Vụ án chấn động Yên Bái: "Chạy trời không khỏi nắng", cái ác đã phải trả giá

(PLO) - Tại phiên tòa hình sự sơ thẩm diễn ra vào ngày 18/3/1995, Hội đồng xét xử tuyên phạt Nguyễn Văn Hậu mức tổng hợp là tử hình cho hai tội ác “Giết người” và “Cướp tài sản” mà hắn đã gây ra.

Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
“Trốn” vào trại tạm giam để tránh truy nã
Trong khi lần tìm lại hồ sơ, chúng tôi được các cán bộ ở đây kể về hành trình ly kỳ khi phá vụ án này. Theo đó, tổ trọng án khám phá ra vụ án gồm các đồng chí Thực, Loạn, Thu, Chi... đều đã chuyển công tác và giữ các vị trí quản lý khác nhau. Chính các anh là người trực tiếp phá vụ án và đấu tranh với đối tượng Nguyễn Văn Hậu khi y bị bắt. Một cán bộ nói vui với chúng tôi: “Nếu ngày ấy không có biện pháp nghiệp vụ kịp thời, chắc chắn vụ án này sẽ còn rất khó khăn để tìm ra thủ phạm đấy”.
Ông Bùi Đức Nhiệm kể lại: “Ngày ấy tôi là Phó trưởng Công an huyện Văn Yên, nhiệm vụ của mũi trinh sát mà tôi phụ trách là rà soát tất cả các bến đò để khoanh vùng các đối tượng khả nghi. Chi tiết ông Hợi (người lái đò) cung cấp có chở một thanh niên vào buổi sớm là một chi tiết rất quý giá, tuy nhiên, ông Hợi lại khôn nhớ trông người thanh niên đó như thế nào, ra sao vì trời lúc đó vẫn còn chưa tỏ nên công tác điều tra đã gặp không ít khó khăn. Chúng tôi cũng tỏa đi tìm các manh mối liên quan khác đến thanh niên này nhưng lúc đó còn vắng người đi lại nên không ai biết cả”.
Một người trực tiếp tham gia phá án hồi đó là ông Bùi Trung Thực kể về hành trình phá vụ án “cô giáo Hoan 1995”: “Vụ án ở Hoàng Thắng là một trong những vụ trọng án nổi bật của tỉnh Yên Bái từ trước đến nay. Phá vụ án này là một chiến công lớn của Công an tỉnh Yên Bái lúc bấy giờ bởi nó rất gian nan và vất vả”.
Ông Thực nhớ lại: “Sau khi vụ án xảy ra, hơn hai mươi trinh sát đã được tung ra để tập trung rà soát các đối tượng khả nghi. Khi xuống đến hiện trường, chúng tôi thấy có sự xáo trộn lớn. Điều này cho thấy hiện trường đã có sự lục lọi và khả năng có sự chống trả của nạn nhân với đối tượng. Mới vào hiện trường, tôi phát hiện trên bàn có dấu hiệu bất thường, ngoài cốc nước còn có tàn thuốc lá rơi. Điều này cho thấy có sự giao tiếp giữa nạn nhân và hung thủ gây án. Thu thập đầu lọc thuốc lá tại hiện trường, cán bộ trinh sát đã thu giữ dấu vân tay của một người lạ. Dấu vân tay này cũng thu được trên cốc nước trên bàn và nhiều vật dụng khác. Cách hiện trường xảy ra sự việc, tại một bụi cây gần đó chúng tôi cũng thu được một đầu lọc thuốc lá. Hung thủ rất có thể đã quan sát kỹ lưỡng địa bàn và từ đây đi vào nhà”.
Ngay sau đó, Ban chuyên án đã họp và đưa ra các nhận định sơ bộ. Trước hết, gia đình cô giáo Hoan sống một mình ở gần đó và không thân thích với ai. Quan hệ của cô giáo tiểu học này chắc chắn không phải là rộng. Qua lời kể của bà con lối xóm xung quanh đó có thể khẳng định nạn nhân không có mâu thuẫn với ai tới mức có thể bị trả thù. Vụ án cũng được nhận định là một vụ giết người, cướp của. Thêm một chi tiết nữa mà Ban chuyên án hết sức lưu ý, đây là địa bàn hẻo lánh, ít người qua lại, đối tượng gây án không thể ở quá xa nơi đây và phải rất thông thạo địa hình. Hung thủ gây án có mối quan hệ với gia đình nạn nhân bởi không nhất thiết hung thủ phải giết cháu bé bởi chỉ có thể sợ cháu bé phát hiện nên đã ra tay dã man như vậy.
