Vụ chiếm đoạt 245 tỉ: Nhân viên Eximbank phớt lờ qui định rút tiền như thế nào?

(PLO) - Trả lời bà Chu Thị Bình, Eximbank luôn mượn lý do về chữ ký giả, chữ ký thật của bà Bình trong giấy ủy quyền để cố tình dây dưa không chịu trả món nợ 245 tỉ. Trên thực tế, nếu người của Eximbank tuân thủ đúng qui định rút tiền thì đã không thể liên tiếp xảy ra nhiều vụ khách hàng bị mất tiền khi gửi vào Eximbank.


 Luật sư Phan Trung Hoài là người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bà Chu Thị Bình
Luật sư Phan Trung Hoài là người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bà Chu Thị Bình

Trên website https://www.eximbank.com.vn/home/static/cn_quydinhguiruttietkiem.aspx, tại mục 3 trong các "Các quy định khi gửi, rút tiết kiệm", Ngân hàng Eximbank ghi rất rõ việc "Rút tiền gửi tiết kiệm theo giấy ủy quyền" như sau:

Trường hợp chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm hoặc đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm không thể trực tiếp đến ngân hàng thì được ủy quyền cho người khác lãnh thay. Việc ủy quyền trong sử dụng tài khoản phải bằng văn bản, được thực hiện theo quy định của pháp luật và quy định của Eximbank về ủy quyền.

Người được ủy quyền lãnh thay thực hiện các thủ tục sau:

-       Xuất trình thẻ tiết kiệm.

-       Xuất trình giấy ủy quyền. Giấy ủy quyền được lập tại Eximbank. Trường hợp giấy ủy quyền không được lập tại Eximbank thì phải có xác nhận của công chứng hoặc chính quyền địa phương theo quy định.

-       Xuất trình giấy CCCD hoặc CMND hoặc HC còn thời hạn hiệu lực của người được ủy quyền.

-       Ký vào giấy rút tiền.

Trong trường hợp khách hàng Chu Thị Bình, khâu đầu tiên trong quy trình rút tiền gửi tiết kiệm đã được các cán bộ của ngân hàng Eximbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh dễ dàng thông qua.

Trao đổi với phóng viên, bà Chu Thị Bình cho biết hiện tại bà đang giữ cả ba sổ tiết kiệm trị giá tương đương 245 tỷ đồng. 

Bỏ qua những chi tiết về giấy ủy quyền mà bà không trực tiếp ký thì việc các nhân viên tại Ngân hàng Eximbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh dễ dàng chi tiền cho khách hàng mà không cần sổ tiết kiệm là điều vô cùng khó hiểu.

Giấy ủy quyền không hợp lệ vẫn được Eximbank thông qua

Theo bà Chu Thị Bình, bà là khách hàng VIP của Ngân hàng Eximbank thế nên bà được ngân hàng này cho phép được thực hiện các giao dịch tại nhà. Tuy nhiên, bà khẳng định chưa bao giờ kí giấy ủy quyền cũng như quen biết những người mà bà ủy quyền.

Bên cạnh đó, việc quy định tính hợp pháp của giấy ủy quyền cũng đã bị Eximbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh dễ dàng bỏ qua.

Bà Bình vẫn còn giữ 3 sổ tiết kiệm gốc, nhưng Eximbank bảo là tiền không còn. Thế Eximbank cấp sổ tiết kiệm cho khách hàng để làm gì?

Bà Bình vẫn còn giữ 3 sổ tiết kiệm gốc, nhưng Eximbank bảo là tiền không còn. Thế Eximbank cấp sổ tiết kiệm cho khách hàng để làm gì?

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 18, Quy chế về tiền gửi tiết kiệm (ban hành kèm theo quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN, được sửa đổi bổ sung bởi quyết định số 47/2006/QĐ-NHNN ngày 25/9/2006 và Thông tư số 14/2017/TT-NHNN ngày 29/9/2017 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về rút tiền gửi tiết kiệm theo giấy ủy quyền như sau:

Điểm 1: Tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm quy định các yếu tố cần thiết của giấy ủy quyền để đảm bảo lợi ích của chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm hoặc đồng chủ sở hữu tài sản tiền gửi tiết kiệm và phù hợp với các văn bản pháp luật có liên quan.

Trong khi đó, khoản 2, điều 16, Quyết định ban hành quy chế tiền gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Eximbank Việt Nam số 5356/2014/EIB/QĐ- HĐQT ngày 08/9/2014 của Hội đồng quản trị Eximbank Việt Nam quy định thủ tục ủy quyền tiền gửi tiết kiệm như sau:

(a) Trường hợp người ủy quyền và người được ủy quyền cùng đến Eximbank làm thủ tục ủy quyền, thủ tục được ủy quyền như sau:

- Người ủy quyền và người được ủy quyền đến bất kỳ điểm giao dịch nào của Eximbank xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn hiệu lực, điền đầy đủ thông tin vào hai tờ giấy ủy quyền theo mẫu của Eximbank và ký tên trước sự chứng kiến của 2 cán bộ Eximbank là giao dịch viên và kiểm soát viên (hoặc lãnh đạo phòng giao dịch).

-Sau khi kiểm tra đầy đủ thông tin đầy đủ, chính xác, hợp pháp, hợp lệ của các yếu tố trên giấy ủy quyền, đối chiếu chữ ký của người ủy quyền còn lưu lại tại Eximbank, lãnh đạo phòng nghiệp vụ liên quan ký xác nhận trên 2 tờ giấy ủy quyền (một bản lưu và một bản bàn giao cho người được ủy quyền).

-Eximbank sao chụp một bản chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn hiệu lực pháp luật của người được ủy quyền, đóng dấu, đã đối chiếu với bản chính, ký xác nhận trên bản sao.

(b) Trong trường hợp người ủy quyền và người được ủy quyền không thể cùng đến Eximbank làm thủ tục ủy quyền thì văn bản ủy quyền phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan công chứng.

Như vậy, mặc dù đã có chữ ký của bà Chu Thị Bình hai tờ giấy ủy quyền nhưng các nhân viên Eximbank đã không thực hiện đúng quy trình về thủ tục ủy quyền trong điều kiện người ủy quyền không đến được chi nhánh Eximbank, đó là có xác nhận của Ủy ban nhân dân Phường, xã hoặc văn phòng công chứng. Chính sự thiếu trách nhiệm này đã tạo điều kiện cho ông Lê Nguyễn Hưng dễ dàng rút tiền của bà Chu Thị Bình.

Trong công văn số 18/C44B-P5 gửi bà Chu Thị Bình, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã xác định: “Ông Lê Nguyễn Hưng (nguyên Phó giám đốc Eximbank – chi nhánh TPHCM) đã lập chứng từ giả mạo liên quan đến các tài khoản tiết kiệm của bà, chiếm đoạt 245.063.537.533 đồng của Eximbank. Cơ quan CSĐT Bộ Công an thông báo để Eximbank – chi nhánh TPHCM biết, thực hiện quyền và nghĩa vụ của Eximbank đối với khách hàng theo đúng qui định của pháp luật”.

Đọc thêm