Vờ được thanh lý xe Chính phủ, lừa hàng chục tỷ đồng

(PLO) - Hôm qua (5/5), TAND TP Hà Nội đã mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Thị Hải (SN 1978, trú tại Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cùng ra trước vành móng ngựa với Hải là 2 bị cáo Nguyễn Thành Sơn (SN 1990, quê Nam Định), Trần Văn Bình (SN 1992, quê Yên Bái) bị truy tố về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Vờ được thanh lý xe Chính phủ,  lừa hàng chục tỷ đồng

Khoảng tháng 4/2013, qua các mối quan hệ xã hội, Hải rêu rao với chị H và ông Đỗ V.A (Vĩnh Phúc) về khả năng kinh doanh có lợi nhuận cao. Để hai người tin tưởng, Hải chìa hợp đồng mua bán tinh quặng đồng ký kết với Vinacomin (do Sơn và Bình làm giả) cho ông A, chị H xem rồi rủ họ góp tiền đầu tư chung, lợi nhuận chia cho 2 nạn nhân là 1 triệu đồng/1 tấn quặng. Đồng ý với phương án của Hải, ông A nhiều lần chuyển tiền cho Hải tổng số 5,41 tỷ đồng.

Trong thời gian này, ngoài việc giả mạo hợp đồng mua bán tinh quặng đồng, Hải còn nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của ông A, chị H thông qua thủ đoạn khác. Hải đưa ra thông tin giả về việc Văn phòng Chính phủ bán thanh lý cho Hải lô xe ô tô biển ngoại giao, giá trị lên đến 38 tỷ đồng và mời chị Hà góp vốn đầu tư chung, hưởng lãi theo tỷ lệ góp vốn. Chị H cũng sốt sắng chuyển tiền cho Hải hàng tỷ đồng mà không chút đắn đo.

Sau khi chuyển tiền mà không thấy Hải tiến hành việc mua bán xe, chị H thúc giục liên tục nên Hải nghĩ ngay chiêu trò đối phó. Hải làm giả Giấy hẹn ngày lấy xe thanh lý ngày 28/8/2013 của Văn phòng Chính phủ bằng cách tự soạn thảo mẫu giấy có nội dung: “Văn phòng Chính phủ thanh lý cho Nguyễn Thị Hải 40 xe ô tô các loại”. Hải chuẩn bị sẵn văn bản có mẫu chữ ký của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, mẫu dấu của Văn phòng Chính phủ và mang ra thuê Sơn scan dấu, chữ ký. Đối với sự việc này, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 1948 trả lời: Việc điều chuyển, thanh lý xe ô tô thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ chỉ là đơn vị phối hợp và bản photo giấy hẹn ngày lấy xe thanh lý (do chị H cung cấp, bản chính bị Hải vứt đi) là giả mạo.

Như vậy, chỉ vì cần tiền phục vụ làm ăn và chi tiêu cá nhân, Hải đã dùng thủ đoạn lừa đảo ông A và chị H được 2 phi vụ trót lọt, tổng cộng 17,36 tỷ đồng. Trong đó, Hải khai đưa 4 tỷ đồng cho em chồng làm hợp đồng tinh quặng đồng. Tuy nhiên, cơ quan điều tra không thu được chứng từ giao dịch và người em chồng cũng khẳng định không hề nhận số tiền nào từ Hải để kinh doanh khoáng sản hay đầu tư làm ăn.

Danh sách nạn nhân của Hải không dừng ở đây. Hải còn làm giả hợp đồng mua bán biệt thự tại khu đô thị mới Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội (là nhà Hải thuê của chị S) bán cho chị N lấy 5,5 tỷ đồng và nhận đặt cọc 1 tỷ đồng cho căn nhà tại Quế Võ, Bắc Ninh. Trước thời điểm phiên tòa diễn ra, Hải khắc phục hậu quả được 1,153 tỷ đồng cho ông A, chị H và 1,5 tỷ đồng cho chị N.

Để thực hiện hành vi lừa đảo của mình, Hải đã nhờ Sơn và Bình dùng thủ đoạn scan các mẫu dấu và chữ ký của các cán bộ cơ quan có thẩm quyền làm giả Hợp đồng mua bán tinh quặng đồng, Giấy hẹn ngày lấy xe thanh lý, Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà ở, Biên bản bàn giao căn hộ biệt thự trên, Hợp đồng vay tài sản…

Cũng trong vụ án, có sự tham gia của một số công chứng viên khi làm thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền cho Hải và chị N. Nhưng cơ quan điều tra cho rằng không đủ cơ sở xử lý với vai trò đồng phạm bởi hợp đồng ủy quyền được lập sau khi chị H đã chuyển tiền đặt cọc. Cơ quan điều tra đã gửi thông báo đề nghị Sở Tư pháp TP Hà Nội nghiên cứu và có hình thức xử lý hành vi vi phạm của công chứng viên.

Tại phiên tòa sơ thẩm, do thiếu vắng các bị hại và có sự thay đổi Kiểm sát viên giữ quyền công tố nên HĐXX tuyên tạm hoãn phiên tòa. Dự kiến, phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày 26/5 tới đây./.

Đọc thêm