"Yêu" bạn gái 15 tuổi, chàng trai ra tòa thẳng thừng từ chối luật sư

(PLO) - Sợ bạn gái bỏ nhà đi bụi, chàng trai đưa bạn đến khách sạn dỗ dành. Cô gái sau một đêm ở cùng bạn trai đã trở về nhà, còn chàng trai ra trước vành móng ngựa lĩnh án.
 Không hiểu sao khi đến phiên tòa, bị cáo Tuấn lại bất ngờ từ chối luật sư
Không hiểu sao khi đến phiên tòa, bị cáo Tuấn lại bất ngờ từ chối luật sư
Giận bố mẹ, rủ bạn trai đi bụi
Ngày 8/9, TAND quận Thủ Đức (TP.HCM) vừa xét xử sơ thẩm vụ án “giao cấu với trẻ em” đối với bị cáo Đào Tăng Tuấn (SN 1993, ngụ phường 3, quận Bình Thạnh).
Trước đó, ngày 11/11/2014, Tuấn có quan hệ tình dục với em Nguyễn Hà Giang (SN 1999, ngụ Bình Thạnh) tại một khách sạn ở quận Thủ Đức. Sáu ngày sau, gia đình Giang phát hiện sự việc nên báo công an.
Theo cáo trạng, Tuấn và Giang quen nhau từ tháng 2/2014 trong hoạt động đoàn thể tại địa phương. Thiếu nữ thường tâm sự với Tuấn về cuộc sống gia đình không hạnh phúc, cha mẹ hay cãi nhau và nói muốn bỏ nhà đi “bụi”. 
Sáng 10/11/2014, Giang tìm đến nhà Tuấn và cương quyết thực hiện ý định, bất chấp lời khuyên can của bạn trai.
Sợ mất “người yêu”, Tuấn liền nhờ anh trai chở cả hai đến khách sạn lưu trú vài ngày cho thiếu nữ nguôi giận cha mẹ. Thuê khách sạn cho người yêu xong, Tuấn về đi làm bình thường.
Đến khuya 11/11, Tuấn tìm đến khách sạn thăm người yêu, tại đây cả hai đã quan hệ tình dục hai lần. Sáng hôm sau, thiếu nữ tự động gọi người nhà đến đón. 
Đến ngày 17/11, thấy con gái có nhiều biểu hiện khác lạ, gia đình tra hỏi, sau khi nghe toàn bộ sự việc đã lập tức đưa Giang đến Công an Thủ Đức trình báo. Tuấn bị bắt và tạm giam ngay sau đó. Trong quá trình điều tra, Tuấn khai trước đó khoảng một tháng, cả hai đã ba lần giao cấu.
Tại phiên tòa, Tuấn nói: “Bị cáo quen Giang, hai bên gia đình đều biết và không ngăn cản. Bị cáo thương Giang nên mới đưa đi khách sạn ở khi nghe Giang định đi “bụi”. Bị cáo không biết giao cấu với trẻ em là phạm tội”. Tòa tuyên phạt Tuấn một năm tù, tính từ ngày tạm giam.
Phiên xử vắng lặng, chỉ có gia đình Tuấn và vị luật sư nhưng “mất” quyền bào chữa, coi như người dự khán. Phía bị hại không có mặt.
Bà Lê Thị Diễm Thúy, mẹ bị cáo kể: “Họ đưa con tôi vào. Ông thẩm phán hỏi giọng gắt gỏng “bị cáo có cần luật sư bào chữa hay không”. Con tôi bất ngờ trả lời “thưa không”. Họ nói phiên tòa vẫn diễn ra, bị cáo từ chối mời luật sư bào chữa.
Tôi không rõ trong trại tạm giam họ đã làm gì con tôi. Trong những lần thăm nuôi gần đây, con trai tôi đều khẩn cầu có luật sư bào chữa. Vậy mà phút cuối, nó lại từ chối”.  Bà Thúy tâm sự, đến giờ bà vẫn chưa hết sốc vì con mình từ chối mời luật sư ngay phút chót. 
Bà Thúy kể: “Ở nhà, Tuấn thường bệnh tật, không giúp gì được cho gia đình. Nó chỉ mới đi làm bảo vệ được mấy tháng. Nó quen con Giang, tôi không rõ lắm nhưng gia đình hai bên đều biết chuyện, có ngăn cấm gì đâu. Đùng một cái, họ đi kiện. 
