Vụ án lập kỷ lục xét xử' sau 6 ngày gây án: Chuyên gia pháp lý giải thích về “thủ tục rút gọn”

(PLVN) - Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình vừa có thư gửi TAND huyện Tiên Yên, Quảng Ninh, cơ quan vừa đưa ra xét xử theo thủ tục rút gọn bị cáo Đào Xuân Anh Doanh về tội “Chống người thi hành công vụ” theo khoản 1 Điều 330 Bộ luật Hình sự và tuyên phạt bị cáo 9 tháng tù giam.
Phiên xử được mở sau 6 ngày bị cáo gây án.
Phiên xử được mở sau 6 ngày bị cáo gây án.

Đây là vụ án đầu tiên trong cả nước xét xử vi phạm pháp luật liên quan đến phòng chống dịch bệnh theo chỉ thị của Chánh án TANDTC và hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. 

“Việc xét xử kịp thời vụ án này đã góp phần ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ của nhân dân, được dư luận đồng tình, đánh giá cao. Kết quả này thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm túc và sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Tiên Yên, Quảng Ninh”, thư của Chánh án TANDTC nêu.

Trước đó, như PLVN đã đưa tin, TAND huyện Tiên Yên sáng 10/4 đã mở phiên xét xử sơ thẩm và tuyên phạt 9 tháng tù giam với Đào Xuân Anh Doanh (SN 1990, ở huyện Tiên Yên) về tội “Chống người thi hành công vụ”. Vụ án được đưa ra xét xử lưu động và truyền hình trực tuyến đến 13 điểm cầu tại các xã, thị trấn của huyện để phục vụ công tác tuyên truyền.

Theo cáo trạng, khoảng 16h ngày 4/4, Nguyễn Văn Năm (SN 1992, ở xã Đông Hải, huyện Tiên Yên) chạy xe máy BKS 14B7-605.08 chở Doanh đi từ thôn Phương Nam về thôn Đông Ngũ Kinh, xã Đông Ngũ. Cả hai đều không đội mũ bảo hiểm, không đeo khẩu trang.

Khi cả hai đến địa phận thôn Đông Ngũ Kinh thì được Tổ công tác phòng, chống dịch Covid-19 số 7 đang làm nhiệm vụ kiểm soát tại đây yêu cầu đo thân nhiệt, khai báo y tế và nhắc nhở cả hai quay lại đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang để phòng, chống dịch theo quy định.

Có hơi men trong người, Doanh đã không chấp hành các quy định mà còn có lời lẽ lăng mạ, chửi bới, thậm chí còn dùng mũ cối đánh các thành viên tổ công tác.

Đến sáng 5/4, sau khi nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, Doanh đã viết đơn, đến công an huyện đầu thú và bị khởi tố. Theo chính quyền địa phương, Doanh là đối tượng đã có tiền án về tội Cướp tài sản, chấp hành hình phạt và trở về địa phương năm 2017.

Tại phiên toà, bị cáo đã thừa nhận hành vi. Xét thấy hành vi của Doanh là nguy hiểm cho xã hội, làm ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự địa phương, đặc biệt trong thời điểm cả nước đang thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, HĐXX tuyên phạt Doanh 9 tháng tù giam.

Vụ án còn gây sự chú ý của dư luận khi lập kỷ lục chỉ 6 ngày sau khi gây án, bị án đã được đưa ra xét xử. PLVN đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Văn Thanh (Đoàn LS Bà Rịa – Vũng Tàu) về quy định tố tụng liên quan thủ tục rút gọn vụ án.

LS Trần Văn Thanh.
 LS Trần Văn Thanh.

Thưa LS, pháp luật quy định như thế nào về thủ tục rút gọn?

- Điều 318 BLTTHS 2003 quy định thủ tục rút gọn không áp dụng trong tất cả các giai đoạn tố tụng mà chỉ được áp dụng trong ba giai đoạn: Điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự. BLTTHS 2015 đã mở rộng phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn đối với cả giai đoạn xét xử sơ thẩm và phúc thẩm (Điều 455).

Theo Điều 456 BLTTHS 2003, các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn với vụ án như sau: 

Thứ nhất, người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang.

