Vụ án tòa huyện minh oan cho người bị cấp tối cao tuyên tội giết người

(PLO) - Trong thế giới tư pháp, trật tự uy quyền xét xử được phân định rõ ràng. Việc xét xử được tiến hành từ cấp tòa án thấp đến cao. Mục đích là để đảm bảo tính công minh và khách quan, công bằng và nghiêm khắc của pháp luật. Mục đích cũng còn là tạo cơ hội để phía tư pháp làm cho cả bên nguyên lẫn bên bị đều phải tâm phục khẩu phục.
Kulac (thứ hai từ phải sang) trả lời phỏng vấn sau khi được tuyên vô tội
Kulac (thứ hai từ phải sang) trả lời phỏng vấn sau khi được tuyên vô tội

Trật tự uy quyền này tạo nên sự mặc định vô hình và bất thành văn trong nhận thức của cả phía tư pháp lẫn phía công chúng, bên nguyên cũng như bên bị rằng cấp xét xử càng cao thì mức độ xét xử đúng và công minh, mức độ hợp pháp và hợp hiến của xét xử và phán xử càng cao. 

Cho nên sẽ là chuyện hiếm thấy đến mức rất khó có thể xảy ra trên thực tế khi phán quyết của tòa án cấp cao nhất của quốc gia về sau bị một cấp tòa án thấp hơn trong chính quốc gia ấy lật ngược. Chuyện ấy từng có lần xảy ra ở nước Đức và vì thế vụ việc được coi là một trong những kỳ án đặc biệt nhất ở nước Đức.

Chuyện xảy ra từ năm 2001. Khi ấy một cô gái 9 tuổi mất tích. Mọi nỗ lực tìm kiếm đều không đưa lại kết quả gì. Ngày 30/4/2004, một tòa án cấp huyện xét xử và tuyên phạt mức tù chung thân đối với anh chàng 26 tuổi Ulvi Km Kulac về tội giết hại cô bé này. 

Kulac là người thiểu năng trí tuệ. Bằng chứng duy nhất được tòa có được và sử dụng là thú nhận của Kulac. Tòa tin vào tất cả những thú nhận của người này mặc dù khi người này bị cảnh sát hỏi cung không có sự chứng kiến của luật sư, tức là không thể loại trừ hoàn toàn được khả năng cảnh sát ép cung hoặc lợi dụng sự thiểu năng trí tuệ của Kulac để có được sự thú nhận của Kulac. 

Cho tới tận ngày nay vẫn không tìm thấy thi thể của cô gái. Lại còn có không ít nhân chứng khai trước tòa về diễn biến vụ việc trái ngược hoàn toàn với lời khai của Kulac. Bất chấp mọi thực tế ấy, tòa vẫn tiến hành xét xử và kết tội Kulac đã sát hại cô bé.

Sự kháng án của bên bị làm cho các cuộc xét xử phúc thẩm ở các cấp tòa cao hơn trở nên cần thiết. Nhưng ở đâu cũng đều chỉ thấy phán xử của tòa là y án. Năm 2005, vụ việc này được đưa đến tận tòa án hình sự tối cao của nước Đức và cấp tòa này cũng đi đến phán xử là bác bỏ sự kháng án của bên bị. Nếu chỉ như thế thôi chỉ chẳng nói làm gì bởi quyết định nằm ở trong tay kẻ có quyền chứ không phải luôn ở nơi kẻ có lý. Phán xử của tòa và sự thật không phải khi nào cũng phù hợp với nhau.

Chín năm sau, ở nước Đức xuất hiện những nhân chứng mới và giả thiết mới bác bỏ hoàn toàn khả năng Kulac là thủ phạm. Vụ việc này được tiến hành điều tra lại mà rồi một tòa án cấp huyện ở nước Đức đã đưa ra xét xử lại và phán quyết bác bỏ phán xử của tòa án hình sự tối cao. Kulac được tự do. 

Có người cho rằng trong trường hợp này cấp dưới đã sửa sai cho cấp trên. Có thể như vậy nhưng cũng có thể không vì chẳng ai có thể dám chắc cấp dưới hay cấp trên đã đúng. Nhưng điều chắc chắn nhất, đáng kể nhất và cũng thú vị nhất về phương diện tư pháp là tòa cấp dưới lật ngược phán xử không phải đơn thuần chỉ của tòa cấp trên mà còn của cấp tòa xét xử cao nhất của đất nước.

Đọc thêm