Viên đạn "bay hình vòng cung" và những bất thường trong vụ án giết người

(PLO) - Ngày 25/6 vừa qua, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã mở lại phiên tòa xét xử 7 bị cáo trong vụ “Giết người” và “Hủy hoại tài sản” xảy ra ngày 8/1/2013 tại khu vực đập Vực Trống, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Cùng với nhiều điểm mâu thuẫn trong hồ sơ vụ án thì qua phần xét hỏi tại phiên tòa, lại tiếp tục xuất hiện nhiều mâu thuẫn mới.
Viên đạn "bay hình vòng cung" và những bất thường trong vụ án giết người
Nhiều tài liệu bị bỏ ngoài hồ sơ
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát (VKS) đã công bố bản Cáo trạng được ban hành từ tháng 10/2013, trong khi tháng 2/2014 cơ quan điều tra (CQĐT) đã có kết luận điều tra bổ sung. Rõ ràng bản cáo trạng này không đảm bảo khách quan vì kết quả điều tra bổ sung của CQĐT đã không được cơ quan công tố “cập nhật” kịp thời. 
Phát biểu trước Tòa, Luật sư (LS) Dương Kim Sơn cho rằng đã có những sai phạm tố tụng nghiêm trọng khi Tòa có công văn “thẳng” tới CQĐT để yêu cầu điều tra bổ sung mà không qua VKS; sau khi điều tra bổ sung, CQĐT cũng không có kết luận điều tra bổ sung theo đúng quy định và những tài liệu điều tra bổ sung có trong hồ sơ vụ án đều không được đánh số bút lục…
Tại Tòa, bị cáo Nguyễn Viết Hưng còn khai: “Trong quá trình điều tra bổ sung thì bị cáo đã được điều tra viên (ĐTV) lấy lời khai 3 lần”. Tuy nhiên, trong hồ sơ do CQĐT chuyển giao cho Tòa đã không thấy tài liệu này. Vì vậy, trong phần tranh luận, LS  Sơn “tố”:  “Đã có dấu hiệu của việc làm sai lệch hồ sơ vụ án khi ĐTV không đưa các bản cung vào hồ sơ vụ án. Bản thân ĐTV cũng đã tiến hành làm việc với LS khi thực hiện điều tra bổ sung, có lập biên bản nhưng tài liệu này cũng không thấy đâu”.
Viên đạn bay hình vòng cung?
Vụ án xuất phát từ cuộc “hỗn chiến” giữa 2 nhóm người tại khu vực Đập Trống vào tối 8/1/2013, làm anh Nguyễn Văn Hưng tử vong do bị gãy xương sườn làm vỡ mỏm tim, bị chém ở hai tay và nhiều vết thương khác, trong đó có một vết bắn từ lưng, xuyên vào khoang bụng. Bốn đối tượng phía đối thủ của nạn nhân đã bị khởi tố, truy tố về tội “Giết người” và “Cố ý hủy hoại tài sản” do có hành vi đánh, chém nạn nhân và đập phá xe ô tô gồm Nguyễn Viết Lợi, Nguyễn Viết Nam, Nguyễn Viết Thành, Nguyễn Văn Thịnh. Hai bị cáo khác bị truy tố về tội “Cố ý hủy hoại tài sản”.
Riêng về vết bắn trên người nạn nhân thì VKS lý giải, anh Lam đã bị trúng đạn từ khẩu súng trong tay của bị cáo Nguyễn Văn Hưng (em vợ anh Lam). Lúc đó, thấy bị cáo Nam xông vào định đánh mình thì Hưng đã cầm súng, hướng về phía Nam nổ súng nhưng đạn bay trượt mục tiêu và trúng vào anh Lam. Lúc bị trúng đạn, anh Lam vừa đánh nhau với Thịnh, Lợi (bị hai bị cáo này chém vào hai cánh tay) và đang đứng ở phía trên dốc, lưng quay về phía bị cáo Hưng.
Bị cáo Hưng kêu oan về tội “Giết người”, cho rằng mình không sử dụng súng. Khi đến hiện trường, thấy phía bên kia đông người và mang nhiều hung khí nên Hưng vẫn khoác súng ở sau lưng và bỏ chạy. Lời khai của các bị cáo khác và nhân chứng đều cho thấy không ai nhìn thấy bị cáo Hưng nổ súng để bắn ai. Bản thân bị cáo Nam - là người đứng gần Hưng nhất cũng khẳng định: “Bị cáo không nghe thấy tiếng súng nổ, không nhìn thấy Hưng bắn anh Lam”. 
