Vụ Hoa hậu Phương Nga: Có hay không chuyện 'chia tay- đòi quà'?

(PLO) -Không còn là chuyện ngẫu nhiên của duyên số, chuyện các người đẹp gắn với đại gia, thiếu gia đã trở thành “phản xạ có điều kiện”, song câu chuyện của hoa hậu Trương Hồ Phương Nga và đại gia Cao Toàn Mỹ với bản “Hợp đồng tình ái” không chỉ là câu chuyện tình của giới showbiz mà đã nảy sinh vấn đề pháp lý…
Bị cáo Trương Hồ Phương Nga và bị cáo Nguyễn Đức Thùy Dung tại phiên tòa sơ thẩm.
Bị cáo Trương Hồ Phương Nga và bị cáo Nguyễn Đức Thùy Dung tại phiên tòa sơ thẩm.

Tại phiên tòa xét xử vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bị cáo Trương Hồ Phương Nga (29 tuổi, Hoa hậu người Việt tại Nga năm 2007 ) đã bất ngờ cho biết, số tiền 16,5 tỷ đồng nhận từ bị hại là để thanh toán cho cái gọi là “hợp đồng tình ái” với bị hại chứ không phải tiền lừa đảo.

Diễn biến này không chỉ khiến Hội đồng xét xử (HĐXX) trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung mà còn làm cho dư luận có một phen “dậy sóng” về một loại hợp đồng khá lạ lùng…

“Im lặng” tại cơ quan điều tra

Cùng bị đưa ra xét xử tại TAND TP HCM vào ngày 21/9 vừa qua với Phương Nga là bị cáo Nguyễn Đức Thùy Dung (27 tuổi, trú tại quận Tân Bình TP.HCM). Bị hại của vụ án là ông Cao Toàn Mỹ (39 tuổi, Giám đốc một Công ty tại TP.HCM)

Theo cáo trạng thì vào tháng 7/2012, Nga nói với ông Mỹ về việc có người quen muốn bán nhà ở quận 5 với giá 8 tỷ đồng nhưng Nga có thể liên hệ để mua được giá 6 tỷ đồng. Khi ông Mỹ đồng ý mua nhà, Nga và Dung đã bàn nhau để chiếm đoạt tiền của ông này.

Từ tháng 7 đến tháng 12/2012, ông Mỹ đã nhiều lần chuyển cho Nga đủ 6 tỷ đồng nhưng vẫn không có nhà. Sau đó, Nga nói rằng căn nhà ở quận 5 không mua được và giới thiệu cho ông Mỹ mua căn hộ khác ở quận 1 giá 16,5 tỷ. Cùng với 6 tỷ đồng trước đó, ông Mỹ đã chuyển đủ cho Nga 16,5 tỷ đồng để mua nhà.

Quá thời hạn nhưng không được giao nhà, ông Mỹ đòi tiền nhưng đều bị Nga và Dung trốn tránh. Tháng 4/2014, ông Mỹ đã làm đơn tố cáo đến công an.

Sau khi bị khởi tố, Dung khai nhận về hành vi chiếm đoạt tiền như trên. Trong khi đó thì Nga không trả lời bất cứ một câu hỏi nào và một mực phủ nhận cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản của cơ quan điều tra.

Lời khai bất ngờ về “Hợp đồng tình ái”

Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Dung đã bất ngờ phản cung và phủ nhận lời khai trước đó tại Cơ quan điều tra (CQĐT), cho rằng mình đã bị CQĐT “gây áp lực” nên phải khai theo yêu cầu của Điều tra viên, đồng thời muốn kết thúc sớm vụ án nên khai theo những gì họ yêu cầu.

Đặc biệt, cả Dung và Nga đều khai rằng giữa ông Mỹ và Nga có một “hợp đồng quan hệ tình cảm” vào năm 2012 và số tiền ông Mỹ chuyển là tiền để thực hiện hợp đồng này chứ không phải tiền mua nhà.

Khi thực hiện hợp đồng tình ái này được 3 năm (trong tổng thời hạn 7 năm của hợp đồng) thì 2 bên phát sinh mâu thuẫn nên đặt vấn đề chia tay. Sau đó, ông Mỹ đã  tố cáo ra cơ quan công an chuyện bị hoa hậu chiếm đoạt tiền và dựng nên chuyện mua nhà bất thành.

Khai báo chi tiết hơn, bị cáo Nga cho biết, theo hợp đồng quan hệ tình cảm bị cáo sẽ sống với ông 7 năm (từ năm 2012), không cần hôn thú và Nga không được quen biết người khác. Đổi lại, Nga sẽ được ông Mỹ chuyển cho 16,5 tỷ đồng để  thể hiện sự chắc chắn tình cảm và trách nhiệm của ông Mỹ vì ông Mỹ đã có gia đình. 

"Bị cáo không cần một danh phận, bị cáo cũng lớn tuổi rồi, bị cáo muốn ổn định, không muốn rong chơi nữa, nếu anh Mỹ thật lòng thì phải đưa cho bị cáo 16,5 tỷ đồng. Khi anh Mỹ nói lấy gì để chắc chắn là sau khi nhận tiền thì bị cáo không bỏ anh Mỹ để đi theo người khác?

Sau đó anh Mỹ  đưa cho bị cáo bản hợp đồng quan hệ tình cảm và nói nếu bị cáo phá vỡ thỏa thuận thì phải bồi thường…Bản “hợp đồng tình ái” còn có dấu vân tay của bị cáo, chỉ có một bản duy nhất do ông Mỹ nắm giữ"- bị cáo Nga khai. 

