Phát hiện hàng bình ổn giá bán giá cao hơn giá thị trường

UBND TP Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp tham gia chương trình bán hàng bình ổn giá phải đảm bảo giá bán thấp hơn thị trường tối thiểu 10% khi có biến động bất thường về giá. Nhưng thực tế khá nhiều mặt hàng trong diện bình ổn lại được bán với giá cao hơn ngoài thị trường...

UBND TP Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp tham gia chương trình bán hàng bình ổn giá phải đảm bảo giá bán thấp hơn thị trường tối thiểu 10% khi có biến động bất thường về giá. Nhưng thực tế khá nhiều mặt hàng trong diện bình ổn lại được bán với giá cao hơn ngoài thị trường...

Hết hàng vẫn treo biển 

Tổ Công tác liên ngành về bình ổn giá TP Hà Nội cho biết, chương trình bình ổn giá năm 2011 của TP hướng đến phục vụ người có thu nhập thấp, tập trung vào người tiêu dùng ngoại thành, các khu công nghiệp. Trong số 561 điểm bán hàng bình ổn thì có tới 271 điểm bán được tổ chức ở khu vực ngoại thành, 57 điểm bán ở các chợ truyền thống, 70 điểm bán tại hệ thống siêu thị.

sbsf
Ảnh minh họa

Tuy vậy, đến nay nhiều người tiêu dùng vẫn chưa biết các điểm bán hàng bình ổn giá được phân bố ở đâu? ở những điểm chợ, siêu thị nào?

Bác Lê Thị Tửu (Khu tập thể Thành Công, quận Ba Đình) phân trần: “TP nói là bố trí các điểm bán hàng bình ổn giá tại các chợ. Nhưng Thành Công là một trong những chợ lớn của TP, phục vụ người dân của rất nhiều khu tập thể lân cận, các trường học, sinh viên…nhưng tôi tìm mỏi mắt cũng không thấy hàng bình ổn giá bán ở đâu”.

Thậm chí, có những nơi bên ngoài thì treo biển bán hàng bình ổn giá nhưng bên trong lại không có mặt hàng này. Cuối tháng 7 vừa qua, khi phóng viên vào Siêu thị Ctivi Mart trên đường Cầu Giấy để mua hàng bình ổn giá (vì thấy bên ngoài có treo biển), nhưng tìm mãi cũng không thấy. Hỏi nhân viên bán hàng thì được trả lời: “Siêu thị đã ngừng bán hàng bình ổn giá vài tháng nay”.

Theo phản ánh của nhiều người tiêu dùng, khu vực nội thành hàng bình ổn giá hầu như chỉ được bán tại các siêu thị. Và như vậy, hàng rất ít khi đến được với người nghèo, bởi người nghèo thường chỉ mua hàng ở những chợ dân sinh. Vô hình chung, mục đích TP đặt ra là phục vụ chủ yếu cho người nghèo đã bị lệch hướng.

Lộn xộn giá bán

Hà Nội đã triển khai việc bán hàng bình ổn giá được vài năm, nhưng đến nay rất nhiều người tiêu dùng không mấy mặn mà. Theo họ, mang tiếng là hàng bình ổn giá nhưng giá các mặt hàng trong diện bình ổn lại cao hơn những điểm kinh doanh của các doanh nghiệp không tham gia bình ổn giá.. 

“Trong khi giá thịt lợn thăn ngoài chợ chỉ 140.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 110.000 đồng/kg thì hàng bình ổn giá trong siêu thị bán tới 157.000 đồng/kg thịt thăn; 140.000 đồng/kg thịt ba chỉ. Cũng là dầu ăn Neptune, ngoài đại lý bán 42.000 đồng/chai 1 lít thì hàng bình ổn giá trong siêu thị bán tới 44.000 đồng/chai 1 lít. Thử hỏi, tôi mua hàng ở đâu rẻ hơn? đó là chưa kể đi siêu thị phải mất 3.000 đồng tiền vé gửi xe”- chị Mai Thị Tiến (quận Thanh Xuân) chia sẻ.

Kiểm chứng, phóng viên đã dạo qua một số chợ và siêu thị để so sánh về giá giữa các mặt hàng trong diện bình ổn và không bình ổn. Đơn cử như trứng gà công nghiệp của Cty Cổ phần chăn nuôi CP, tại đại lý gần chợ Thành Công bán giá 24.000 đồng/chục, nhưng cũng mặt hàng này khi được bán trong quầy hàng bình ổn giá tại Siêu thị Fivi Mart trên đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài (quận Cầu Giấy) lại lên tới 26.500 đồng/chục. Một chai dầu ăn Simply loại 2 lít tại siêu thị Big C bán với giá 86.000 đồng thì cũng tại Siêu thị Fivi Mart bán với giá 89.800 đồng….

Không chỉ vậy, ngay cả các doanh nghiệp cùng tham gia chương trình bình ổn giá thì giá bán trên mỗi sản phẩm cùng loại cũng mỗi nơi một khác. Chẳng hạn tại Siêu thị Fivi Mart trên đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài, giá dầu ăn Neptune loại 1 lít là 43.600đ/chai, loại 2 lít là 88.900đ/chai, loại 5 lít là 205.500đ/chai. Nhưng tại siêu thị Fivimark (trên đường Lê Đức Thọ, huyện Từ Liêm), giá bán  mặt hàng trên chỉ có 42.500đ/chai 1 lít, 84.000đ/chai 2 lít, 203.000đ/chai 5 lít.

Tương tự, tại Siêu thị Fivi Mart, giá dầu đậu nành Simply loại chai 1lít, 2 lít và 5 lít có giá lần lượt là 44.800đ; 89.800đ;  213.000đ; Tuy nhiên, tại siêu thị Hapromart (51 Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng), mặt hàng tương ứng này lại có giá rẻ hơn từ 2- 6.000đ…Tuy sự chênh lệch về giá không cao nhưng cũng khiến người tiêu dùng băn khoăn và nghi ngại về tính nhất quán trong chính sách bán hàng bình ổn giá của thành phố.

Theo  Quyết định 1907/QĐ-UBND (26/4/2011),UBND TP. Hà Nội đã tạm ứng cho các DN tham gia bán hàng bình ổn giá trong năm 2011 là 475 tỷ đồng. Nhiều người đặt câu hỏi: Việc một số mặt hàng tham gia bình ổn lại có giá bán cao hơn giá thị trường, vậy người tiêu dùng hay DN được lợi từ chính sách này???

Vân Anh

Đọc thêm