Phát hiện“động trời” từ nơi chứa chất thải bồn cầu của Hà Nội

(PLO) - Không có nơi xử lý, hầu hết chất thải vệ sinh của toàn thành phố Hà Nội có thể được đổ trộm xuống ao, hồ, kênh, mương…
Gặp đâu “bậy” đó
Trả lời cho băn khoăn chất thải hút từ các nhà vệ sinh tại Hà Nội được tuồn đi đâu? Ông Ngô Xuân Hiếu, Giám đốc công ty Urenco 10 - đơn vị có uy tín lâu năm trong việc xử lý chất thải ở Hà Nội - “tiết lộ” sự thật động trời: 99% đổ trộm ra ao hồ, đồng ruộng! 
Ông Hiếu lý giải: “Nói sự thật này nghe không ai tin, nhưng cứ nhìn xem, Hà Nội có nhà máy xử lý phân bể phốt nào đâu? Tôi nói 99% là vì duy nhất chỉ có một xí nghiệp xử lý ở Cầu Diễn của Công ty Môi trường đô thị Hà Nội nhưng năng suất rất thấp. Không đi đổ trộm, vứt bừa thì để vào đâu cái thứ “của nợ” ấy?”.
Còn nhớ, cách đây chưa lâu người dân khu vực hồ Yên Sở (Hoàng Mai, Hà Nội) đã “mật phục” bắt được xe của chính công ty môi trường xả chất thải vệ sinh xuống hồ cá. Trước đó, một vụ đổ trộm chất thải và phân bể phốt các chuyến bay, nhà ga sân bay Nội Bài ra đồng ruộng khiến người dân thủ đô phẫn nộ. 
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. 
Vì sao chưa có hệ thống xử lý?
Theo một cán bộ vệ sinh môi trường, về lý thuyết, phân có thể được các công ty sản xuất phân bón mua về lọc ép lấy bã làm phân vi sinh. Nhưng hiếm có doanh nghiệp nào dám mua mặt hàng này. Vận chuyển công phu, đường sá đi xa đã đội giá thành chỉ đáng vài trăm thành tiền triệu. 
Không bán được thì “lách”, đa phần các công ty hút bể phốt đều giả ký hợp đồng bán phân cho các công ty phân bón để che mắt cơ quan cấp phép hoạt động. Sau khi hút đi lòng vòng các phố rồi đổ ụp vào bất cứ nơi đâu có thể, thậm chí cả giải phân cách đường cao tốc.
Thực ra, Hà Nội cũng có một trạm xử lý phân, và trạm duy nhất này nằm ở Cầu Diễn (Từ Liêm), vốn được xây dựng để xử lý phân của các nhà vệ sinh công cộng tại Hà Nội. Nay, số lượng nhà vệ sinh công cộng bị dẹp bỏ khá nhiều nên trạm này có thể nhận thêm xử lý cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. 
Nhưng, ngặt một nỗi công suất quá thấp, chỉ 50 khối/ngày, không thấm vào đâu so với lượng thải mỗi ngày của cư dân trên địa bàn. Trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh đã có tới 3 nhà máy xử lý, đáp ứng yêu cầu vệ sinh môi trường đô thị. 
Ngay những người làm công tác vệ sinh môi trường cũng thấy thật ngạc nhiên khi thủ đô Hà Nội đông dân như thế, mà không đầu tư hệ thống nhà máy xử lý phân bể phốt. Giá hệ thống này khoảng vài ba triệu đô nhưng không phải vì thế mà bó tay vì có thể xã hội hóa. Được biết, UBND TP Hà Nội đã nhiều lần bàn đến vấn đề này nhưng không hiểu sao đến nay vẫn chưa ra ý tưởng gì./.

Đọc thêm