit. Người xe ôm chở Hiệp đi gây án tên là Trương Như Lập (SN 1977, ngụ tại xã Phú Diễn, Từ Liêm) được xác định là đồng phạm giúp sức cho Hiệp thực hiện vụ trả thù bằng axit dã man. 
Hiệp quê ở Thanh Hóa, trước khi lấy anh C, Hiệp có một đời chồng. Sau khi ly hôn người này, Hiệp vào miền Nam làm ăn, rồi quen và yêu anh C. Hai người đăng ký kết hôn và sinh sống tại quê anh C ở Bắc Giang. Quá trình chung sống, mặc dù hai người đã có một con chung nhưng Hiệp mắc “bệnh” ghen tuông bệnh hoạn, chưa kể tính tình rất hung dữ, quá quắt. 
Hiệp từng làm thủ tục đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan để cải thiện kinh tế gia đình. Nhưng vì bản tính ghen tuông bệnh hoạn nên Hiệp đã bỏ dở hợp đồng lao động, về nhà để “giữ chồng”. Trước đó, vì ghen tuông nên Hiệp đã nhiều lần đến cơ quan anh C chửi bới, lăng mạ. Hiện Công an quận Cầu Giấy đã hoàn tất điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát cùng cấp để chuẩn bị truy tố Trần Thị Hiệp, Trương Như Lập về hành vi “Cố ý gây thương tích”.
Xử về tội danh nào là thỏa đáng?
Ai cũng biết sức hủy hoại ghê gớm của axit đậm đặc đối với thẩm mỹ, sức khỏe của con người. Nhiều nạn nhân tuy không chết nhưng suốt đời thành tàn phế, phải sống trong nỗi đau đớn, mặc cảm về thể xác và tinh thần. Dư luận càng lên án hung thủ bao nhiêu thì càng bức xúc khi thấy những kẻ dã tâm tạt axit hầu hết chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích’. 
Nhiều người thắc mắc: Tại sao hành vi tạt xăng phóng hỏa để trả thì luôn được xác định phạm vào tội “Giết người” dù nhiều trường hợp nạn nhân chỉ bị bỏng nhẹ, không chết?. Trong khi hành vi tạt axit gây thương tật rất nặng nề, nếu không được cấp cứu kịp thời, không kiên trì điều trị thì sẽ dẫn đến tử vong nhưng hầu hết thủ phạm chỉ bị xác định là “Cố ý gây thương tích”.
Một chuyên gia pháp lý phân tích: Bỏng do cháy xăng có thể ảnh hưởng ngay đến tính mạng, vì xăng bén lửa bùng phát trong tích tắc, gây tỉ lệ tử vong rất cao nếu không cứu kịp thời. Trong khi bỏng axit đa phần chỉ gây sát thương, không tử vong ngay mà phải trải qua quá trình nhiễm trùng vết thương, gây suy hô hấp... Bên cạnh đó, xét về ý thức chủ quan, động cơ mục đích phạm tội thì kẻ tạt axit hầu hết chỉ muốn hủy hoại về sức khỏe, nhan sắc, “dằn mặt” đối phương chứ không cố ý tước đoạt tính mạng. Hành vi khách quan của thủ phạm cũng phải chứng minh được ý thức đó. Chính vì thế nhiều trường hợp chỉ có thể truy cứu về tội cố ý gây thương tích. 
Luật gia Nguyễn Thị Xuân Phương (Nguyên Phó Chánh án TAND TP Hà Nội) phân tích:
Thực tế hành vi tạt axit có thể truy tố theo 2 tội danh “Cố ý gây thương tích” hoặc “Giết người”, tùy theo tính chất hành vi và điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. 
Bà Phương phân tích: “Muốn xác định một hành vi là gây thương tích hay giết người, phải căn cứ vào hành vi khách quan, động cơ, mục đích, hậu quả thương tật... Thực tế, nạn nhân bị bỏng do tạt axit thường có tỉ lệ sống cao, không tử vong ngay hoặc không có khả năng tử vong ngay. Vậy nên thường khó quy kết các đối tượng gây án bằng axit về tội giết người, trừ khi hậu quả chết người xảy ra tức khắc”.
Bên cạnh đó, ý thức chủ quan của kẻ gây án chỉ là xâm phạm sức khỏe của nạn nhân, hành vi khách quan chỉ gây sát thương chứ không dẫn đến hậu quả chết người. Tuy nhiên, khác với những kẻ giết người có thể bột phát gây án, còn kẻ gây thương tích bằng axit bao giờ cũng có sự chuẩn bị, tính toán rất kỹ lưỡng, chọn thời điểm mới tấn công... Đây chính là yếu tố mà cơ quan pháp luật lưu ý để áp dụng tình tiết tăng nặng. 
Theo bà Phương, để xác định đó là hành vi giết người, phải căn cứ vào nồng độ đậm đặc của axit, vị trí tạt axit (đầu, mặt), hành vi phạm tội quyết liệt đến cùng thể hiện việc cố ý tước đoạt tính mạng nạn nhân... Những trường hợp đó, không thể căn cứ vào hậu quả chết người có xảy ra hay không, vì tội giết người có cấu thành hình thức. Mặc dù, khi lượng hình về tội “Cố ý gây thương tích” trong trường hợp tỉ lệ thương tật cao và tội “Giết người” chưa đạt thì hình phạt cũng tương đương nhau, nhưng nếu bị định tội danh “Giết người” bao giờ hành vi có tính chất, mức độ nguy hiểm cao hơn.
Trước vấn nạn dùng axit để giải quyết mâu thuẫn một cách tàn ác, bà Nguyễn Thị Xuân Phương cho rằng liên ngành tố tụng cần sớm có hướng dẫn riêng về loại hành vi này, chỉ rõ trường hợp nào xử về tội “Giết người”, trường hợp nào là “Cố ý gây thương tích” để pháp luật vận dụng thống nhất, đồng bộ. 

Đọc thêm