Vụ án “hai con dê qua cầu” và cái chết tức tưởi của người say

(PLO) - Đường nhỏ nên chẳng bên nào chịu nhường bên nào khiến đôi bên xông vào đánh nhau túi bụi. Một người say ngồi sau xe không tham gia cuộc chiến, nhưng kết cục vẫn bị đánh chết. Tuy nhiên, không ai chịu thừa nhận mình là hung thủ khiến cho vụ án trở nên rối bời.

Bị cáo trước vành móng ngựa.
Bị cáo trước vành móng ngựa.
Khoảng 9h ngày 26/3/2014, Trương Văn Đức ở ấp Lương Thuận, xã Lương Qưới, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre đi đám giỗ tại nhà chú ruột là Trương Văn Cái. Do uống nhiều rượu, Đức bị say không tự về được nên khoảng 19h cùng ngày, ông Cái chở Đức về. 
Chạy được một đoạn thì ông Cái gặp Nguyễn Tường Linh đang chở Trần Văn Hiền (đều là người cùng xã với ông Cái) đang đi chiều ngược lại. Do đường nhỏ nên Linh dừng xe lại để tránh, nhưng ông Cái không chịu xuống tránh mà chửi Linh. Bực tức, Hiền dùng mũ bảo hiểm đánh vào mặt ông Cái. Ông Cái cũng dùng mũ bảo hiểm đánh lại Hiền và Linh, còn Đức do say nên chỉ ngồi bên đường một lúc rồi lăn ra ngủ.
Linh bị ông Cái đánh vào mắt choáng váng, ngồi ôm mặt. Ông Cái bị Hiền đánh rơi xuống mương và bỏ chạy. Nghe tiếng kêu cứu, nhiều người nhậu gần đó chạy tới can ngăn và dìu Linh cùng xe về, còn Hiền vẫn nán lại. Đi được một đoạn thì Linh và các nhân chứng nghe tiếng huỳnh huỵch nên ngoái đầu lại thì thấy Hiền đang dùng chân đạp vào đầu Đức.
Một lúc sau, ông Cái dẫn thêm người tới yểm trợ. Tuy nhiên khi tới hiện trường thì phe của Hiền đã về hết, chỉ còn Đức nằm đó với nhiều vết máu trên mặt. Mọi người kêu công an tới cùng đưa Đức đi cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng nên Đức đã không qua khỏi.
Tại phiên tòa sơ thẩm của TAND tỉnh Bến Tre, bị cáo Hiền không thừa nhận hành vi giết người của mình và khai cũng không hề nhìn thấy Linh đánh Đức. Tuy nhiên, Linh và nhiều nhân chứng khác (hầu hết là thân thích với Linh) thì cho rằng nhìn thấy Hiền đã dùng chân đạp vào đầu nạn nhân. Từ đó, TAND tỉnh Bến Tre đã tuyên phạt bị cáo Hiền 20 năm tù về tội “Giết người”.
Sau đó Hiền làm đơn kêu oan. Ngày 12/10/2015, TAND Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Bị cáo Hiền một mực khẳng định mình không hề đánh nạn nhân. 
Rất nhiều nhân chứng được mời tới tòa, nhưng lời khai có sự bất nhất, mâu thuẫn nhau. Ông Cái là chú ruột của bị hại, được Hội đồng xét xử (HĐXX) đặt nhiều câu hỏi về việc có nhìn thấy ai đánh anh Đức hay không thì ông này lúc nói có lúc nói không. Chủ tọa công bố lời khai của ông, khi Đức chưa chết thì ông khai khác, khi Đức chết rồi ông lại khai khác.
HĐXX phân tích, khi xảy ra đánh nhau chỉ có 4 người. Ông Cái là chú ruột nên không thể nào đánh cháu tử vong được. Còn lại hai người là Đức và Linh, một trong khai người sẽ là hung thủ, hoặc cả hai là hung thủ gây nên cái chết cho Đức.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Hiền cho rằng hồ sơ vụ án có rất nhiều điểm vi phạm tố tụng, lời khai của các các nhân chứng rất bất nhất.
Đồng tình với quan điểm này, đại diện VKS cho rằng án sơ thẩm chưa đảm bảo tính khách quan, có dấu hiệu phản ánh không trung thực, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Xét thấy vụ án có nhiều vấn đề bất nhất, có dấu hiệu của việc bỏ lọt tội phạm nên HĐXX đã quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm như đề nghị của đại diện VKS và luật sư.

Đọc thêm