Lý giải về việc mình đã từng có lần thừa nhận mua hộ nhà cho ông Mỹ,bị cáo Nga cho biết, có chị P. nói rằng ông Mỹ đang có ý định vu bị cáo bán dâm nên tư vấn cho bị cáo khai nhận đây là tiền nhận để mua nhà. Vì vậy, khi thấy chị P. nói bị cáo có thể bị quy kết tội bán dâm nên bị cáo sợ và viết các lời khai theo hướng dẫn của P.

Trước diễn biến trên, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ về bản hợp đồng tình ái như lời khai của hai bị cáo

Có dấu hiệu vô tội

Đánh giá về quyết định trên đây, nhiều luật sư đều đồng tình với việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung của cấp Tòa sơ thẩm và cho rằng bị can Nga sử dụng “quyền im lặng” của mình tại giai đoạn điều tra là không sai vì Bộ Luật Tố tụng Hình sự đã quy định rõ, “trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng” và “Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”. 

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Cty Luật TNHH Trường Lộc) cho rằng, để cáo buộc Phương Nga có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, CQĐT phải chứng minh được hai dấu hiệu là “có thủ đoạn gian dối” và “chiếm đoạt tài sản”.

Qua lời khai của hai bị cáo, bị hại tại phiên tòa thì có thể thấy việc Nga nhận tiền của ông Mỹ là có. Vì vậy, vấn đề cần xác định rõ hiện nay là việc Nga có dùng “thủ đoạn gian dối” (bịa đặt ra chuyện “mua nhà giá rẻ”) để lừa ông Mỹ chuyển tiền hay không.

Trong khi đó thì LS Phạm Cương (Cty Luật TNHH MTV T.H) nêu lên 2 điểm vô lý: Tại sao ông Mỹ- một người lão luyện trong kinh doanh (kể cả trong lĩnh vực bất động sản) không tự mình đi mua nhà?

Tại sao khi nhờ một cô gái (không họ hàng thân thích) đi mua căn nhà trị giá cả chục tỷ đồng mà ông Mỹ lại không biết căn nhà định mua này ở đâu, giấy tờ ra sao, căn nhà có phù hợp với mình hay không?

Như vậy, việc Hoa hậu Phương Nga khai tại Tòa về cái gọi là bản “Hợp đồng tình ái” không có gì khó hiểu hay ngạc nhiên vì trên thực tế không hiếm những quan hệ tình- tiền giữa các “chân dài” và “đại gia” mà một bên thì được lợi ích vật chất, còn bên kia thì được ái ân vụng trộm.

Bình luận về “Hợp đồng tình ái”, LS Tuấn cho rằng, tuy bị cáo không buộc phải đưa ra chứng cứ để chứng minh mình vô tội nhưng khi Nga đã khai ra nội dung này thì buộc các cơ quan tiến hành tố tụng phải điều tra, làm rõ.

Một khi xác định đúng là ông Mỹ chuyển tiền để thực hiện hợp đồng tình ái theo thỏa thuận giữa hai bên thì cũng có nghĩa bị cáo không có hành vi gian dối, không lừa đảo ông Mỹ, tức là vụ án có dấu hiệu oan sai, cần đình chỉ điều tra vụ án và đình chỉ bị can.

Giao dịch tình-tiền sẽ không được công nhận?

LS Tuấn đánh giá, quan hệ tình- tiền có thể coi là giao dịch dân sự. Tuy nhiên, chỉ khi một trong hai bên hoặc người nào đó cho rằng mình bị thiệt hại và khởi kiện ra Tòa dân sự thì mới đặt ra vấn đề cần xác định giao dịch tình- tiền này có vô hiệu hay không? Việc giải quyết tranh chấp từ giao dịch này như thế nào…

Hiện nay, pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể như thế nào là “trái đạo đức xã hội” nên khó dùng căn cứ này để xác định giao dịch này bị vô hiệu. Tuy nhiên,  nếu căn cứ vào nội dung của bản “Hợp đồng tình ái” và lời khai của bị cáo Nga mà xác định có chuyện quan hệ nam- nữ thì cũng có thể coi hợp đồng này vô hiệu do ẩn chứa quan hệ mua, bán dâm, tức là giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật. 

Theo một số Luật sư, nếu nhìn nhận vụ việc theo hướng trên thì  khả năng rất cao là cơ quan thẩm quyền sẽ coi đây là hành vi mua bán dâm nếu như vậy thì cả ông Mỹ lẫn Hoa hậu Phương Nga sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này.

Lúc này số tiền giao dịch giữa hai bên sẽ được xem xét là “tang vật” để xử lý theo hình thức “tịch thu” xung công quỹ. Như vậy, khi một trong hai bên của “hợp đồng tình ái” có đưa vụ việc tranh chấp ra tòa thì cũng khó có bên nào được sở hữu 16,5 tỷ mà hai bên đã giao dịch trước đó. Như vậy thì cơ hội “chia tay- đòi quà” của ông Mỹ trong vụ việc này sẽ khó có thể thành hiện thực?n

Trong một động thái khác thì sau khi có lời khai của Hoa hậu Phương Nga tại phiên tòa và sự xuất hiện của một số ảnh chụp được coi là nội thư điện tử thể hiện thỏa thuận quan hệ tình- tiền của Hoa hậu Phương Nga, ông Cao Toàn Mỹ đã phủ nhận những thông tin này và có đơn gửi cơ quan điều tra cho rằng mình bị vu khống, bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống cá nhân và gia đình riêng của mình.

Đọc thêm