Vụ Huỳnh Thị Huyền Như: Luật sư đề nghị triệu tập, sử dụng tài liệu vụ 'bầu' Kiên

(PLO) - Tại ngày đầu tiên của phiên xử phúc thẩm vụ đại án, theo ghi nhận của PLVN, do số lượng bị cáo, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi liên quan và luật sư quá đông nên công tác đăng ký tham dự, báo cáo có mặt với Thư ký phiên tòa kéo dài hơn 1 giờ 30 phút. Phiên tòa phúc thẩm do Thẩm phán Quảng Đức Tuyên làm Chủ tọa.

Vụ Huỳnh Thị Huyền Như: Luật sư đề nghị triệu tập, sử dụng tài liệu vụ 'bầu' Kiên
Mặc dù chỉ có 20 bị cáo có kháng cáo, kháng nghị nhưng Hội đồng xét xử (HĐXX) đã triệu tập tất cả 23 bị cáo ra tòa. Bị cáo Như mặc áo đồng phục của trại giam, dáng điệu mệt mỏi chứ không còn vẻ “sành điệu, xài đồ hiệu” như tại phiên sơ thẩm. Gần 100 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nguyên đơn dân sự, bị hại, nhân chứng được triệu tập, đa số đều có mặt. Do phiên xử kéo dài 15 ngày nên ngay trong phần thủ tục, Chủ tọa đã nhắc nhở các bị cáo tại ngoại có thái độ không tốt, chấp hành không nghiêm quy định (vắng mặt) nhẹ sẽ bị áp giải đến tòa, nặng sẽ bị HĐXX thay đổi biện pháp ngăn chặn, bắt tạm giam để đảm bảo cho việc xét xử. Có tổng cộng 34 luật sư (LS) tham gia phiên xử. 
Khi được HĐXX hỏi ý kiến về phần thủ tục, nhiều LS đã “phản ứng” việc họ bị bộ phận an ninh giữ cặp, túi xách, máy tính và đề nghị HĐXX giải tỏa “lệnh” này vì nhiều tài liệu liên quan vụ án được lưu trong máy tính. LS Phan Trung Hoài bức xúc: “Đại diện VKS và HĐXX, Thư ký ghi biên bản phiên tòa đều phải sử dụng tài liệu, máy tính, xách cặp vào phòng xử. Trong khi đó các LS lại bị buộc phải gửi lại máy tính xách tay, để cặp ở bên ngoài phòng xử là điều bất hợp lý”. LS Nguyễn Huy Thiệp nói thẳng: “Việc giữ cặp, máy tính, Ipad của LS là không có căn cứ, vi phạm pháp luật, cản trở quyền hành nghề của LS”.
Đặc biệt, LS Lưu Văn Tám (bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng ACB) đề nghị HĐXX triệu tập những người nguyên là lãnh đạo Ngân hàng ACB gồm Nguyễn Đức Kiên và các cựu lãnh đạo Ngân hàng ACB đến tòa. Một số LS cũng đề nghị HĐXX triệu tập các cá nhân liên quan là những người có chức vụ tại Vietinbank đến tòa và 29 cá nhân, tổ chức đã nhận tiền, hưởng lợi trong số 718 tỉ của ACB gửi cho Vietinbank. Tương tự, LS Trương Thanh Đức (bảo vệ cho Ngân hàng Nam Việt, đổi tên thành Ngân hàng Quốc Dân) đề nghị triệu tập 17 người đã nhận tiền của Như chiếm đoạt, trong đó có người nhận đến 40 tỉ đồng đến tòa để xét hỏi làm rõ.
Tham gia bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank trong phiên tòa này có LS Nguyễn Tiến Hùng (tại phiên sơ thẩm, LS Hùng bào chữa cho bị cáo Như). Trước tình tiết này, LS  Lưu Văn Tám đề nghị HĐXX xem xét xác định lại tư cách vì LS Hùng vi phạm điều cấm của LS khi tham gia với vai trò LS bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank ở phiên phúc thẩm, trong khi quyền lợi giữa Vietinbank và bị cáo Như đối lập nhau trong cùng một vụ án.
Trong phiên xử sơ thẩm hồi cuối tháng 1, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Như mức án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 6 năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, tổng hợp hình phạt là chung thân. Sau đó, Như chấp nhận mức hình phạt, chỉ kháng cáo phần dân sự khi đề nghị trả lại căn biệt thự trị giá 43 tỷ đồng cho mẹ bị cáo là bà Nguyễn Thị Lang.
Liên quan đến vụ án, 22 bị cáo khác cũng bị kết án từ 1 năm tù treo đến 20 năm tù giam về các tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Cho vay lãi nặng; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. 
Dự kiến phiên xử phúc thẩm kéo dài đến ngày 31/12.
PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin./.

Đọc thêm