Thứ hai, sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng. Đây được xem là điều kiện mang tính định tính. Sự việc phạm tội đơn giản là những sự việc mà vấn đề cần chứng minh trong vụ án không phức tạp và dễ xác định. Sự việc phạm tội có chứng cứ rõ ràng, có thể hiểu là những chứng cứ phản ánh đầy đủ, chính xác và toàn diện những vấn đề phải chứng minh trong vụ án. 

Thứ ba, tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng, gây nguy hại không lớn cho xã hội, mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội đấy là đến ba năm tù.

Thứ tư, người gây án có căn cước, lai lịch rõ ràng. Vì sao quy định như vậy? Lý lịch của bị can, bị cáo ảnh hưởng đến năng lực trách nhiệm hình sự của họ; liên quan đến việc quyết định hình phạt (tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự). Căn cước, lai lịch của người phạm tội rõ ràng thì thời gian điều tra, xác minh có thể được rút ngắn, thời gian tố tụng được đảm bảo. 

BLTTHS năm 2015 đã quy định mở rộng hơn điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn, bổ sung thêm trường hợp người phạm tội tự thú về hành vi phạm tội của mình và phải đáp ứng 3 điều kiện còn lại là sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng; người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng. Đồng thời điều luật này cũng đã sửa đổi cụm từ “có căn cước, lai lịch rõ ràng” bằng cụm từ “có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng” nhằm thống nhất cách hiểu và áp dụng.

Cơ quan nào có thẩm quyền áp dụng thủ tục rút gọn?

- Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi vụ án có đủ điều kiện quy định nêu trên, CQĐT, VKS, Tòa án phải ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn. Thủ tục rút gọn được áp dụng kể từ khi ra quyết định cho đến khi kết thúc việc xét xử phúc thẩm, trừ trường hợp bị hủy bỏ.

Thời gian điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục rút gọn là bao lâu? 

- Thời hạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn tối đa là 42 ngày trong khi thời hạn xét xử phúc thẩm tối đa là thêm 22 ngày nữa. Tổng cộng cả hai phiên tòa là 64 ngày.

Thời hạn điều tra theo thủ tục rút gọn theo quy định BLTTHS 2015 là 20 ngày. Thời hạn được tính kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra. 

Sau khi nhận được quyết định đề nghị truy tố và hồ sơ vụ án của CQĐT thì VKS xem xét lại toàn bộ hồ sơ vụ án và trong thời hạn không quá 5 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ, phải ra một trong các quyết định sau: Truy tố bị can, trả hồ sơ để điều tra bổ sung, tạm đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án.

Thời hạn xét xử sơ thẩm là 17 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án thì phải đưa vụ án ra xét xử. Trong thời hạn này, thẩm phán được phân công chủ tọa phiên toà có nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ; giải quyết các khiếu nại và yêu cầu của những người tham gia tố tụng; tiến hành những việc khác cần thiết cho việc mở phiên toà. Trong thời hạn bảy ngày kể từ ngày ra quyết định, Toà phải mở phiên toà xét xử vụ án.

Thời hạn xét xử phúc thẩm là 22 ngày.

Việc áp dụng thủ tục rút gọn trong trường hợp của bị can Đào Xuân Anh Doanh có đúng hay không, thưa ông?

- Trong vụ án trên, theo tinh thần phòng chống dịch khẩn cấp trong thời điểm hiện nay, cùng với việc đáp ứng đủ các điều kiện Doanh tự nguyện đầu thú, khai nhận hành vi thì đủ điều kiện để xét xử theo thủ tục rút gọn.

Theo tôi, đây là việc làm cần thiết trong thời kỳ dịch bệnh hoành hành và cần ý thức chấp hành cao từ phía người dân cùng Nhà nước đồng hành chống dịch.

Xin cảm ơn ông!

Thủ tục rút gọn được áp dụng trong xét xử phúc thẩm khi có một trong các điều kiện: a) Vụ án đã được áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử sơ thẩm và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo; b) Vụ án chưa được áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử sơ thẩm nhưng có đủ các điều kiện rút gọn và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo.

Đọc thêm