Đội trọng án khi đó có hơn 20 chiến sĩ đã lên đường ngay hôm nhận được tin báo. Vượt đường núi khó đi, thời tiết lạnh giá gần cả tháng trời để tập trung xác minh và sàng lọc hàng loạt các đối tượng khả nghi. Trong khi đó, lực lượng dân quân và công an địa phương cũng ráo riết truy tìm hung thủ nhưng dường như những nỗ lực đó chưa đem lại những thông tin thật cụ thể của hung thủ gây án. Tiến hành đấu tranh với các đối tượng khả nghi, các trinh sát bắt đầu thấy rằng đây là một vụ án cực kỳ hóc búa chứ không hề dễ dàng. Các đối tượng nghi vấn lần lượt có chứng cứ ngoại phạm. Vậy hung thủ thực sự của vụ án này đang ở đâu? 
Bán kính tính từ hiện trường vụ án được mở rộng nhưng vẫn chưa có kết quả. Sắp hết giai đoạn điều tra mà vụ án như mò kim đáy bể. Ban chuyên án đặt quyết tâm phải phá bằng được vụ án này để xứng đáng niềm tin của nhân dân. Không loại trừ tất cả các biện pháp nghiệp vụ, Ban chuyên án đã rà soát một số đối tượng đang nằm trong trại tạm giam công an tỉnh năm đó. Rất có thể, đối tượng gây án có thể nằm trong các đối tượng bị bắt vì một lỗi khác để chạy trốn sự truy bắt mà vào đây.
Suy đoán này bắt đầu có cơ sở khi Ban chuyên án chú ý tới một đối tượng tên Nguyễn Văn Hậu, dáng người nhỏ thó và qua xác minh nhanh, Hậu có một người chị gái gần nhà cô giáo Hoan và trong thời gian gần đây, y cũng thường xuyên đi chặt nứa và vầu đem bán từ xã Hoàng Thắng. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những nghi vấn ban đầu của Ban chuyên án vì nhà Hậu khá xa hiện trường gây án, hơn 10km. Hơn nữa, Hậu bị Công an huyện Trấn Yên bắt vì trộm một chiếc xe đạp của ông Nguyễn Văn Bảo ngày 23/1/1995. 
Sau hơn một tuần quan sát và theo dõi âm thầm những hành vi của Hậu trong buồng tạm giam, Ban chuyên án càng có cơ sở để khẳng định nghi vấn của mình khi thấy nhiều đêm Hậu có biểu hiện bất thường như la hét, gặp ác mộng... Khi y chuẩn bị được thả và chỉ phải chịu phạt hành chính về hành vi trộm cắp xe đạp thì các trinh sát xuất hiện, yêu cầu Hậu về cơ quan điều tra để phục vụ việc thẩm vấn.
Tuy nhiên lúc này Hậu tỏ ra khá bình tĩnh, liền đó mấy ngày Hậu đều lầm lì và không có biểu hiện gì bất thường như trước đó đã xảy ra với y. Các trinh sát trong Ban chuyên án quyết tâm và kiên trì đấu tranh với đối tượng trong khi chờ kết quả đối chiếu dấu vết vân tay của Viện Khoa học hình sự giữa dấu vân tay ở điếu thuốc, chiếc cốc uống nước với dấu vân tay của Hậu.
 
Cũng trong thời gian đấu tranh với Hậu, các trinh sát tiếp tục bổ sung các chứng cứ quan trọng khác. Trong số này, đáng lưu tâm nhất là chiếc áo lông của cô giáo Hoan. Thường ngày, hàng xóm của cô nói cô có một chiếc áo khoác ngoài bằng lông rất hay mặc mà hôm khám nghiệm hiện trường không thấy. Từ những mô tả bên ngoài chiếc áo này, các trinh sát phát hiện chị Bùi Thị Nga có mặc một chiếc áo tương tự như vậy. Qua việc xác minh chiếc áo này, các trinh sát có được thông tin chiếc áo của chị Nga mua từ một người thanh niên ở Việt Thành với giá 40.000 đồng. Ngay lập tức, lực lượng trinh sát đã cho chị Nga nhận mặt Hậu thì chị khẳng định đó chính là người thanh niên đã bán áo cho mình.