Bị cáo Nam còn cho biết, khi vừa xuống xe máy thì bị cáo Hưng giơ súng lên dọa nên bị cáo bỏ chạy. Một, hai phút sau quay lại thì thấy anh Lam đang chém nhau với Lợi và Thịnh. Lúc đó, anh Lam vừa đánh, vừa lùi”. Ngoài ra, Nam cũng khẳng định: “Hưng chỉ giơ súng lên dọa bị cáo một lần duy nhất”. Bị cáo Thịnh và Lợi cũng khai anh Lam chém nhau với hai bị cáo thì không thấy anh Hưng có mặt ở đó và anh Lam vẫn khỏe mạnh bình thường.
LS Sơn cho rằng, anh Lam không thể trúng đạn lúc Hưng giơ súng lên dọa Nam được bởi nếu anh Lam đã bị viên đạn xuyên vào thủng ruột non và dạ dày thì sau đó không thể chém nhau kịch liệt với Lợi và Thịnh được mà phải gục tại chỗ.  Nếu có đạn bay ra từ khẩu súng trên tay Hưng, trúng vào anh Lam thì viên đạn phải có hướng đi từ trên xuống dưới. Nhưng vết đạn trong người anh Lam lại có chiều ngược lại - từ dưới lên trên.
Nghi vấn về khẩu súng thứ 2
Tuy Hưng bị cáo buộc “nổ súng” làm đạn trúng vào anh rể nhưng kết quả giám định lại không xác định được viên đạn trong người nạn nhân có phải là được bắn ra từ khẩu súng thể thao Hưng đã cầm hay không (nòng súng thu được bị cong, không thể bắn để lấy đầu đạn giám định). Đã vậy, kết luận giám định cũng chỉ kết luận đầu đạn trong người anh Lam  “bằng chì” chứ cũng không rõ có phải đạn của loại súng thể thao hay không. Vậy nhưng không hiểu sao CQĐT vẫn suy luận theo kiểu “chỉ có Hưng cầm súng thể thao” nên Hưng là thủ phạm.
LS Sơn cho rằng, nếu không giám định được thì cần suy luận theo hướng “vô tội” chứ không thể suy luận theo hướng có tội như trên. Ngoài ra, nghi vấn về khẩu súng thứ 2 vẫn chưa được làm rõ.
Nhiều lời khai cho thấy phía đối thủ của anh Lam cũng có ít nhất một khẩu súng. Bản thân Nam từng có lời khai:  “Thấy chú Lợi cầm súng, chĩa về phía anh Lam”. Tuy nhiên, sau khi thu được súng tại nhà bị cáo Quang thì CQĐT lại cho rằng đây là khẩu… “súng hơi”.
Việc thu giữ khẩu “súng hơi” này của CQĐT lại vô lý ở chỗ Quang khai chôn súng ở vườn thì CQĐT lại thu súng ở trong “gầm giường”, vì cho rằng con trai Quang đã đào súng lên cất vào gầm gường. Nếu vậy thì ai dám khẳng định con trai Quang không “đánh tráo” khẩu súng này thành súng hơi để có lợi cho bố mình? Nghi vấn về khẩu súng thứ 2 còn trùng hợp ở chỗ, trên kính xe ô tô mà các bị cáo đập phá ở hiện trường có một vết thủng cỡ đầu ngón tay và trên nắp ca pô xe còn có một vết cày xước. 
Không đồng ý với kết luận của cơ quan giám định cho rằng dấu vết này là do dao và vật cứng có cạnh sắc gây ra, chủ chiếc xe là anh Nguyễn Viết Hùng vẫn khẳng định “đây là vết đạn bắn vì lúc đó không có đối tượng nào chui vào xe để gây nên dấu vết này” và “đề nghị cơ quan giám định lại để xác định có phải vết đạn hay không”
Chính từ sự phức tạp này nên Hội đồng xét xử (HĐXX) đã phải nghị án kéo dài, đến ngày 1/7 tới đây mới tuyên án../.

Đọc thêm