Hôm xét xử, họ không thèm có mặt, bảo nếu thằng Tuấn bị tội nặng thì mới có đơn xin giảm nhẹ tội, còn không thì thôi”.
Cha Tuấn sau ngày đưa con lên công an, hay tin con bị tạm giam vì phạm tội, tâm tính ông trở nên bất thường. “Từ ngày con bị bắt, ông ấy gặp ai cũng bảo “bị gài bẫy”, “bị ám hại” và tỏ ra nghi ngờ với tất cả những người xung quanh. 
Ông ấy điên loạn đi khắp nơi, ăn mặc kỳ quái. Tôi vừa lo cho ổng, vừa tìm cách hỏi xem con bị giam ở đâu, còn đứa con nhỏ nữa, xoay đủ bề. Giờ tôi muốn đưa ổng đi khám bệnh, lấy thuốc nhưng vẫn hi vọng ngày thằng Tuấn ra tù xem ông có bớt được hay không”.
Cơ quan tố tụng “đánh đố” luật sư  
Mẹ Tuấn có nhiều bức xúc. Bà cho biết: “Con tôi bị tạm giam tám tháng nhưng tôi không hề hay biết nơi giam và chưa một lần được thăm nuôi. Họ cho rằng phạm tội nghiêm trọng nên cách ly với gia đình. Tôi lên công an lại được chỉ sang tòa án, sang viện kiểm sát. Họ nói “bị cáo đủ 18 tuổi, không cần gia đình phải quan tâm””.
Cũng theo bà Thúy, trước phiên tòa này, Tuấn đã được đưa ra xét xử một lần nhưng gia đình không biết. Phiên tòa đó hoãn, trả hồ sơ điều tra bổ sung. 
Đặc biệt, trong việc gia đình nhờ luật sư bào chữa cho Tuấn, bà cho rằng cũng bị Tòa gây khó dễ.
Cách đây hai tháng, bà Thúy mới tìm đến luật sư và có hai người nhận lời là luật sư Nguyễn Văn Quynh, Đoàn luật sư Hà Nội và luật sư Phạm Hoài Nam, Công ty Luật Bến Nghé (TP.HCM). Thời điểm này, gia đình mới biết bị cáo bị tạm giam ở Chí Hòa.
Cả hai luật sư nhiều lần tới tòa án quận Thủ Đức để xin cấp giấy chứng nhận bào chữa theo yêu cầu của gia đình bị cáo nhưng đều bị từ chối. Tòa án cho rằng bị cáo đủ 18 tuổi, gia đình không có quyền mời luật sư thay bị cáo. 
Nếu các luật sư muốn được bào chữa thì vào “trại giam” nói chuyện, Tòa chỉ cấp giấy bào chữa khi có đơn của bị cáo. Cả hai luật sư nhiều lần đến trại tạm giam đều không được vào gặp Tuấn vì không có giấy của tòa.
“Rất nhiều lần chúng tôi yêu cầu tòa án cấp giấy giới thiệu để vào trại tạm giam thông báo, hỏi ý kiến bị cáo nhưng đều bị từ chối. Tòa án cho rằng các luật sư phải tự tìm cách vào được trại tạm giam hoặc có được đơn yêu cầu mời luật sư. Tòa án đang làm khó dễ luật sư khi biết rằng cả hai điều trên là không thể”, luật sư Nam cho biết.
Mãi đến khi gia đình bị cáo được thăm nuôi mới gặp được Tuấn để hỏi ý kiến. Bị cáo có đơn yêu cầu luật sư nhưng lại bị bắt chỉ được mời một người, không chấp nhận hai người bào chữa. 
Bà Thúy kể: “Lần thứ nhất, con tôi viết đơn yêu cầu luật sư nhưng không được chấp nhận vì không có danh thiếp. Lần thứ hai, rất may, tôi có mang theo danh thiếp của luật sư Nam nên đơn của con trai tôi mới được chấp nhận”.
Luật sư Quynh bày tỏ: “Đây là vụ án đầu tiên mà tòa án từ chối không đồng ý có hai luật sư bào chữa. Theo luật, việc có bao nhiêu luật sư bào chữa là quyền của bị cáo. Có thể một, hai hoặc nhiều hơn. Tôi và luật sư Nam nộp hồ sơ cùng ngày, cùng địa điểm nhưng chỉ có luật sư Nam được đồng ý. Vụ án hi hữu bậc nhất từ khi tôi hành nghề đến nay”./.

Đọc thêm