Gần một tuần sau khi đấu tranh với Hậu, bản giám định số 59/1995 của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an khẳng định hai mẫu vân tay mà Công an tỉnh Yên Bái yêu cầu giám định hoàn toàn trùng khớp với nhau. Đến lúc này, Hậu mới cúi đầu nhận tội. Sau này, Hậu khai với cơ quan điều tra rằng, hắn linh tính mình sẽ bị bắt vào sáng ngày cuối của tháng 1/1995 đó. Đã nhiều đêm khi bị tạm giam, hắn cảm thấy lo sợ thực sự, cảm giác có tiếng khóc của cháu Phúc như lúc nào cũng văng vẳng bên tai hắn. Có lẽ vì tâm trạng lúc nào cũng bồn chồn, bất an đã khiến Hậu khủng hoảng tinh thần thực sự. Chính biểu hiện này, y đã không thể qua mắt được cơ quan công an.
Cái ác phải trả giá
Từ đây, chân dung của kẻ thủ ác Nguyễn Văn Hậu được cơ quan điều tra dựng lại đầy đủ. Y sinh ra trong một gia đình đông anh em nhưng chỉ học hết lớp 4. Sau đó, Hậu xin đi lính nghĩa vụ và được biên chế vào lực lượng Bộ đội Biên phòng bảo vệ biên giới tại Sơn La. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ trở về, Hậu không tu chí làm ăn và nghe theo lời khuyên của bố mẹ, y lao vào cờ bạc và lô đề dẫn đến việc nợ ngập đầu. Do gần đến ngày xiết nợ và bị các chủ đề đòi nợ liên tục mà không có tiền trả nên Hậu nghĩ quẩn, nảy sinh ý định đi cướp của giết người.
Do có thời gian đi chặt vầu và nứa bán ở Hoàng Thắng, Hậu quen và thường xuyên vào chơi nhà cô giáo Hoan. Thấy cô giáo Hoan sống một mình lại ở nơi vắng vẻ, lại thấy cô giáo này bán hàng nên y nghĩ chắc cô có tiền nên lập kế hoạch dã man. Trước ngày gây án một tuần, hắn thường xuyên ở nhờ nhà chị gái của mình ở bên cạnh quan sát và theo dõi mọi động tĩnh của nhà nạn nhân. Y cũng không quên thi thoảng lại vào mua điếu thuốc hay que kem để quan sát thêm ngôi nhà. Chính vì thân quen với Hậu mà cô giáo Hoan đã không để ý để rồi bị y ra tay hãm hại.
Kể về nguyên nhân trộm cắp chiếc xe đạp, Hậu khai một phần vì bí tiền nhưng phần khác y biết chắc rằng sau khi gây án thể nào cơ quan công an cũng truy tìm ráo riết, chạy đâu cũng không thoát được và lại ít người quen nên y nghĩ chỉ có cách trốn vào trại tạm giam bằng một vi phạm nào đó, đợi khi vụ án và dư luận lắng xuống thì ra tù sẽ trốn chạy sau. Kế hoạch nham hiểm và cũng hết sức ranh ma của kẻ sát nhân đã không thể chiến thắng quyết tâm phá án của lực lượng cảnh sát hình sự Yên Bái. Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ đồng bộ, vụ án tưởng chừng đã có lúc bế tắc cuối cùng đã được hoàn thành một cách xuất sắc.
Tại phiên tòa hình sự sơ thẩm diễn ra vào ngày 18/3/1995, Hội đồng xét xử tuyên phạt Nguyễn Văn Hậu mức tổng hợp là tử hình cho hai tội ác “Giết người” và “Cướp tài sản” mà hắn đã gây ra. Bản án là cái giá phải trả cho tội ác không thể dung thứ của Hậu được dư luận và nhân dân lúc đó đồng tình, ủng hộ. Cho đến nay, mỗi khi nhắc đến vụ án này, nhiều người dân Yên Bái đều biết tới và coi đó là một trong những vụ án khó quên tại địa phương. Ở góc độ khác, vụ án này là một chiến công rất đáng biểu dương của Công an tỉnh Yên Bái khi đã nhanh chóng, kịp thời phá vụ án bằng biện pháp nghiệp vụ xuất sắc, đã bắt cái ác phải trả giá, tạo được niềm tin lớn trong quần chúng nhân dân.
Chú thích ảnh:
Ông Chính kể lại buổi sáng kinh hoàng cho phóng viên
Ông Chính chỉ nền ngôi nhà cũ của nạn nhân và nơi phát hiện cháu bé
Ông Bùi Trung Thực - người trinh sát trực tiếp phá án năm nào (xóa bảng tên ông này đi vì không biết bây giờ làm ở đâu rồi)

Đọc thêm